NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh – Những kết quả nổi bật sau 03 năm thực hiện

10/11/2023 06:49:57AM
Màu chữ Cỡ chữ

Nghị quyết về “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh” là một trong 03 chương trình đột phá của Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã có những đánh giá về kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 03 năm triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, sau 03 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện và đạt được  kết quả bước đầu. Các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đều đạt theo tiến độ; nhiều quy định, hướng dẫn để cụ thể hóa được ban hành. Triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được đầu tư, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới được nâng lên, xây dựng các trường trung học phổ thông hoạt động theo chất lượng cao được quan tâm; công tác giáo dục hướng nghiệp được đẩy mạnh, có nhiều giải pháp tích cực để phân luồng học sinh. Công tác đào tạo nghề được quan tâm chỉ đạo, số lượng đào tạo nghề hàng năm tăng, các ngành nghề đào tạo gắn với việc làm thực chất hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động, phù hợp thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năng suất lao động từ 123,1 triệu đồng/lao động năm 2019 tăng lên 159,22 triệu đồng/lao động năm 2022 (cả nước là 188,1 triệu đồng/lao động)

Các cơ sở đào tạo nghề được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, huy động được sự tham gia của các nguồn lực ngoài xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đào tạo nghề. Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo (năm 2020 là 71%, năm 2022 là 73,35%), có bằng cấp, chứng chỉ (năm 2020 là 30%, năm 2022 là 32,07%), cao hơn mức bình quân của cả nước. Năng suất lao động tăng, năm 2022 là 159,22 triệu đồng/lao động, so với năm 2019 là 123,1 triệu đồng/lao động. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cơ sở được nâng lên rõ nét cả về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác và quản lý nhà nước; công tác đào tạo gắn với chức danh quy hoạch và vị trí việc làm. Chỉ số thành phần trong cải cách hành chính về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được nâng lên từ 80,39% năm 2019 lên 88,08% năm 2022. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương được xây dựng hợp lý, từng bước phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh kết quả đạt được, Tỉnh ủy nhận định, việc ban hành kế hoạch cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nội dung kế hoạch chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Công tác đào tạo nghề với trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số tuyển sinh đào tạo. Việc đánh giá và dự báo nhu cầu đào tạo lao động, nhu cầu việc làm, hiệu quả chưa cao, nhất là nguồn nhân lực trên các ngành, lĩnh vực khoa học kỹ thuật nên thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp, nông nghiệp. Năng suất lao động còn thấp so với cả nước (cả nước là 188,1 triệu đồng/lao động). Chỉ số đào tạo lao động trong thành phần chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp (đạt 5,33 điểm, giảm 0,11 điểm so với năm 2021). Công tác phân luồng học sinh chưa đạt chỉ tiêu đề ra; hiệu quả công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông chưa cao.

Ngoài ra, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong hệ thống chính trị khá khiêm tốn; công tác tuyển dụng công chức, viên chức còn gặp khó khăn, nhất là việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, y tế thiếu nguồn tuyển dụng; việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ còn ít. Công tác xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực chưa nhiều, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp; việc liên kết giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp chưa nhiều các trường chậm đổi mới và thay đổi mô hình để nâng cao hiệu quả hoạt động (Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, Trung cấp Y tế, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật).

Đáng lưu ý hơn, là vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức tính chuyên nghiệp, phục vụ chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương; chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở còn thấp chưa thu hút, giữ chân được cán bộ vào công tác, nhất là người hoạt động không chuyên trách. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học ở các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ, kiến trúc còn thấp; nhân lực trong ngành y tế còn thiếu, nhất là tuyến cơ sở; về đào tạo theo đơn đặt hàng đối với ngành y tế số lượng chưa đạt yêu cầu do vướng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ cấp tỉnh chưa đạt tỷ lệ quy định; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thấp (năm 2018 xếp thứ 35, năm 2022 xếp thứ 57 trong cả nước).

Cũng theo đánh giá của Tỉnh ủy, nguyên nhân hạn chế là do một số cơ quan, đơn vị chưa đầu tư nghiên cứu sâu, kỹ các nội dung trong Nghị quyết nên việc lãnh đạo, quán triệt thực hiện chưa toàn diện, chưa sâu sát; chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện nên lãnh đạo cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết còn chậm. Mặc khác, Ngành, nghề đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu học nghề; cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực của tỉnh chưa đủ sức cạnh tranh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tinh thần, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa cao.

An Bang 

Các tin khác

  • Lan tỏa giá trị tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (04/06/2024)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 15 năm triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Long An (10/01/2024)
  • Long An: Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 23% so với đầu năm 2023 (22/12/2023)
  • Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội qua 9 năm đạt gần 6.000 tỷ đồng (19/12/2023)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) (15/12/2023)
  • Tỉnh ủy đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (06/12/2023)
  • Sản xuất nông nghiệp năm 2023 tăng trưởng 4,12% (05/12/2023)
  • “Quỹ vì người nghèo” vận động gần 45 tỷ đồng trong năm 2023 (05/12/2023)
  • Cán bộ, công chức dôi dư được bố trí, sắp xếp đúng quy định (30/11/2023)
  • Bố trí cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn nhiều khó khăn (30/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối