Đất và người Long An

Kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

05/03/2022 03:34:52PM
Màu chữ Cỡ chữ

Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy, luôn mang trong mình những phẩm chất cao quí mà Bác Hồ đã trao tặng “ Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Trải qua năm tháng xây dựng và trưởng thành, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy truyền thống, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; ở cương vị nào, phụ nữ cũng phát huy được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình. Họ là những người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, họ là những người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh, họ là những người gìn giữ giống nòi và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, họ là những người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Năm nay, một mùa tháng ba nữa lại về, hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi còn đọng lại của Xuân Nhâm Dần 2022, chúng ta hãy cùng ngược dòng lịch sử để tìm về nguồn gốc của ngày lễ 8/3. Vào cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ, nền công nghiệp đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp, nhưng bọn chủ nghĩa tư bản trả lương cho họ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân ở Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đó là khởi nguồn cho các phong trào đấu tranh mạnh mẽ của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Tại Đại hội phụ nữ Quốc tế lần thứ 2 họp tại Cô-pen-ha-ghen (Thủ đô Đan Mạnh) năm 1910 đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”. Từ đó ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày hội truyền thống của phụ nữ toàn thế giới đoàn kết, đấu tranh để tự giải phóng và phấn đấu thực hiện mục tiêu: Bình đẳng-Phát triển-Hòa bình.

Với Việt Nam, lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước  đã ghi nhận rất nhiều những chiến công oanh liệt, chói sáng của những người con gái dòng giống lạc hồng. Sử sách ghi lại vào mùa xuân năm Canh Tý (40CN), bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị con gái lạc tướng huyện Mê Linh thuộc dòng dõi Hùng Vương đã phát động cuộc khởi nghĩa của nhân dân Âu Lạc toàn diện, rộng khắp để chống lại thế lực phong kiến phương Bắc. Cuộc khởi nghĩa ấy đã thu hút rất nhiều các vị nữ tướng, nữ binh tham gia trong hàng ngũ đội quân của Hai Bà, đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão đánh tan giặc Hán, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ, hai bà lên làm vua và đóng đô ở Mê Linh.

Chiến thắng Mê Linh là nốt son đánh dấu mốc quan trọng về vai trò người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người phất cờ khởi nghĩa và xưng vương là phụ nữ, đã lập nên một Nhà nước vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất kéo dài tới 246 năm. Nhân kỷ niệm 1982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, xin mượn một đoạn thơ trong Đại Nam quốc sử diễn ca để kể về cuộc khởi nghĩa năm nào:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành…”

Tiếp bước truyền thống của những trang sử vàng, phụ nữ Việt Nam đã có biết bao tấm gương sáng ngời với những phẩm chất cao quý về lòng trung thành với Tổ quốc, về tinh thần hy sinh dũng cảm, họ đã khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam mềm nhưng không yếu. Họ đã sát cánh với phái mạnh để đem lại những ngày huy hoàng của lịch sử dân tộc trong đó có những tấm gương đã hóa thành những tượng đài bất tử trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Đó là Mẹ Suốt, là các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Định và biết bao nữ anh hùng, liệt sỹ đã để lại tuổi thanh xuân trong mưa bom bão đạn, để tâm hồn thơm thảo hóa thành nắng gió hòa bình của ngày hôm nay. Tên tuổi của các chị mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc và luôn gắn liền với lịch sử của phong trào phụ nữ Việt Nam.

Có thể nói trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã lập nên bao kì tích, góp phần quan trọng trong sự nghiệp chấn hưng, trường tồn dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về những người con gái kiệt xuất viết nên trang sử vàng cho non sông gấm vóc.Thực tế lịch sử đã chứng minh, trên mọi lĩnh vực hoạt động từ miền ngược đến miền xuôi, từ nam chí bắc, các tầng lớp phụ nữ, các lứa tuổi, các dân tộc luôn khẳng định vai trò của mình. Các mẹ, các chị là những chiến sĩ kiên cường chống giặc ngoại xâm, là người lãnh đạo cần cù, thông minh và sáng tạo, Là người chủ gia đình diụ hiền, đảm đang, trung hậu, là người sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

 Hòa trong không khí tinh thần ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tinh thần khởi nghĩa Hai Bà Trưng quật khởi, phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ tỉnh Long An nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống vốn có, quyết tâm phấn đấu, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để phát huy tính chủ động, bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại trong thế kỷ XXI. Nỗ lực phấn đấu, học tập, tự nâng cao trình độ, tự khẳng định mình trong công tác và gia đình, chủ động, tích cực trên mọi phương diện, thể hiện sự bình đẳng của bản thân về đóng góp cũng như thụ hưởng, tích luỹ kiến thức, năng lực, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng của phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển, xứng đáng là phụ nữ Việt Nam “Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”./.

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối