Thông tin tổng hợp

Giữ gìn và phát huy nghề truyền thống

11/05/2022 03:23:54PM
Màu chữ Cỡ chữ

Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho nhiều làng nghề truyền thống ở Long An không ít khó khăn, thách thức, nhưng đến hôm nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn được lưu giữ, kế thừa bởi những nghệ nhân, những người thợ tâm huyết.

Mỗi cái trống làm ra phải có bản sắc riêng và điều đó phụ thuộc vào tay nghề của người thợ

Long An là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc. Nhiều sản phẩm thủ công của làng nghề nổi tiếng gần xa bởi sản phẩm có được bản sắc riêng và đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật. Một trong số đó phải kể đến là làng nghề trống Bình An, ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ. Từ năm 1842, nghề làm trống đã xuất hiện tại làng Bình An và gắn liền với đời sống văn hóa người dân nơi đây trong suốt 180 năm qua. Cụ tổ Nguyễn Văn Ty của dòng họ Nguyễn là người đặt “viên gạch” đầu tiên cho nghề làm trống trên đất Bình An. Đến nay, dòng họ Nguyễn tự hào có 5 đời gắn bó với nghề truyền thống này. Trong đó, người dày dặn kinh nghiệm, được đánh giá cao về kỹ thuật trong làng hiện nay là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Mến. Ông Mến trải lòng: “Nghề làm trống trong làng từng trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn nhưng bản thân tôi và các hộ dân làng nghề vẫn miệt mài bám trụ, duy trì và gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Nó vượt ra khỏi giá trị vật chất về kinh tế mà là trách nhiệm, giá trị văn hóa tinh thần và là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn”. Anh Nguyễn Văn An, một trong hai người con trai kế nghiệp của ông Mến chia sẻ thêm: “Nghề này hầu như làm thủ công, rất vất vả, ngoài đòi hỏi yếu tố kỹ thuật, kinh nghiệm, tay nghề ra thì người thợ phải có sức khỏe tốt mới đảm đương công việc. Để làm ra 1 cái trống, người thợ phải chăm chút, tỉ mỉ với gần 20 công đoạn. Trong đó, kỳ công nhất là kỹ thuật ghép gỗ, bí quyết xử lý da trâu, bào da. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự đặc biệt và khác biệt cho từng chiếc trống của làng nghề”. Với kinh nghiệm và uy tín trong nghề, mỗi năm, cơ sở làm trống của ông gia đình ông Mến nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh miền Tây, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,…Đặc biệt, trống Bình An còn được xuất khẩu ra các nước khác trên thế giới như: Mỹ, Australia, Singapore, Malaysia, Indonesia,…

Mỗi tháng, 80 thành viên của tổ đan cần xé cung cấp khoảng 2.000 sản phẩm cho thị trường.

Làng nghề truyền thống trống Bình An hiện có 20 gia đình đang theo nghề và đa phần đều là họ hàng. Nơi đây sản xuất hơn 10 loại trống như: Trống đại, trống lân, trống trường, trồng chùa,…nổi tiếng gần xa bởi âm thanh hay, chuẩn xác. Nối tiếp truyền thống của cha ông, những người trẻ ở đây vẫn đang phấn đấu, nỗ lực từng ngày, trở thành người thợ giỏi, nghệ nhân lành nghề để gìn giữ, phát huy thương hiệu trống Bình An  và để tiếng trống làng nghề mãi vang xa trong và ngoài nước.

Tại huyện Đức Hòa, nhiều nghề, làng nghề truyền thống như một dòng chảy văn hóa bền bỉ, âm thầm hiện hữu giữa mạch sống hối hả của một huyện công nghiệp hiện đại. Trong đó, có làng nghề truyền thống đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa. Không ai biết làng nghề có từ khi nào, nhưng từ bao đời nay, hết thế hệ này đến thế hệ khác, người dân nơi đây đã truyền nghề cho nhau. Cứ thế, tre già măng mọc, làng nghề tồn tại và hoạt động cho đến tận hôm nay. Người trong làng lớn lên đã học vót nan, học đan đát,…. Mỗi gia đình đều trồng bụi tre, bụi trúc trong vườn nhà như đặc trưng của làng nghề. Chính nếp sống ấy đã tạo sức sống bền bỉ, để rồi dù trải qua bao thăng trầm nghề đan cần xé vẫn gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với các thế hệ người dân nơi đây. 15 tuổi, cô Nguyễn Thị To đã biết đan thành thạo cần xé. Đến nay, cô To đã gắn bó với nghề được 47 năm, cô chia sẻ: “Dù lớn tuổi nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Hôm nào mệt, tôi nghỉ chừng đôi, ba ngày đã thấy bứt rứt, nhớ nghề. Nghề đan cần xé này không giúp người dân làm giàu, nhưng cũng đem lại cho họ cuộc sống no đủ. Mỗi ngày, người thợ lành nghề có thể kiếm được khoảng 120.000 đồng. Đặc biệt, nghề này không phân biệt độ tuổi lao động, người làm lâu năm thì kinh nghiệm càng nhiều, đan càng đẹp”.

Mặc dù, làng nghề truyền thống với các sản phẩm khác nhau nhưng có điểm chung là làm thủ công. Bằng tình yêu nghề, sức sáng tạo bền bỉ của các nghệ nhân, thợ thủ công cùng đầu ra ổn định đã giúp các làng nghề truyền thống “đứng vững” trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; gắn kết giá trị truyền thống và hiện đại.

Anh Thư

 

Các tin khác

  • Chính phủ: Quy định về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (30/06/2023)
  • Phát triển xã hội số tại tỉnh Long An (05/04/2023)
  • Bến Lức tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa huyện (25/03/2023)
  • Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (02/03/2023)
  • Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn tỉnh Long An (02/03/2023)
  • Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh (28/02/2023)
  • Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An (27/02/2023)
  • Tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Long An (27/02/2023)
  • “Xây dựng xã hội học tập” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An (26/02/2023)
  • Long An: Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp năm 2023 khoảng trên 45.000 vị trí việc làm (26/02/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối