LONG AN “Trung dũng, kiên cường, toàn dân, đánh giặc”
Long An là vùng đất có vị trí chiến lược và bề dày lịch sử, nhân dân Long An bao đời nay luôn giàu truyền thống yêu nước. Từ buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất này đã từng là nơi hội tụ các phong trào đấu tranh yêu nước, gắn liền với các tên tuổi như: Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thông, Võ Duy Dương và nhiều anh hùng nghĩa sĩ khác. Khi Đảng ra đời và lãnh đạo, Long An sớm có những chi bộ đầu tiên như Đức Hòa (Quận Đức Hòa) do Võ Văn Tần làm bí thư, chi bộ Long Phú (Bến Lức), Phước Lâm (Cần Giuộc)… lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiến lên khởi nghĩa vũ trang, đánh đổ thực dân trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, đỉnh cao là khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945 - Tân An là nơi đi đầu ở Nam Bộ. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, căn cứ địa Đồng Tháp Mười từng được mệnh danh là “Việt Bắc của miền Nam” vang danh cả nước, những trận đánh nổi tiếng như: Trận Giồng Dinh, Mộc Hóa, Láng Le đi vào thơ ca, bao phen gây kinh hoàng cho quân xâm lược.
Phát huy truyền thống đấu tranh trong 9 năm chống Pháp, quân dân Long An (trước đây là Long An và Kiến Tường) tiếp tục giành nhiều thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù Mỹ trực tiếp đưa vào miền Nam bao nhiêu vạn quân, dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”, Đảng bộ Long An xác định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ đã phát động phong trào “Toàn dân đánh giặc”. Từ phong trào này, ở nhiều nơi, bộ đội, du kích, nhân dân Long An đã thi đua đạt các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”; cả thanh niên, người già, trẻ em cùng tham gia đánh Mỹ. Nhiều gia đình đêm đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, ngày ngày đi đấu tranh chính trị, ngăn các cuộc càn quét của địch; nhiều tập thể du kích vừa sản xuất, vừa rào làng chiến đấu, đánh địch bằng muôn vàn kiểu cách... Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng làng xã chiến đấu và các vành đai diệt Mỹ, tiến công địch bằng nhiều mũi giáp công, linh hoạt và biến hóa, dân và quân Long An đã kiên cường bám trụ, bảo đảm nhiệm vụ phục vụ chiến trường và giữ vững hành lang chiến lược. Nổi bật trong đó là Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến và Chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc. Cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện trên địa bàn Long An đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân chiến đấu ngoan cường được phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng như: Tiểu đoàn 1 Long An 3 lần anh hùng với truyền thống vinh quang “Điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó ”; các đội quân tóc dài đấu tranh chính trị trực diện với địch và đội nữ pháo binh cơ động kiên cường; các đơn vị thông tin, giao bưu, cơ yếu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều cá nhân anh hùng như: Nguyễn Thị Hạnh, Huỳnh Văn Tạo, Nguyễn Văn Thể, Trần Thế Sinh, Huỳnh Việt Thanh, Trương Thị Giao, Nguyễn Thị Ba, Dương Thị Hoa,…; nhiều người chỉ huy giỏi như: Trương Công Xưởng, Huỳnh Công Thân, Nguyễn Văn Chiểu; nhiều dũng sĩ diệt Mỹ, nhiều tấm gương tuổi trẻ anh hùng được cả nước biết đến như: Võ Tấn Đồ, Mai Thị Non, Nguyễn Thái Bình,…Với ý chí quyết tâm, phẩm chất trung dũng, kiên cường, phát huy sức mạnh lòng dân, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An đã làm nên nhiều chiến công oanh liệt góp phần đánh bại chống Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ của Mỹ - ngụy. Trong giai đoạn này, ý nghĩa “Toàn dân đánh giặc” không chỉ là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích mà còn là sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh địch bằng cả chính trị, quân sự, binh vận.
Với phẩm chất truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất và thành tích đặc biệt xuất sắc trong cao trào toàn dân đánh Mỹ, ngày 17 tháng 9 năm 1967, tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định phong tặng Đảng bộ và quân dân Long An danh hiệu và lá cờ vẻ vang ghi tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Danh hiệu cao quý đó chính là sự đúc kết truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và sức mạnh toàn dân và quân Long An dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành nguồn động viên lớn lao để nhân dân ta phát huy trong chặng đường kế tiếp, góp phần tiến lên hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Danh hiệu “Long An trung dũng kiên cường - toàn dân đánh giặc” mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Long An, là động lực của hiện tại và tương lai.
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, Long An không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” vào hoàn cảnh lịch sử mới. Dù phải trải qua muôn vàn khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo tập trung, năng động sáng tạo của Đảng bộ, trong những năm 1975 – 1985, quân dân Long An không ngừng hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung sức khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, đặc biệt bảo vệ vững chắc biên cương, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (1976 - 1980), Long An vừa sản xuất ổn định đời sống, cưu mang gần 1 vạn người dân Campuchia sang tránh họa diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, năm 1977, Long An đi đầu trong phong trào xóa giặc dốt ở miền Nam. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai (1980 - 1983), Long An thực hiện cơ chế “một giá”, “đột phá vào cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN trên phạm vi cả nước”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (1983 - 1986), Long An tiến quân khai mở Đồng Tháp Mười tạo ra sản lượng lương thực chưa từng có (trên 600.000 tấn, năm 1984). Năm 1985, Long An được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Từ năm 1986 đến nay, trải qua hơn 34 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và quân dân Long An không ngừng vươn lên trong quá trình đổi mới tư duy, trước hết đổi mới tư duy về kinh tế, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hạch toán trong sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung sức người sức của xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại lao động đất đai, thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cải tạo nông nghiệp và xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Với bước đột phá từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2001), Đảng bộ đề ra bốn chương trình trọng điểm về kinh tế - xã hội, đã tạo điều kiện cho Long An chủ động và chính thức gia nhập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ năm 2003. Đến hết năm 2019, GRDP đạt 9,41 %. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ một nền kinh tế thuần nông (năm 1976, giá trị sản lượng công nghiệp chỉ có 15 triệu đồng, tỷ trọng công nghiệp 7,6%) chuyển sang nền kinh tế có cơ cấu công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm tỉ trọng cao (năm 2019, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 15,9%, khu vực công nghiệp- xây dựng chiếm tỷ trọng 50,1% và khu vực thương mại- dịch vụ là 34%). GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 72,67 triệu đồng. Sản lượng lương thực tăng từ 427.000 tấn năm 1976, lên 720.000 tấn năm 1986 và 2,75triệu tấn vào năm 2019.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và Thủ Tướng Chính phủ ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân; tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,12%, tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành; sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, trong đó chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, nên thiệt hại thấp; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đặt 8.533 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, đây là kết quả khá trong điều kiện các nguồn thu sụt giảm và thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tập trung lãnh đạo, thực hiện chặt chẽ.
Với những thành tích to lớn đó, trong 53 năm qua, Long An vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất,...; hàng trăm tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc. Danh hiệu cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” đã trở thành biểu tượng trong lòng mỗi người dân Long An và là niềm tự hào to lớn, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp.
Tuy còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đổi mới, hội nhập để phát triển, nhất là phòng chống các nguy cơ từ quan liêu và tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, song với truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” chắc chắn Đảng bộ và nhân dân Long An sẽ nêu cao truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức phấn đấu, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển của cả nước. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tiến tới Đại hội XI của tỉnh.
Các tin khác
- Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - sống mãi trong lòng người dân (14/10/2024)
- Lễ Chu niên "Công thần khai quốc" Nguyễn Huỳnh Đức (10/10/2024)
- Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” (20/09/2024)
- Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
- Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
- Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
- Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
- Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
- 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
- TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
- Tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội năm 2024
- Thông báo về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)
- Thông báo nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
- Thông báo việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2022
- Thông báo nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021)
- Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng tỉnh Long An giai đoạn 2021- 2025
- Thông báo treo cờ Tổ quốc chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026
- Thông báo Về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2020
- Khai trương vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Long An
- Nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020