NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Bến Lức trồng chanh hữu cơ gắn với xây dựng mã số vùng trồng

25/05/2023 07:35:48AM
Màu chữ Cỡ chữ

Huyện Bến Lức là vùng trồng chanh trọng điểm của tỉnh. Ngoài ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chính quyền và ngành chức năng huyện còn triển khai mô hình trồng chanh theo hướng hữu cơ, gắn với định hướng xây dựng mã số vùng trồng nhằm đảm bảo xuất khẩu chanh bền vững.

Trong khi thông thường, vườn chanh 8-10 năm tuổi sẽ cằn cỗi, suy kiệt, phải phá bỏ để trồng mới nhưng nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ mà vườn chanh 11 năm tuổi của ông Hà Văn Nhặn, xã Lương Hòa vẫn đang cho trái tốt. Đồng thời, phương pháp canh tác này còn giúp ông Nhặn giảm chi phí phân, thuốc từ 8-10 triệu đồng/ha/năm. Ông Nhặn phấn khởi chia sẻ: “Tôi chuyển đổi sang trồng theo hướng chanh hữu cơ được 3 năm rồi, kết quả mang lại khá bất ngờ khi cây chanh kéo dài tuổi thọ hơn 2-3 năm so với sản xuất truyền thống. Ngoài ra, khi sử dụng phân hữu cơ sẽ giảm được dịch hại, sâu bệnh trên cây chanh, từ đó giảm được số lần phun và chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Thêm vào đó, giá phân bón hữu cơ cũng “mềm” hơn phân bón hóa học nên giúp tôi tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”.

Canh tác theo hướng hữu cơ giúp kéo dài tuổi thọ cây trồng

Sau khi tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuât từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức, anh Huỳnh Văn Long hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học thay vào đó sử dụng phân, thuốc có nguồn gốc hữu cơ, sinh học cho vườn chanh 0,5 ha của mình. Trong quá trình canh tác, anh đã giảm 30-40% phân vô cơ, kéo theo số lần phun thuốc cũng giảm từ 36 lần/năm xuống còn 16-18 lần/năm; đặc biệt, loại bỏ hoàn toàn hoạt chất cấm Bacloputrazon. Anh Long cho biết: “Bây giờ, nông dân được tập huấn kỹ thuật nhiều, cộng thêm được tiếp cận thông tin tuyên truyền trên báo chí giúp thay đổi tư duy sản xuất. Hiện tại, tôi chú trọng sản xuất chanh bền vững theo hướng hữu cơ vừa giúp cải tạo đất tơi, xốp, giảm vi khuẩn gây hại, giảm mầm bệnh trong đất, vừa tạo ra trái chanh “sạch”, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có như vậy thì trái chanh mới xuất khẩu được sang các thị trường khó tính”.

Hướng đến nền nông nghiệp “sạch” bằng phân hữu cơ

Trên nền tảng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, huyện Bến Lức triển mô hình trồng chanh theo hướng hữu cơ, gắn với định hướng xây dựng mã số vùng trồng cho xuất khẩu. Mô hình được khởi động từ năm 2021 với 80 ha, năm 2022 là 120 ha và trong năm 2023 này là 360 ha. Mô hình đang được triển khai tại 6 xã, gồm: Bình Đức, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình và Tân Hòa. Ông Nguyễn Văn Cơ – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bến Lức thông tin: “Theo cách làm truyền thống, nông dân thường ưu tiên sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dạng hóa học. Điều này về lâu dài gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, làm đất sản xuất nông nghiệp ngày càng suy kiệt, mất cân bằng sinh thái. Ngoài ra, còn gây tổn thương cho bộ rễ cây chanh, ảnh hưởng tới sự hấp thu chất dinh dưỡng và tạo điều kiện bệnh hại xâm nhập. Do đó, ngành nông nghiệp huyện định hướng nông dân sản xuất chanh theo hướng hữu cơ nhằm cải tạo đất, nâng cao chất lượng trái chanh”.

Canh tác theo hướng hữu cơ – giải pháp xây dựng thương hiệu bền vững, tăng thế cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản

Chanh được xếp vào nhóm các loại cây ăn trái quan trọng của Việt Nam và là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Long An nói chung, huyện Bến Lức nói riêng, có lợi thế trên thị trường xuất khẩu. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng trái chanh luôn là mục tiêu quan trọng của chính quyền địa phương hướng đến. Trong đó, mô hình sản xuất chanh theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng mã số vùng trồng là giải pháp tất yếu để cây chanh phát triển ổn định và bền vững, tăng giá trị và thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Hồng Lĩnh

Các tin khác

  • Tân Trụ: Phấn đấu “về đích” huyện nông thôn mới nâng cao (29/09/2024)
  • Đức Hòa: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh (29/09/2024)
  • Long An: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (27/09/2024)
  • Cần Giuộc: Thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo (26/09/2024)
  • Trường Cao đẳng Long An: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh (25/09/2024)
  • Cần Giuộc “về đích sớm” huyện nông thôn mới (23/09/2024)
  • Tân Thạnh: Nỗ lực giảm nghèo bền vững (20/09/2024)
  • Hiệu ứng tích cực từ Cuộc vận động Nhân dân “Góp ý và hiến kế xây dựng thành phố Tân An thân thiện, văn minh, hiện đại” (20/09/2024)
  • Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (20/09/2024)
  • Thành phố Tân An: Hiệu quả từ mô hình “Sinh hoạt chi bộ mẫu”, mô hình “Đảng bộ, chi bộ 5 tốt; đảng viên 5 tốt” (10/09/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối