Thông tin tổng hợp

Long An cần chủ động thích ứng với già hóa dân số

05/12/2021 08:02:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Theo Liên hiệp quốc, nếu một quốc gia có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt tới 10% tổng dân số thì quốc gia đó được coi là bắt đầu bước vào quá trình già hóa; từ 20% đến dưới 30% thì gọi là “dân số già”; từ 30% đến dưới 35% thì gọi là dân số “rất già”; từ 35% trở lên gọi là “siêu già”.

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng cao nhất thế giới. Tỉnh Long An bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2013 và là tỉnh có tốc độ già hóa dân số nhanh trong cả nước. Tổng số dân tỉnh Long An tại thời điểm 01/4/2009 là 1.436.066 người, tại thời điểm 01/4/2019 là 1.688.547 người. Số người cao tuổi (tính từ 60 tuổi trở lên) năm 2009 chiếm 8,8% tổng dân số, năm 2013 chiếm 10,07% tổng dân số, đến năm 2019 chiếm 12,1% tổng dân số. Tính trung bình giai đoạn 2009 - 2019, tổng dân số tăng 1,62%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,93%/năm. Tuổi thọ trung bình gia tăng và duy trì ở mức cao trong khi tổng tỷ suất sinh duy trì ở mức thấp đã làm cho dân số tỉnh Long An ngày càng già đi trong hai thập kỷ qua. Năm 1999 chỉ số già hóa là 33,6%, năm 2009 là 37,7%, năm 2019 là 57,7%, có nghĩa là năm 1999 cứ 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người già từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2019 chỉ 1,7 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người già từ 60 tuổi trở lên.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Long An bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2034 (số người cao tuổi năm 2034 sẽ là 394.555 người, chiếm 20,7% tổng dân số), nghĩa là chỉ 21 năm để chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”. Lúc này, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội nếu không có chính sách phù hợp.

Trước hết, phải khẳng định già hóa dân số là một thành tựu trong việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách y tế. Tuổi thọ trung bình của dân số Long An đã tăng từ 74,8 tuổi năm 2009 (nam 72,4 tuổi, nữ 77,4 tuổi) lên tới 75,8 tuổi (nam 73,4 tuổi, nữ 78,3 tuổi) năm 2019 và dự báo đến năm 2034 là 75,3 tuổi đối với nam, 80 tuổi đối với nữ. Tại thời điểm 01/4/2019, trên địa bàn tỉnh có trên 60 ngàn người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 6,5% lực lượng lao động, 30% tổng số người cao tuổi) đang tham gia thị trường lao động. Khi người cao tuổi sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, điều đó sẽ mở ra các khả năng biến tuổi thọ thành tài sản cho xã hội. Già hóa dân số cũng tạo ra cơ hội phát triển các ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những sản phẩm phục vụ cho người cao tuổi. Nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe của người cao tuổi gia tăng, đời sống kinh tế của người dân có xu hướng được cải thiện nên dịch vụ về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ phát triển. Xu thế này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp, chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng. Nhiều loại hàng hóa thực phẩm, dược phẩm, thời trang, … phục vụ nhóm khách hàng này cũng sẽ có cơ hội phát triển hơn trước.

Cùng với đó, già hóa dân số làm gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, nhất là về y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi nhìn chung còn thấp, phần lớn người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính, đa số chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, khiến việc chữa trị rất khó khăn, với chi phí y tế lớn. Người cao tuổi không có tích lũy vật chất, rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế - xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dự báo “Xu hướng già hóa dân số nhanh” là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết; trong thời gian tới cần “chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số”. Già hóa dân số ở Việt Nam nói chung và Long An nói riêng diễn ra với tốc độ nhanh, đòi hỏi các giải pháp kịp thời, toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội có “dân số già” trong tương lai./.

                                                                                          

Đình Huy

Các tin khác

  • Chính phủ: Quy định về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (30/06/2023)
  • Phát triển xã hội số tại tỉnh Long An (05/04/2023)
  • Bến Lức tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa huyện (25/03/2023)
  • Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (02/03/2023)
  • Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn tỉnh Long An (02/03/2023)
  • Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh (28/02/2023)
  • Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An (27/02/2023)
  • Tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Long An (27/02/2023)
  • “Xây dựng xã hội học tập” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An (26/02/2023)
  • Long An: Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp năm 2023 khoảng trên 45.000 vị trí việc làm (26/02/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối