BIÊN GIỚI - BIỂN, ĐẢO

Về Trà Vinh thăm biển Ba Động

02/11/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp đến thăm Biển Ba Động – một danh thắng và là khu du lịch nổi tiếng thuộc xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), cách trung tâm thành phố Trà Vinh 50 km về hướng đông nam và cách thị xã Duyên Hải 10 km về hướng đông. Khu du lịch có vị trí nằm giữa hai cửa biển Cung Hầu (sông Tiền), Định An (sông Hậu), nhìn chính diện ra Biển Đông.

Khu du lịch Biển Ba Động

Theo những người dân sống lâu năm ở vùng đất này cho biết, sở dĩ có tên gọi bãi biển Ba Động là bởi mỗi khi thủy triều xuống, bờ biển nơi đây lại nổi lên ba động cát, gồm hai động nhỏ và một động lớn có dáng vẻ độc đáo, thu hút sự hiếu kỳ của người dân bản địa.

Vùng biển Đông ven bờ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng biển phù sa do nhiều cửa sông lớn nhỏ đổ ra nên phần lớn là bãi bùn, nước không trong. Trong đó, biển Ba Động là khu vực hiếm hoi ở miền Tây Nam bộ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một bãi cát dài hơn 10 km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng. Do độ dốc thoai thoải, khi nước thủy triều xuống, bãi cát phơi ra hàng trăm mét, từ bờ xuống tới mép nước.

Cũng do nằm trong khu vực biển phù sa nên bãi cát Ba Động không trắng muốt hay vàng óng ả, nước biển Ba Động cũng không thể trong xanh như với các bãi biển Nha Trang hay Vũng Tàu. Tuy nhiên, dọc bờ biển Đông, từ Gò Công tới Cà Mau, Ba Động có bãi cát đẹp, nước biển khá trong, nhất là vào những tháng sau Tết Nguyên đán, sóng yên biển lặng, hình thành khu du lịch biển được nhiều người ưa chuộng.

Sớm nhận ra giá trị của bãi biển Ba Động, từ đầu thế kỷ XX, nhà cầm quyền thực dân Pháp đã xây dựng ở đây khu nghỉ mát và gần đó là một sân golf mini (lúc đó sân golf gọi là sân cù, đánh golf gọi là đánh cù) dành cho các quan chức, giới thượng lưu trong tỉnh và các tỉnh lận cận về nghỉ dưỡng dịp cuối tuần. Qua giai đoạn chiến tranh ác liệt, khu nghỉ mát và sân golf ấy không còn nhưng đã để lại địa danh ấp Nhà Mát (thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) và ấp Cồn Cù (thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải). Sau khi tỉnh Trà Vinh được tái lập (1992), Nhà nước tập trung nguồn kinh phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, điện lưới quốc gia, viễn thông, rừng phòng hộ phi lao, bờ kè chống sạt lở… tạo điều kiện đánh thức tiềm năng du lịch biển Ba Động.

Đến khu du lịch Biển Ba Động, chúng tôi có dịp tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh. Gần 3 thế kỷ trước, những ngư dân vùng Bình Thuận vào định cư tại đây đã mở ra nghề đi biển tạo cơm ăn áo mặc và cũng chính họ đã mang theo địa danh Ba Động, tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ cho vùng đất mới. Những năm tháng quân tướng chúa Nguyễn Ánh trốn chạy sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII đã để lại các tên làng có từ tố “Long” như Trường Long Hòa, Long Vĩnh, Long Hữu, Long Toàn… và để lại luôn ngôi mộ Quận chúa như một bí ẩn lịch sử mấy trăm năm. Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm Nam bộ, tuyến rừng ven biển Duyên Hải là căn cứ của nghĩa binh Đề Triệu, Phan Tôn – Phan Liêm, Lê Tấn Kế – Trần Bình…

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ của dân tộc, Trường Long Hòa nói riêng, Duyên Hải nói chung là căn cứ vững chắc của các cơ quan lãnh đạo, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh, Khu Tây Nam bộ và cả Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Chính địa bàn này là một trong những mắc xích quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại vận chuyển vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ, với những kình ngư lẫy lừng tên tuổi là những người con ưu tú của vùng đất này như Lê Thanh Lòng, Hồ Đức Thắng… Truyền thống vẻ vang đó đã tạo nên một “Trường Long Hòa sắt thép”, một “Duyên Hải anh hùng” mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cư dân địa phương.

Bình minh ở bãi biển Ba Động ngắm nhìn cầu dẫn dài hơn 4 cây số dẫn ra nơi lắp đặt các trụ tua-bin gió

Ngày nay, với những tiềm năng và thế mạnh đặc thù, vùng ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Trà Vinh, với nhiều công trình trọng điểm quốc gia ra đời, đi vào hoạt động như Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Luồng tàu biển trọng tải lớn ra vào sông Hậu. Đặc biệt, nằm cách biển Ba Động 1km hướng về xã Dân Thành, có Công trình điện gió Hàn Quốc, với cây cầu màu vàng nổi bật và 12 tua-bin gió góp thêm cảnh quan đẹp cho biển Ba Động, nhất là vào buổi bình minh hay hoàng hôn, đứng ở bãi biển Ba Động bạn sẽ nhìn thấy vẻ đẹp của cầu dẫn dài hơn 4 cây số dẫn ra nơi lắp đặt các trụ tua-bin gió nối liền nhau. Ánh sáng mặt trời chiếu lung linh tạo nên khung cảnh vô cùng lãng mạn của những cánh quạt khổng lồ giữa biển bao la.

Tuy không nổi tiếng như những bãi biển khác của Việt Nam, nhưng biển Ba Động vẫn mang sức hút đặc biệt cho những ai yêu thích sự hoang sơ. Hãy một lần về với Trà Vinh để được thưởng lãm vẻ đẹp của biển Ba Động bạn nhé ! 

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Thổ Châu - hòn đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc (22/06/2024)
  • Nam Du – Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc (22/06/2024)
  • Hòn Đốc hoang sơ giữa biển trời Tây Nam (21/06/2024)
  • Phú Quốc “đảo ngọc” giữa vùng biển Tây Nam (21/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An kết thúc tốt đẹp chuyến thăm quân, dân các đảo phía Tây Nam (20/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Thổ Châu, Thành phú Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (20/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang (19/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Hòn Đốc, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (18/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm và tặng quà Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân (18/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An dâng hương tại Tượng đài Nắm Đấm, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (17/06/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối