Đất và người Long An

Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An

22/11/2023 04:25:34PM
Màu chữ Cỡ chữ

Việc xóa sổ một trung tâm huấn luyện, một căn cứ quân sự vào loại lớn nhất miền Nam năm 1963, chiến thắng Hiệp Hòa đã mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An, đánh tan ý đồ bình định nhanh chóng của địch, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ Ngụy.

Từ sau phong trào Đồng Khởi (1959 - 1960), nhận thức cục diện chiến trường đang lâm vào thế bất lợi, Mỹ đã đề ra chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Để thực thi chiến lược Mỹ triển khai kế hoạch Xtaley-Taylor với 3 biện pháp chủ yếu, mà trọng tâm là lập “Ấp chiến lược”. Với kế hoạch này, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tham vọng giành lại thế chủ động, tiến tới bình định toàn miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng.

Là cửa ngõ dẫn vào Sài Gòn từ hướng miền Tây Nam Bộ, Long An có vị trí then chốt mang tính chiến lược. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xếp Long An vào vùng trọng điểm trong kế hoạch dồn dân lập ấp. Trước tình thế trên, tháng 9/1963, Tỉnh ủy Long An đã triệu tập Hội nghị cán bộ để nhận định, đánh giá tình hình, đề ra phương hướng nhiệm vụ mới. Hội nghị đã hạ quyết tâm kiên quyết phá rã toàn bộ “Ấp chiến lược” của địch, mở rộng vùng căn cứ, khôi phục lại vùng giải phóng trước đây, tạo thế và lực phát triển chiến tranh nhân dân sang giai đoạn mới.

Quán triệt tinh thần lãnh đạo của Tỉnh ủy, tháng 11/1963, lợi dụng tình hình khủng hoảng, mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn, Tỉnh ủy Long An chủ trương đẩy mạnh phá “Ấp chiến lược” với qui mô rộng lớn hơn. Nhưng để thực hiện chủ trương đó, trước hết phải làm rung chuyển, tê liệt hệ thống đồn bốt của địch, nên Hiệp Hòa - một căn cứ vào loại lớn nhất ở Nam Bộ lúc bấy giờ đã được chọn làm mục tiêu tiến công.

Nằm án ngữ ở ngã ba của trục giao lưu giữa ba miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Campuchia, Hiệp Hòa có vị trí rất quan trọng về mặt quân sự. Vì vậy, sau Đồng Khởi, Hiệp Hòa được Mỹ - Diệm chú trọng xây dựng thành một trung tâm huấn luyện - căn cứ quân sự qui mô lớn với nhiều trang thiết bị, khí tài quân sự hiện đại, lực lượng tại đây khá hùng hậu và chuyên nghiệp.

Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa có cấu trúc hình chữ nhật, dài 150m, rộng 100m, có bờ tường cao bao quanh. Dọc theo khu vực bờ tường là hệ thống giao thông hào nối liền các lô cốt và ụ chiến đấu. Ngoài ra, bao bọc xung quanh toàn căn cứ còn có nhiều lớp kẽm gai, kênh mương kết hợp cùng hệ thống mìn dày đặc. Căn cứ có 500 lính biệt kích được tổ chức thành 5 đại đội mẫu và 2 đại đội học viên do 21 sĩ quan người Việt và 14 sĩ quan Mỹ trực tiếp chỉ huy và huấn luyện.

60 năm trôi qua, hào khí của chiến thắng năm xưa vẫn luôn rực lửa trên từng tất đất của quê hương Đức Hòa, hun đúc tinh thần, khí phách và khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay

Để chuẩn bị cho trận đánh, ta huy động các đơn vị bộ đội tỉnh, đặc công, nội tuyến, lực lượng vũ trang Đức Hòa, Đức Huệ, hỏa lực chi viện của Khu 8, cùng hàng ngàn dân công Đức Hòa cùng tham gia; đồng thời, Tỉnh đội Long An tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ mục tiêu và đề ra kế hoạch tác chiến cụ thể. Theo đó, với sự hỗ trợ của bộ phận nội tuyến, bộ phận đặc công và trinh sát sẽ bí mật tiếp cận tấn công vào khu trung tâm. Đại đội 1 có nhiệm vụ đánh chiếm toàn bộ căn cứ, cánh quân thứ 2 đảm trách đánh chặn viện binh của địch từ bên ngoài vào. Ở vòng ngoài, ta bố trí bộ phận pháo ĐKZ nhằm yểm trợ tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh của ta tiến vào. Đồng thời, để tạo thêm hậu thuẫn cho trận đánh, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức thêm những trận đánh kết hợp với phong trào đấu tranh của quần chúng ở các xã, huyện, nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng không thể ứng cứu cho nhau.

Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1963, theo kế hoạch, các mũi tiến quân của ta đồng loạt xuất kích. Tuy nhiên, bộ phận đánh vào trung tâm do lực lượng đặc công đảm nhiệm đã gặp phải tình huống bất ngờ khi có một trung đội của địch đang đi tuần về, trước tình hình đó, lực lượng đặc công của ta buộc phải nổ súng. Ngay lúc đó, các bộ phận còn lại của ta đồng loạt tiến công chớp nhoáng, kết quả ta tiêu diệt khoảng 500 tên địch, bắt sống hàng trăm tù binh, trong đó có 4 cố vấn Mỹ, thu hơn 500 súng các loại cùng hàng tấn đạn dược; bên ta chỉ thiệt hại không đáng kể. Căn cứ Hiệp Hoà đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sáng ngày 23/11/1963, địch cho hai tiểu đoàn quân chủ lực có xe bọc thép hộ tống tiến về ứng cứu cho Hiệp Hòa. Tuy nhiên, ta có phương án đánh chặn nên đã triển khai lực lượng tiêu diệt địch; đồng thời, các tàu chiến của địch từ khu vực sông Vàm Cỏ Đông tiến lên giải tỏa cho Hiệp Hòa cũng bị công binh nước của ta chặn đánh, gây thiệt hại nặng. Cùng thời gian đó, ở Hiệp Hòa, bằng phương pháp đấu tranh chính trị,  binh vận ta đã tác động làm 2 trung đội của địch từ Hòa Khánh và Đức Huệ kéo về phải hoang mang, rã ngũ.

Đúng như nhận định ban đầu của ta, chiến thắng Hiệp Hòa đã làm rung chuyển hệ thống đồn bốt trên toàn tỉnh Long An. Chỉ tính riêng Đức Hòa sau một tuần diễn ra trận đánh, hầu như toàn bộ đồn bốt và ấp chiến lược của địch ở 8 xã đều bị phá rã.

Tiếp tục phát huy thắng lợi Hiệp Hòa, Tỉnh ủy Long An quyết định mở ngay đợt cao điểm tiến công đồn bốt địch và phá rã ấp chiến lược. Sau gần một tháng, trên toàn tỉnh Long An ta đã tiêu diệt 20 đồn bốt, đồng thời hỗ trợ nhân dân phá tan nhiều ấp chiến lược. Đến tháng 12/1963, vùng giải phóng được mở rộng từ Đức Hòa sang Đức Huệ rồi lan xuống Bến Lức, Thủ Thừa; ở nam lộ số 4, ta giải phóng được 23 xã. Phong trào cách mạng trong tỉnh ngày càng phát triển sôi nổi và rộng khắp.

Chiến thắng trận Hiệp Hòa năm 1963 là một chiến thắng vẻ vang, là mốc son trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và quân dân Long An, đánh dấu một bước trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh nhà, tạo thế và lực mới trên chiến trường địa phương. Chiến thắng này đã mở nút khai thông và mở rộng hành lang chiến lược nối liền giữa miền Tây và Đông Nam Bộ, tạo điều kiện thuận lợi liên kết giữa các vùng với nhau trong công cuộc kháng chiến. Đồng thời, đây còn là chứng minh cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ Long An; là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân và ba mũi giáp công. Chiến thắng này không chỉ làm nức lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Long An, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam vững bước tiến lên để giành thắng lợi hoàn toàn.

An Bang

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • 62 năm nhìn lại chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam – nỗi đau còn mãi (15/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối