NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Cần Giuộc: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa thế mạnh rau màu và nuôi tôm

07/06/2023 07:46:43AM
Màu chữ Cỡ chữ

Với sự tập trung, quyết liệt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo sức bậc làm thay đổi toàn diện bức tranh nông nghiệp của huyện Cần Giuộc theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Là một huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh, nhưng Cần Giuộc xác định nông nhiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, sản xuất rau màu và nuôi tôm nước lợ là tiềm năng thế mạnh của huyện ngày càng chuyển mạnh theo hướng hiện đại hóa, thương mại hóa, phát triển theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học - công nghệ. Diện tích rau màu gieo trồng luân phiên trên địa bàn huyệt đạt từ 1.400 - 1.700 hecta tập trung tại các xã vùng thượng của huyện. Trong đó, có đến trên 1.200 hecta rau màu ứng dụng công nghệ cao như: trồng trong nhà màng, nhà lưới; áp dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm; sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học. Qua đó, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 14/138 hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp chứng nhận VietGAP và một đơn vị được cấp chứng nhận sản xuất rau hữu cơ; có 6 chuỗi/6 chuỗi an toàn thực phẩm.

Cần Giuộc phát triển nhiều mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

Đặc biệt, bên cạnh các loại rau truyền thống (rau ăn lá, rau gia vị,..), gần đây trên địa bàn huyện phát triển mạnh các mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn. Điển hình như công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Long An với 7 nhà màng sản xuất. Mỗi nhà màng rộng 1.000 m² trồng khoảng 3.000 gốc dưa lưới. Dưa được trồng trong túi giá thể và được tưới nước, phân tự động, sau 75-90 ngày trồng, mỗi nhà màng sẽ cho thu hoạch từ 3-3,5 tấn dưa sạch và tất cả đều được các nhà phân phối thu mua với giá cao. Chị Tất Ngọc Phương, đại diện công ty chia sẻ: “Tuy trồng dưa lưới trong nhà màng chi phí đầu tư lớn, 1000m² nhà màng đầu tư khoảng 400 triệu nhưng hiệu quả mang lại rất lớn: mình chủ động được sản xuất, không lo sợ ảnh hưởng thời tiết, giảm dịch bệnh đáng kể và hạn chế tối đa công lao động. Do dưa lưới trồng theo hướng sạch nên đầu ra rất ổn định. Sắp tới đơn vị của chúng tôi dự định sẽ mở rộng thêm 3-4 nhà màng nữa”.

Trồng rau thủy canh trong nhà màng giúp chủ động mùa vụ, giảm thiểu dịch hại, tiết kiệm công lao động

Bên cạnh đó, huyện Cần Giuộc cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với Trường Đại học Cần Thơ tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trên cây rau “Lọc thuần giống cây cải xanh, cải ngọt và hoàn thiện quy trình canh tác các giống rau chủ lực trên địa bàn huyện Cần Giuộc”. Sắp tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện xây dựng nhãn hiệu tập thể Cây rau Cần Giuộc. Kết quả các nghiên cứu này sẽ tác động lớn, tích cực đến nâng cao giá trị thương phẩm cho cây rau của huyện, góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác của huyện phát triển, mang tầm vóc mới.

Toàn huyện Cần Giuộc có gần 270 hecta hoa, rau màu áp dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm

Nếu như rau màu là lợi thế vượt trội của vùng thượng Cần Giuộc, thì nuôi tôm nước lợ là thế mạnh của vùng hạ. Đặc biệt, nông dân đã thay đổi tập quán, tư duy nuôi tôm truyền thống sang ứng dụng các giải pháp tiến bộ như: áp dụng nhà ương, ao ương, nuôi nhiều giai đoạn; sử dụng oxy đáy, si-phông đáy, máy cho ăn tự động, máy biến tần; tăng cường sử dụng vi sinh; nuôi theo công nghệ biofloc, giúp giảm rõ rệt rủi ro dịch bệnh, tôm đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây. Hiện, toàn huyện có trên 470 hecta ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, người nuôi tôm lâu năm ở xã Phuớc Vĩnh Tây cho biết: “Trong nuôi tôm, người dân sợ nhất là dịch bệnh. Với cách nuôi tôm truyền thống, trang thiết bị hỗ trợ không có, ao lắng cũng không có,…nên tôm rất dễ nhiễm bệnh, khó nuôi đạt kích thước lớn. Khi ứng dụng các giải pháp khoa học mới, những rủi ro trên được hạn chế, tôm vừa đạt năng suất, chất lượng vừa giảm được chi phí đầu vào nên tăng lợi nhuận cho nông dân.”

Nuôi tôm công nghệ cao giúp giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề then chốt trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, huyện Cần Giuộc đặt mục tiêu đến năm 2025 có 1.300 hecta rau màu, 600 hecta tôm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng, phát triển các hợp tác xã điểm điển hình về ứng dụng công nghệ cao; phát triển sản phẩm OCOP; xúc tiến tiêu thụ nông sản; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...Qua đó, giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nam Kang

Các tin khác

  • Long An: Chú trọng xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (25/06/2024)
  • Lan tỏa giá trị tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (04/06/2024)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 15 năm triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Long An (10/01/2024)
  • Long An: Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 23% so với đầu năm 2023 (22/12/2023)
  • Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội qua 9 năm đạt gần 6.000 tỷ đồng (19/12/2023)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) (15/12/2023)
  • Tỉnh ủy đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (06/12/2023)
  • Sản xuất nông nghiệp năm 2023 tăng trưởng 4,12% (05/12/2023)
  • “Quỹ vì người nghèo” vận động gần 45 tỷ đồng trong năm 2023 (05/12/2023)
  • Cán bộ, công chức dôi dư được bố trí, sắp xếp đúng quy định (30/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối