NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Nhiều kết quả nổi bật sau 15 năm triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Long An

10/01/2024 07:29:28AM
Màu chữ Cỡ chữ

Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, nhất là từ khi triển khai thực hiện Kết luận 30-KL/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị. Qua 15 năm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Long An đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Trung ương và công văn yêu cầu tiếp nhận sách của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 481-CV/TU, ngày 8/9/2011 về việc chỉ đạo tiếp nhận, quản lý, sử dụng sách ở xã, phường, thị trấn. Trong mỗi đợt tiếp nhận sách, Ban Thường vụ tiếp tục có các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan quan tâm chỉ đạo việc tiếp nhận và kiểm tra việc quản lý, khai thác, sử dụng sách; đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, đảm bảo công tác tiếp nhận, quản lý và khai thác sách hiệu quả và đảm bảo đúng quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các ngành liên quan đã có các văn bản chỉ đạo việc tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng sách ở các địa phương, đơn vị trực thuộc như: quy chế bảo quản, sử dụng sách; phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, quản lý; đồng thời quan tâm xây dựng, tu bổ nhà văn hoá, thư viện, tủ sách xã, phường, thị trấn, thư viện, phòng đọc ở các trung tâm chính trị cấp huyện làm nơi lưu giữ, bảo quản sách và phục vụ nhu cầu đọc, mượn sách của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đ/c Hoàng Đình Cán, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Tổng kết 15 năm Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn tại điểm cầu tỉnh Long An

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án, các huyện, thị, thành ủy đã chỉ đạo đảng ủy xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, tổ chức  lồng ghép các cuộc kiểm tra, khảo sát, báo cáo kết quả về việc tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng các ấn phẩm của Đề án, đồng thời đề xuất, kiến nghị về những tồn tại, vướng mắc và nhu cầu thực tiễn của địa phương, cơ sở lên cấp ủy cấp trên. Nhằm kịp thời đánh giá rút kinh nghiệm, Tỉnh ủy đã tổ chức sơ kết vào năm 2012, 2013 và tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện đề án vào năm 2017. Năm 2020, Tỉnh ủy có báo cáo đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn theo Kết luận số 30- KL/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 145.207 đầu sách, 1.556 CD Rom, 5.229 CD Audio từ Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Các đầu sách được trang bị từ Đề án đã bám sát yêu cầu cơ sở, phong phú, đa dạng về nội dung như: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thế chính trị-xã hội ở cơ sở, trang bị kiến thức về văn hóa-xã hội, về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; một số ấn phẩm hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ ở cơ sở xã, phường, thị trấn, hỏi đáp pháp luật, kiến thức về biển, đảo, sức khỏe, ẩm thực, đặc biệt là các tài liệu hỏi đáp, tài liệu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, kỹ năng sống, tài liệu hỏi - đáp các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng và những điểm mới trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng,...).

Từ năm 2018 đến nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được trang bị các đầu sách chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: (1) Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; (2) Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những tấm gương người tốt, việc tốt; (3) Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; trang bị kiến thức, giáo dục truyền thống lịch sử, kỹ năng sống dành cho thanh thiếu niên; (4) Phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống; (5) Chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển; (6) Môi trường và biến đổi khí hậu; (7) Hướng dẫn xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị; xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục, y tế ở cơ sở.

Nội dung các đầu sách đảm bảo tính chính xác, khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp, phổ biến kiến thức và kỹ năng thực hành, phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở xã, phường, thị trấn; sách dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng.

Đây là những tài liệu bổ ích, cần thiết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở; các ấn phẩm có sự đầu tư cả về nội dung và hình thức. Nhiều tài liệu được biên soạn dưới dạng hỏi, đáp, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu nên đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham khảo, nghiên cứu nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên đang học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ tại các trung tâm bôi dưỡng chính trị và nhu cầu nâng cao kiến thức cá nhân... Các ấn phẩm đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các kiến thức, tài liệu hướng dẫn cho cơ sở, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kịp thời hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc thường gặp trong giải quyết những vấn đề ở cơ sở, từng bước hình thành và nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư ở cơ sở.

Việc phát hành và phân phối sách trực tiếp đến địa chỉ tiếp nhận, giúp các đảng ủy xã, phường, thị trấn tiếp nhận sách một cách thuận lợi. Việc quản lý và sử dụng sách được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương. Sau khi tiếp nhận sách của Đề án, các xã, phường, thị trấn phân bổ, lưu giữ ở các Nhà văn hóa cộng đồng, điểm Bưu điện văn hóa xã và quản lý dựa trên quy chế tiếp nhận, quản lý, khai thác sách. Các đơn vị đã phân công cán bộ để quản lý và phục vụ bạn đọc, mở sổ để theo dõi việc mượn sách.

Về đối tượng quản lý sách: Cán bộ lưu trữ cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quản lý sách trang bị cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đối với cấp huyện phân công 01 cán bộ Tuyên giáo phụ trách công tác quản lý sách cấp cho Thường trực cấp ủy, Ban Tuyên giáo cấp huyện; tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện sách được giao cho đồng chí phụ trách giáo vụ quản lý, phục vụ nhu cầu đọc và mượn sách của học viên tại trung tâm; ở hệ thống thư viện sách được đưa vào danh mục quản lý và phục vụ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân; ở cấp xã phân công cán bộ Tuyên giáo (đối với xã, phường, thị trấn loại 1), cán bộ Văn phòng - Tuyên giáo hoặc cán bộ Tư pháp (đối với xã loại 2, 3). Hầu hết các xã, phường, thị trấn bố trí sách gắn với tủ sách pháp luật đặt tại phòng tiếp dân của xã, hoặc tùy theo điều kiện cụ thể, bố trí đặt tủ sách tại Văn phòng Đảng ủy, Ủy ban nhân dân; đối với những nơi, bưu điện văn hóa hóa xã còn hoạt động thì giao 01 bộ sách cho đơn vị này quản lý để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã.

Đối với sách được trang bị ở các thư viện và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được in thành danh mục để người đọc tiện cho việc tra cứu, có sổ theo dõi việc mượn, trả theo quy định . Nhiều đơn vị triển khai thực hiện khá tốt như: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Thạnh, Đức Hòa, Châu Thành, Thị xã Kiến Tường, Bến Lức.

Các ấn phẩm thường xuyên được tìm đọc là những đầu sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gương người tốt việc tốt, gương người nghèo vươn lên học tập, làm kinh tế ổn định cuộc sống và những đầu sách liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... Ngoài ra cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp xã thường xuyên tìm đọc một số đầu sách liên quan đến công tác quản lý, lãnh đạo, các chủ trương lớn của Đảng, các quy định thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước, những gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ để tìm hiểu, bổ sung những kỹ năng tác nghiệp cần thiết trong quá trình xử lý công việc hàng ngày của cán bộ cấp xã...

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức quản lý, khai thác sử dụng sách của đề án như: Mô hình “Điểm sáng pháp luật” (Cần Đước); quán Cà phê Sách (Cần Giuộc, Đức Huệ); hội thi viết cảm nhận về quyển sách trang bị cho xã, thị trấn mà bạn tâm đắc (Bến Lức), Trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng tổ chức luân chuyển sách đến các nhà văn hóa ấp để thuận tiện cho bạn đọc (Bến Lức), Hội thi trưng bày sách (Đức Huệ)...

Công tác thông tin, tuyên truyền về triển khai, thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sau mỗi đợt tiếp nhận sách, Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo chung trong toàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện đến các địa phương. Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền cho cán bộ đảng viên và nhân dân thông qua các hội nghị trực tiếp, họp cơ quan, sinh hoạt ngày pháp luật, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt khu dân cư, sinh hoạt chi tổ, hội…; thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, qua đội ngũ cán bộ văn hóa, thông tin, cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở và tuyên truyền trên các trang, nhóm zalo, facebook và các nền tảng mạng xã hội khác…

Ngoài ra, Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy còn phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc (ngày 21/4) hàng năm như: triển lãm về sách, hội thi thuyết trình về sách, viết cảm nhận về sách… Qua đó khuyến khích người đọc tiếp cận sách được trang bị cho xã, phường, thị trấn.

Sách được phân phối và phát hành trực tiếp từ Trung ương đến cơ sở giúp các xã, phường, thị trấn dễ dàng trong việc tiếp nhận sách từ Đề án. Ở mỗi đợt phát hành sách, Ban Tuyên giáo Trung ương đều có văn bản đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo việc tiếp nhận, khai thác và sử dụng sách trên địa bàn; trong đó cung cấp rõ số lượng đầu sách, loại sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh ủy, thành ủy trong việc chỉ đạo tiếp nhận, cũng như kiểm tra công tác quản lý, khai thác và sử dụng sách được trang bị từ Đề án.

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân có thêm thông tin chính thống, khách quan, khoa học về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân ở các xã, phường, thị trấn. Thông qua đó nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, ứng dụng vào trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn, vận dụng vào trong thực tiễn quản lý, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên và trong lao động sản xuất của nhân dân.

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn có ý nghĩa trong việc bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở; giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận, tìm hiểu và vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, áp dụng các thành tựu khoa học-kỹ thuật vào sản xuất...Trong điều kiện nguồn kinh phí của cấp cơ sở dành cho việc mua sách, báo, tài liệu phục vụ nhu cầu tham khảo, khai thác thông tin còn nhiều khó khăn và hạn chế, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, việc triển khai đề án sách giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, đáp ứng nhu cầu tự học, nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, hình thành văn hóa đọc ở cơ sở.                                                                                       

                                                                                                                                                      Nguyễn Hoài Thân

                                                                                                                                         Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An

Các tin khác

  • Long An: Chú trọng xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (25/06/2024)
  • Lan tỏa giá trị tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (04/06/2024)
  • Long An: Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 23% so với đầu năm 2023 (22/12/2023)
  • Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội qua 9 năm đạt gần 6.000 tỷ đồng (19/12/2023)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) (15/12/2023)
  • Tỉnh ủy đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (06/12/2023)
  • Sản xuất nông nghiệp năm 2023 tăng trưởng 4,12% (05/12/2023)
  • “Quỹ vì người nghèo” vận động gần 45 tỷ đồng trong năm 2023 (05/12/2023)
  • Cán bộ, công chức dôi dư được bố trí, sắp xếp đúng quy định (30/11/2023)
  • Bố trí cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn nhiều khó khăn (30/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối