NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Châu Thành đột phá trong tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn

15/10/2024 03:31:43PM
Màu chữ Cỡ chữ

Trong những năm qua, huyện Châu Thành đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Đặc biệt, dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất và chuỗi liên kết hiệu quả, từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã trên địa bàn.

Điểm nhấn nổi bật trong tổ chức sản xuất của huyện Châu Thành là phát triển kinh tế tập thể. Huyện đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và các kế hoạch phát triển kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh. Qua đó, kinh tế tập thể của huyện có những bước tiến rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Toàn huyện hiện có 19 hợp tác xã, trong đó 17 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản và 2 hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Các hợp tác xã này đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết sản xuất, chế biến, và tiêu thụ nông sản, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Các hợp tác xã nông nghiệp tại huyện Châu Thành đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất bền vững. Điển hình, hợp tác xã Thanh Phú Long hợp tác với tập đoàn Quế Lâm để sản xuất và tiêu thụ thanh long theo tiêu chuẩn hữu cơ, hợp tác xã Long Hội liên kết với Công ty rau quả Cần Thơ để sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap. Các hợp tác xã đã tập trung khai thác các dòng sản phẩm chủ lực của địa phương, hoàn thiện quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng đầu ra và xây dựng nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện đã triển khai chính sách khuyến khích theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, toàn huyện có 21 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long với tổng diện tích gần 315 ha. Các chuỗi liên kết này đảm bảo hợp đồng ổn định từ 1-3 chu kỳ sản xuất, giúp người dân an tâm sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn GAP, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, từ đó gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng và tính minh bạch của sản phẩm nông nghiệp, huyện Châu Thành đã tập trung phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các cây trồng chủ lực. Hiện tại, 1.016 ha thanh long đã được chứng nhận VietGAP, 323 ha được chứng nhận GlobalGAP và 13 mã số vùng trồng đã được cấp cho các xã trong huyện. Trên địa bàn huyện còn có 104 cơ sở thu mua thanh long đã được cấp mã số kho, đảm bảo truy xuất thông tin từ sản xuất đến lưu trữ và thương mại.

Huyện Châu Thành đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, hướng đến sản xuất hàng hóa lớn

Ngoài ra, thực hiện theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến nông, huyện Châu Thành đã thành lập 12 Tổ khuyến nông cộng đồng tại 12 xã với 110 thành viên, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hoặc Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Tổ trưởng. Các Tổ khuyến nông cộng đồng này thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo chuyên đề để nâng cao trình độ cho nông dân. Kết quả, đã tổ chức 215 lớp tập huấn với sự tham gia của 7.740 lượt người về công nghệ cao, kỹ thuật chăn nuôi và thủy sản. Riêng mô hình chăn nuôi, huyện đã tổ chức 90 lớp với 2.880 nông dân tham dự, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học. Trong lĩnh vực thủy  sản, đã tổ chức 39 lớp tập huấn tại các xã Thanh Phú Long, Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông, thu hút 1.638 người tham dự. Ngoài ra, 10 hội thảo chuyên đề về nuôi tôm công nghệ cao cũng đã được tổ chức, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhờ những nỗ lực trong tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, huyện Châu Thành đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được triển khai rộng rãi, hệ thống truy xuất nguồn gốc được phát triển, và tổ khuyến nông cộng đồng phát huy vai trò cầu nối. Những chính sách này không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần nâng cao thu nhập của người dân, với thu nhập bình quân đầu người tại 12 xã đạt 71,58 triệu đồng vào năm 2023. Có thể thấy, huyện Châu Thành đang tiếp tục nỗ lực xây dựng và phát triển nền kinh tế nông thôn bền vững, tạo điều kiện tốt nhất để người dân nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Anh Thư

Các tin khác

  • Phát huy sức mạnh Nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh (10/10/2024)
  • Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh (10/10/2024)
  • Thủ Thừa nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng (10/10/2024)
  • Long An tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục (08/10/2024)
  • Thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (08/10/2024)
  • Thạnh Hóa: Nông nghiệp đổi mới và phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao (07/10/2024)
  • Thu ngân sách hơn 19.000 tỷ đồng, Long An sắp đạt dự toán năm 2024 nhưng vẫn còn nhiều thách thức (04/10/2024)
  • Châu Thành: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh (04/10/2024)
  • Sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao: Bước chuyển mình quan trọng cho nông nghiệp Cần Giuộc (04/10/2024)
  • Với hơn 3,1 triệu tấn, Long An vượt chỉ tiêu Nghị quyết về sản lượng lúa (03/10/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối