NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Nghề nuôi cá lồng bè trên sông Vàm cỏ Đông

22/08/2023 08:38:54PM
Màu chữ Cỡ chữ

Nếu như người dân Đồng Tháp Mười phát triển mạnh nghề nuôi cá thời vụ trong vèo vào mùa lũ thì tại xã vùng cao Lộc Giang, huyện Đức Hòa, người dân phát huy lợi thế sông Vàm Cỏ Đông để thả nuôi cá trong lồng bè quanh năm.

Vừa xuất bán một bè cá lóc, ông Nguyễn Văn Lá phấn khởi chia sẻ: “Cá lóc đang có giá rất cao, 58 ngàn đồng/kg. Tôi thu hoạch một bè cá 5.000 con được 750kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 25 triệu đồng chỉ sau 4 tháng thả nuôi.” Ông Lá là một trong 12 hộ dân ở ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông. 80-90% lượng cá được thả nuôi ở đây là cá lóc, vì giá cả đầu ra ổn định, trung bình dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg; còn lại là cá vồ đém, có giá dao động từ 35-40 ngàn đồng/kg. Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết thêm: “Lúc đầu, học tập kinh nghiệm từ miền Tây, người dân ở đây về đóng lồng bè nuôi cá lóc bông, nhưng loại cá này rất ít ăn thức ăn công nghiệp mà chủ yếu ăn cá tạp, trong khi nguồn cá tạp ở Lộc Giang rất khan hiếm. Thêm vào đó, cá lóc bông phải nuôi gần cả năm mới cho thu hoạch nên người dân chuyển đổi sang nuôi các loại cá lóc và cá vồ đém”.

Nghề nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông đã gắn bó với người dân Lộc Giang gần 20 năm qua

Một lồng bè kiên cố với diện tích 3x4m, sâu 2,5m có chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Tùy theo diện tích lồng bè mà người dân thả nuôi số lượng khác nhau. Trung bình một hộ nuôi ít nhất khoảng 5.000 con, nhiều nhất khoảng 25.000 con. Nuôi cá lóc rất nhanh thu hoạch, chỉ sau 4 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ 300gram/con là có thể xuất bán. Trung bình 1.000 con cá, người dân có lãi 4-5 triệu đồng. Nhờ đó, các hộ dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông có kinh tế ổn định.

Ngoài thức ăn công nghiệp, người dân còn tận dụng nguồn “cá mồi” (cá tạp) từ việc “đóng đáy” để bổ sung thức ăn cho cá. Ông Nguyễn Văn Lộc thông tin: “Bình thường cá mồi ở đây rất hiếm, nhưng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm người dân đóng đáy và đánh bắt cá vào mùa nên nguồn cá mồi rất dồi dào. Cá mồi được xay ra để làm thức ăn cho cá lóc, vừa giúp cá lóc phát triển nhanh vừa tiết kiệm chi phí hơn so với việc nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.”

Sẽ thành lập tổ họp tác để hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi cá bền vững

Nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông có nhiều lợi thế nhưng phụ thuộc lớn vào nguồn nước, một khi nguồn nước thay đổi hoặc ô nhiễm, cá rất dễ chết. Trong khi, người nuôi cá chưa được tập huấn kỹ thuật, chỉ dựa vào kinh nghiệm để xử lý tình huống và dịch bệnh trên cá nên gặp không ít rủi ro. Vì vậy, sắp tới Hội nông dân xã Lộc Giang sẽ vận động các hộ nuôi cá thành lập tổ chăn nuôi theo nghề nghiệp hoặc tổ kinh tế hợp tác để hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật, liên kết bao tiêu đầu vào, đầu ra, nhằm góp phần thúc đẩy nghề nuôi thủy sản trên sông Vàm Cỏ Đông phát triển bền vững, ổn định về cả quy mô và giá trị kinh tế.

Hồng Lĩnh

Các tin khác

  • Long An: Chú trọng xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (25/06/2024)
  • Lan tỏa giá trị tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (04/06/2024)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 15 năm triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Long An (10/01/2024)
  • Long An: Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 23% so với đầu năm 2023 (22/12/2023)
  • Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội qua 9 năm đạt gần 6.000 tỷ đồng (19/12/2023)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) (15/12/2023)
  • Tỉnh ủy đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (06/12/2023)
  • Sản xuất nông nghiệp năm 2023 tăng trưởng 4,12% (05/12/2023)
  • “Quỹ vì người nghèo” vận động gần 45 tỷ đồng trong năm 2023 (05/12/2023)
  • Cán bộ, công chức dôi dư được bố trí, sắp xếp đúng quy định (30/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối