NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Một số vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết,, kết luận khóa XIII của Đảng

28/04/2023 09:56:9AM
Màu chữ Cỡ chữ

Công tác tổ chức, nghiên cứu, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng trên địa bàn tỉnh thời gian qua được các cấp ủy đảng quan tâm, chỉ đạo sâu sát, từ đó đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đòi hỏi các cấp ủy cần phải tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.

Về hình thức học tập trực tiếp và trực tuyến, mức độ phổ quát của tài liệu và sự phù hợp của báo cáo viên Trung ương đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Ngoài hình thức quán triệt cơ bản như tổ chức hội nghị quán triệt tập trung còn sử dụng các hình thức khác như: tổ chức các hội nghị trực tuyến, tuyên truyền, phổ biến thông qua hình thức cổ động trực quan và qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc thi tìm hiểu về nội dung các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, thông qua việc phát tờ phướm, panô, áp phích tuyên truyền trên đường phố và các xe tuyên truyền lưu động của hệ thống văn hóa, thông tin từ tỉnh đến cơ sở....Việc đổi mới phương thức học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tuyến đã tạo cơ hội để cán bộ, đảng viên toàn tỉnh được trực tiếp nghe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước truyền đạt nội dung mà không cần phải thông qua mạng lưới báo cáo viên các cấp như lâu nay. Đây là xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thể hiện quyết tâm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của Đảng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Việc tổ chức quán triệt các nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến cũng đã tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại của cán bộ, đảng viên và báo cáo viên từ Trung ương về tỉnh và từ tỉnh về cơ sở; vừa tạo sự hấp dẫn, từng bước khắc phục được sự khô cứng, chiếu lệ, hình thức, lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đối tượng được nghiên cứu, học tập, quán triệt cũng sâu rộng hơn. Với cách làm này, cùng một lúc có thể phổ biến, giới thiệu nhiều vấn đề, nội dung quan trọng đến nhiều cấp, nhiều đối tượng, tạo điều kiện để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, hình thức hội nghị trực tuyến cũng bộc lộ một số vấn đề cần phải khắc phục, giải quyết trong thời gian tới như:  các hội nghị trực tuyến từ  điểm cầu Trung ương chưa thực sự phát huy hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Do những hạn chế trong trình độ nhận thức và tính chất công việc nên cán bộ đảng viên ở cơ sở cần báo cáo viên am hiểu tình hình thức tế của địa phương để đi sâu, làm rõ, phân tích, dẫn chứng, minh họa cụ thể, từ đó giúp cán bộ, đảng viên cơ sở tiếp thu dễ hơn, vận dụng các chỉ thị, nghị quyết, kết luận sát tình hình cơ sở hơn (điểm này hình thức hội nghị trực tuyến từ Trung ương khó thực hiện được). Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị còn hạn chế, chất lượng đường truyền chưa thật sự đảm bảo cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận theo hình thức trực tuyến.

Tài liệu học tập, quán triệt mang tính phổ quát, truyền tải được những nội dung cơ bản của chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng. Tuy nhiên để giúp cán bộ, đảng viên cơ sở nắm vững, hiểu rõ những nội dung cốt lõi của các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, cần kết hợp và lồng ghép với thực tiễn tình hình địa phương thông qua vai trò của đội ngũ báo cáo viên trong quá trình triển khai, quán triệt.

Thước đo (tiêu chí) đánh giá chất lượng, hiệu quả của người học (đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở). Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả của người học thông qua hình thức viết thu hoạch cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay. Việc viết thu hoạch hiện nay vẫn còn mang nặng tính hình thức, còn tình trạng sao chép lẫn nhau. Chính vì thế, các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu cần có cơ chế quan tâm, kiểm tra việc viết thu hoạch của cán bộ, đảng viên sau hội nghị học tập, quán triệt.

Tinh thần, thái độ, động cơ học tập lý luận chính trị nói chung và học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng nói riêng cũng cần phải được quan tâm chấn chỉnh. Tình trạng cán bộ, đảng viên làm việc riêng, sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội trong quá trình học tập nghị quyết vẫn còn khá phổ biến. Chính từ việc thiếu tương tác giữa báo cáo viên và học viên, quá trình truyền thụ một chiều từ trên xuống dẫn đến việc cán bộ, đảng viên chưa tích cực, chủ động tham gia vào quá trình học tập các chỉ thị, nghị quyết và kết luận của Đảng. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập cần tăng cường quán triệt để cán bộ, đảng viên hiểu được tầm quan trọng của việc học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, từ đó phát huy ý thức tích cực, chủ động và tự giác trong học tập.

Việc phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng cũng cần được quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ. Hiện nay, vẫn còn một số cấp ủy chưa thật sự tích cực, chủ động trong việc đổi mới nội dung và phương thức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng. Vẫn còn tình trạng ỷ lại, trông chờ vào cấp trên. Chưa quan tâm đúng mức đến việc phân công, bố trí báo cáo viên có sở trường, năng lực đảm nhiệm việc triển khai, quán triệt nội dung các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Do đó, cấp ủy các cấp phải xác định rõ, việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của đảng bộ; là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó, vai trò của người đứng đầu cần phải được phát huy.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng được thực hiện khá tốt, không xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đảm bảo kịp thời các nhu cầu về tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động triển khai, quán triệt các nghị quyết của Đảng.  

                                                                                                                                                                               Nguyễn Tấn Hải

                                                                                                                                                                   Phòng TT, TT và LLCT, BTGTU

Các tin khác

  • Tân Trụ: Phấn đấu “về đích” huyện nông thôn mới nâng cao (29/09/2024)
  • Đức Hòa: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh (29/09/2024)
  • Long An: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (27/09/2024)
  • Cần Giuộc: Thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo (26/09/2024)
  • Trường Cao đẳng Long An: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh (25/09/2024)
  • Cần Giuộc “về đích sớm” huyện nông thôn mới (23/09/2024)
  • Tân Thạnh: Nỗ lực giảm nghèo bền vững (20/09/2024)
  • Hiệu ứng tích cực từ Cuộc vận động Nhân dân “Góp ý và hiến kế xây dựng thành phố Tân An thân thiện, văn minh, hiện đại” (20/09/2024)
  • Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (20/09/2024)
  • Thành phố Tân An: Hiệu quả từ mô hình “Sinh hoạt chi bộ mẫu”, mô hình “Đảng bộ, chi bộ 5 tốt; đảng viên 5 tốt” (10/09/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối