NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Thăng trầm cây tràm Đồng Tháp Mười

09/05/2023 10:57:2AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cây tràm từng là cây kinh tế chủ lực của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An, tuy nhiên có những thời điểm giá tràm xuống thấp, bằng với chi phi đầu tư, nên nhiều hộ nông dân phá tràm chuyển sang cây trồng khác. Vì vậy, diện tích tràm liên tục giảm mạnh qua từng năm.

Trong thời kỳ “vàng son”,  diện tích rừng tràm khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên đến cả trăm ngàn hecta, tập trung nhiều tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau,... Trong đó, Long An là tỉnh có diện tích tràm lớn thứ 3 khu vực. Nếu rừng tràm ở các tỉnh khác chủ yếu do Nhà nước quản lý, thì 70% diện tích tràm ở tỉnh Long An thuộc quyền sở hữu của người dân. Vì vậy, diện tích rừng tràm biến đổi mạnh theo thời gian và phụ thuộc rất lớn vào thị trường. Có thời điểm, giá tràm lên đến 130 – 150 triệu đồng/hecta, nhưng có lúc giá tràm xuống thấp hơn cả giá đầu tư khiến người dân thua lỗ. Ông Bùi Văn Đực, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa nhẩm tính: "Trồng tràm phải mất gần 5 năm mới cho thu hoạch. Chi phí đầu tư như công trồng, phân bón,…từ 40 – 45 triệu đồng/hecta. Nhưng đầu năm 2023 này, tôi bán 1 hecta tràm chỉ được 25 triệu đồng, lỗ hơn 15 triệu đồng. Thậm chí một số hộ dân khác có rừng tràm đã đến tuổi thu hoạch nhưng kêu thương lái không buồn ngó ngàng tới".

Giá cây tràm ở Long An giảm mạnh và duy trì ở mức thấp

Theo các thương lái và người dân Đồng Tháp Mười thì giá cây tràm rất bấp bênh. 3 năm trở lại đây, giá tràm liên tục giảm sâu, hiện 1 hecta tràm "đẹp", cây to, nằm ở các khu vực dễ vận chuyển thì giá cao nhất cũng chỉ 40 triệu, bằng với chi phí đầu tư. Trong khi tràm "xấu", nằm ở vùng sâu, xa, khó vận chuyển, thương lái chỉ thu mua với giá khoảng 20 triệu đồng/hecta. Điều này đồng nghĩa với việc người dân trồng tràm chỉ cầm huề hoặc lỗ vốn chứ không có lợi nhuận.

Thị trường cừ tràm đang thu hẹp đầu ra

Ông Huỳnh Văn Kiểu, thương lái thu mua tràm chia sẻ: "Thấy người dân thua lỗ khi bán tràm, mình cũng xót lắm nhưng không thể thu mua với giá cao hơn được. Bởi vì, thương lái còn phải gánh chi phí thu hoạch và vận chuyển tràm rất tốn kém, trong khi đầu ra cho cây tràm ngày càng bị thu hẹp. Nếu như trước đây, thương lái chở đến bao nhiêu ghe/xe tràm thì chủ vựa sẽ thu mua hết bấy nhiêu, còn bây giờ mỗi tháng chủ vựa chỉ thu mua của chúng tôi hai, ba chuyến ghe/xe tràm".

Toàn tỉnh chỉ còn khoảng 21.800 hecta rừng tràm và sẽ còn tiếp tục giảm nếu giá tràm không cải thiện

So với lúc cao điểm, hiện giá tràm giảm sâu đến 70%. Ông Lê Tuấn Hùng, thương lái tràm cho biết: "Thời gian gần đây, nhiều người dân chấp nhận lỗ vốn, bán tràm non với giá rẻ cho thương lái để chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ở những vùng thuận lợi, hiện tại, nhà nước đã đầu tư đê bao lửng, trạm bơm, hệ thống kênh mương nội đồng tương đối hoàn chỉnh, đất rừng ngày nào nay được rửa phèn nên thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Thế nên một số xã xưa kia độc canh cây tràm, giờ người dân chuyển đổi sang trồng khoai, chanh, lúa,…".

Thời "hoàng kim" của cây tràm, toàn vùng Đồng Tháp Mười có đến 70.000 hecta rừng tràm, nhưng hiện nay diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh chỉ còn trên 21.800 hecta. Trong đó, rừng đặc dụng trên 1.800 hecta, rừng phòng hộ trên 2.000 hecta và rừng sản xuất là gần 18.000 hecta. Nếu trồng tràm chủ yếu chỉ để bán cừ phục vụ xây dựng với giá rẻ như lâu nay thì diện tích rừng tràm ở vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An sẽ còn tiếp tục giảm.

Nam Kang

Các tin khác

  • Long An: Chú trọng xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (25/06/2024)
  • Lan tỏa giá trị tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (04/06/2024)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 15 năm triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Long An (10/01/2024)
  • Long An: Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 23% so với đầu năm 2023 (22/12/2023)
  • Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội qua 9 năm đạt gần 6.000 tỷ đồng (19/12/2023)
  • Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) (15/12/2023)
  • Tỉnh ủy đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (06/12/2023)
  • Sản xuất nông nghiệp năm 2023 tăng trưởng 4,12% (05/12/2023)
  • “Quỹ vì người nghèo” vận động gần 45 tỷ đồng trong năm 2023 (05/12/2023)
  • Cán bộ, công chức dôi dư được bố trí, sắp xếp đúng quy định (30/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối