Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức HCM

Tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ

24/07/2023 05:04:35PM
Màu chữ Cỡ chữ

"Uống nước nhớ nguồn" là truyền thống đạo lý, nhân ái có từ nghìn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất."Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta".

Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng đã nhắc nhở chúng ta, những người đang hưởng niềm vui, hạnh phúc của đất nước thanh bình, độc lập, tự do, phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người đã vì độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường.

Các đồng chí lãnh đạo dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân

Có thể nói, chưa ai định nghĩa Thương binh, Liệt sĩ bằng những nội dung chứa đựng tình cảm sâu nặng như chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem  xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của  ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”

Suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu nhà nước, trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh tính mạng, xương máu của mình để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến khi Người đi xa, hầu như năm nào Bác cũng thăm hỏi, gửi thư, tặng quà tới thương binh và gia đình liệt sĩ. Bác nêu gương, biểu dương, khuyến khích những thương binh khắc phục đau yếu, thương tật, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và căn dặn thương, bệnh binh phải khiêm nhường, biết ơn sự săn sóc của đồng bào, không được ra vẻ công thần, cần cố gắng tự lực, cánh sinh: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận” , để mỗi “thương binh tàn nhưng không phế”.

Bác thường căn dặn cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phải chăm lo đền ơn thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh thân mình để góp phần tô đỏ lá cờ cách mạng, chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Và cũng chính chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề nghị Chính Phủ chọn một ngày trong năm là Ngày Thương binh, Liệt sĩ để nhân dân ta bày tỏ sự biết ơn với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Thực hiện lời đề nghị của Người, một cuộc họp diễn ra ở Đại Từ (Bắc Thái, ngày  27/7/1947) đã chính thức chọn Ngày 27/7 hằng năm là “Ngày Thương binh” trong cả nước. Đến năm 1955, “Ngày Thương binh” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.

Cảm động biết bao, trước lúc đi xa về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ. Người đã viết thêm vào bản Di chúc lịch sử, căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta rằng: “Ngay sau khi công cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên là phải chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Thế hệ trẻ ngày nay luôn tưởng nhớ đến công ơn của các anh hùng liệt sĩ

76 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã ra sức thực hiện tư tưởng, lời dạy của Người, làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với đất nước. Các chính sách, chỉ thị, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy cao độ truyền thống "uống nước nhớ nguồn", xuất hiện ngày càng nhiều các phong trào đền ơn đáp nghĩa tại các địa phương, đơn vị trong cả nước. Trong nhiều năm qua, Long An luôn quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả để tri ân các gia đình có công với cách mạng, trong đó chú trọng các hoạt động như: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ngày Thương binh - Liệt sĩ; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công; tu bổ, nâng cấp, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ; tổ chức các đoàn thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách tiêu biểu, vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp.

Đ/c Hoàng Đình Cán, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Tràng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh

Đây là những việc làm thiết thực của toàn đảng, toàn dân, toàn quân Long An, góp phần thực hiện lời dạy và tình thương yêu bao la của Bác đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước; từ đó xoa dịu và bù đắp phần nào những mất mát lớn lao của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; những người đã không tiếc máu xương mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, cho hạnh phúc, ấm no của nhân dân ta, cho sự phát triển bền vững của đất nước ta ngày hôm nay.

Thiết thực kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, mỗi chúng ta, mỗi cấp, mỗi ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những cử chỉ và việc làm tốt đẹp nhất cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước; góp phần vun bồi, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ truyền thống quý báu của dân tộc ta “uống nước nhớ nguồn” làm động lực xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

                                                                                                                                            Nguyễn Hoài Thân

                                                                                                                                Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An

Các tin khác

  • Triển khai chuyên đề năm 2024 của tỉnh về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X (21/05/2024)
  • Trí thức Khoa học và Công nghệ Triển khai chuyên Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 (17/05/2024)
  • Tấm gương về người chiến sĩ công an “vì dân phục vụ” (19/09/2023)
  • Một số kết quả trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng ngành Kiểm sát theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh (17/08/2023)
  • Những phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/08/2023)
  • Để việc học tập và làm theo tấm gương của Bác trở thành công việc thường xuyên và tự giác của mỗi người (15/08/2023)
  • Nhớ lời Bác dặn về chăm sóc người có công (31/07/2023)
  • Hiệu quả từ mô hình “Nuôi heo đất” làm theo Bác (30/07/2023)
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Châu Thành (22/07/2023)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh: Hạt nhân của của xã hội là gia đình (20/06/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối