Đất và người Long An

Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - sống mãi trong lòng người dân

14/10/2024 09:10:19AM
Màu chữ Cỡ chữ

Nguyễn Trung Trực - tấm gương về lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm. Ông khiến quân thù khiếp sợ với nhiều chiến công hiển hách và nổi tiếng với câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, tên thật là Nguyễn Văn Lịch, khi tham gia nghĩa quân thường được gọi là Quản Chơn, Quản Lịch. Ông sinh năm Mậu Tuất (1838) tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); nguyên quán của ông ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Thời còn trẻ, ông giỏi cả văn và võ, nhưng nổi bật nhất là võ nghệ. Do tính tình ngay thẳng, chính trực, ông được thầy của mình đặt tên là Trung Trực. Là một thanh niên nghĩa hiệp, sớm có lòng yêu nước, nên Nguyễn Trung Trực sớm có tư tưởng kháng Pháp. Từ đó danh tiếng của ông ngày càng lẫy lừng, chẳng những về võ nghệ mà cả về đức độ, sự thông minh, khẳng khái...

Bên trong Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại di tích Vàm Nhựt Tảo

Tháng 2/1859, quân Pháp tiến đánh Gia Định, mở màn xâm chiếm Nam kỳ. Nguyễn Trung Trực đứng lên lập đội dân dũng và được nhiều người hưởng ứng. Ông gia nhập nghĩa quân do Trương Định lãnh đạo và sớm bộc lộ tài năng, đức độ của một thủ lĩnh xuất sắc trong hàng ngũ nghĩa quân, được Trương Định trọng dụng, cho làm Quyền sung Quản binh đạo. Ông được giao chỉ huy một bộ phận nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, đã lập được nhiều công trạng, tiêu biểu như trận: Đốt cháy và làm chìm tàu L'Espérance (tàu “Hy vọng”) trên vàm Nhựt Tảo vào ngày 10/12/1861. Tiếp đó, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân tấn công một tiểu hạm khác của Pháp trên Rạch Tra (Gò Công)...

Đầu năm 1867, Nguyễn Trung Trực được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì ngày 24/6/1867 thành Hà Tiên đã rơi vào tay quân Pháp. Không về Hà Tiên nhưng Nguyễn Trung Trực cũng không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, mà đưa quân về lập mật khu ở Sân Chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) để chống Pháp; từ đây ông không còn liên quan gì tới triều đình nhà Nguyễn nữa.

Ở Kiên Giang, sau khi nắm được tình hình giặc và tập trung xong lực lượng, đêm 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) bất ngờ đánh úp và chiếm đồn Rạch Giá, tiêu diệt được 05 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu hơn 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược.

Sau khi mất đồn Rạch Giá, thực dân Pháp điều quân từ Vĩnh Long sang tái chiếm Rạch Giá. Nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực phải rút về Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), rồi ra đảo Phú Quốc lập thêm căn cứ chống Pháp. Ngày 19/9/1868, thực dân Pháp bắt được Nguyễn Trung Trực dụ hàng không được chúng đưa ông ra chợ Rạch Giá xử chém ngày 27/10/1868 (tức ngày 12/9 năm Mậu Thìn).

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã hy sinh oanh liệt vì dân, vì nước. Tấm gương bất khuất và khí phách hiên ngang của ông đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, ý chí quật khởi, kiên cường chống giặc ngoại xâm của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, lễ giỗ ông ngày nay trở thành ngày trọng đại của Nhân dân Việt Nam, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tấm lòng thành kính đối với vị nhân sĩ nặng lòng yêu nước, thương dân, có công lao to lớn trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Long An kỷ niệm 156 ngày anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh

Nhân dịp kỷ niệm 156 năm Ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, ghi nhận và tôn vinh công lao to lớn của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người con của quê hương Long An nói riêng và cả nước nói chung đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của ông đối với đất nước, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tại Long An, Lễ tưởng niệm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được tổ chức vào ngày 11 và 12/9 âm lịch hàng năm tại di tích Vàm Nhựt Tảo (thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) và di tích Xóm Nghề (thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức). Hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống của dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho khách thập phương đến viếng, tham quan Khu Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo - nơi diễn ra trận đánh oanh liệt năm xưa của người nghĩa sỹ dân chài Nguyễn Trung Trực.

Thu Hằng

Các tin khác

  • Lễ Chu niên "Công thần khai quốc" Nguyễn Huỳnh Đức (10/10/2024)
  • Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” (20/09/2024)
  • Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
  • Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối