Đất và người Long An

Chiến thắng Hiệp Thạnh – Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố dấu son còn mãi

20/02/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Trong chiến tranh cách mạng, Đảng bộ và quân dân Châu Thành đã tổ chức nhiều trận chiến đấu linh hoạt làm cho kẻ địch phải kinh hoàng. Chỉ một vùng Vĩnh Công - Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miếu Bà Cố trong 9 năm kháng chiến chống Pháp có ít nhất 3 trận đánh lớn được ghi vào sách sử: Lần thứ nhất, quân dân huyện Châu Thành và chi đội 14 diệt cả trăm tên địch vào đúng ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); lần thứ hai, Pháp xua quân vào khu vực Miếu Bà Cố tháng 11/1947, quân ta lại đánh diệt hàng chục tên địch, thu vũ khí; lần thứ ba, là trận đánh lớn tại khu vực Miếu Bà Cố.

Miếu Bà Cố là một ngôi miếu nhỏ có trên 150 năm, tọa lạc tại ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tại khu vực này, vào ngày 24/02/1954, Tiểu đoàn 309 phối hợp cùng dân quân huyện Vàm Cỏ (nay là huyện Châu Thành - Tân Trụ) đã phục kích tiêu diệt gọn Tiểu đoàn Bảo An Việt Nam 502 và Đại đội 14 tỉnh Tân An của địch, một trận đánh gắn liền với tên tuổi các anh Bộ đội Cụ Hồ của Tiểu đoàn 309 và dân quân Châu Thành trong cuộc kháng chiến “chín năm” trường kỳ đầy hy sinh, gian khổ.

Trong những năm 1952 - 1953, trên địa bàn huyện Vàm Cỏ, địch tập trung lực lượng đóng đồn bót khắp các xã. Hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng chính trị ở địa phương hết sức khó khăn.

Năm 1954, Pháp triển khai đỉnh cao kế hoạch Nava (Navarre) hòng cứu vãn tình thế bị sa lầy trên chiến trường Đông Dương. Còn phía ta, đẩy mạnh chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954 nhằm góp phần chiến thắng chung cuộc, căng kéo địch, tạo điều kiện cho chiến trường Điện Biên Phủ giành thắng lợi và đi đến kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1953, đồng chí Trần Văn Trà (Tư lệnh, Thường vụ Phân liên Khu ủy miền Đông) trực tiếp xuống làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư huyện, Huyện đội trưởng của từng huyện, yêu cầu đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 trên chiến trường cả nước. Được tác động của chiến thắng chung trong vùng và toàn quốc, với khí thế tổng phản công mạnh mẽ, lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị và quần chúng ở huyện Vàm Cỏ bằng 3 mũi quân sự - chính trị - địch vận, đã tiến hành mở đợt hoạt động từ cuối tháng 12/1953 đến đầu tháng 2/1954, quét sạch các đồn bót dân vệ ở ấp, xã (phần lớn các xã chỉ còn 1 bót bảo an), mở ra nhiều lỏm căn cứ du kích và tạo được địa bàn đứng chân cho lực lượng của trên.

Bộ đội ta lúc này đã trưởng thành về trình độ chỉ huy tác chiến, chẳng những có thể đương đầu với Pháp và tay sai trên địa bàn huyện, tỉnh mà còn cùng toàn miền tiêu hao, kéo căng sinh lực địch theo mục tiêu chiến lược, góp phần phá sản kế hoạch Nava, đẩy thực dân Pháp vào thế bị động, đi đến kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954.

Giữa tháng 2/1954 được sự chỉ đạo của Phân liên Khu ủy và tỉnh Mỹ Tho mới (gồm Tân An - Mỹ Tho - Gò Công), Tiểu đoàn 309 (Tiểu đoàn cơ động trên địa bàn Tân An - Mỹ Tho) lần đầu tiên điều về hoạt động ở Vàm Cỏ - vùng địch tạm chiếm.

Sau khi thảo luận và nghiên cứu phương án chống địch càn quét, nhận thấy địch có thể hành quân từ 3 hướng: Kỳ Son xuống, Tầm Vu lên, Vĩnh Công qua. Căn cứ vào tình hình địch và quy luật hành quân của chúng, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 309 đã xây dựng phương án tác chiến và bố trí đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn,gồm: Đại đội 939: Có Trung đội A đóng ở xóm Bà Cù Giỏi. Trung đội B đóng ở ấp Bình Trị (phía tây bắc cầu Biệt Trẹt cách khoảng 1km). Trung đội C đóng ở ấp Bình Trị (phía bắc rạch Bà Quạ). Đại đội 941 và địa phương quân Vàm Cỏ đóng ở ấp Bình Trị (phía Nam rạch Bà Quạ). Cán bộ Trung đội núp sau những gốc rơm hoặc bụi cây trong vườn, để quan sát và chỉ huy đánh địch.

Khoảng 10 giờ, ngày 24/2/1954 (ngày 22 tháng 1 âm lịch), trinh sát Tiểu đoàn báo cáo có 2 cánh quân của địch đang triển khai:  Một cánh khoảng trên 1 trung đội tăng cường hành quân từ Tầm Vu theo lộ 12 (lộ nối liền thị trấn Tầm Vu đến Kỳ Son xã Bình Qưới) tiến vào cầu Bà Thơm. Một cánh cũng khoảng trên 1 Trung đội tăng cường hành quân từ cầu Vĩnh Công vào ấp Bình Trị, phía Nam rạch Bà Quạ.

Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 309 thông báo cho các đơn vị nắm rõ tình hình và chuẩn bị chiến đấu. Trung đội A của Đại đội 939 ở xóm Bà Cù Giỏi đợi địch đến gần nổ súng và xuất kích thẳng vào giữa đội hình quân địch. Nhưng vì đánh chính diện chỉ tiêu diệt được một số tên địch; số còn lại hoảng sợ bỏ chạy về Tầm Vu bị Trung đội A truy kích đến cầu Bà Thơm, hướng Vĩnh Công, Trung đội B của Đại đội 941 cùng địa phương quân Vàm Cỏ cũng chờ địch đến gần mới nổ súng và xuất kích nhanh, diệt được một số tên địch, số còn lại bỏ chạy ra lộ 21 (nay là Tỉnh lộ 827A). Trong trận này, ta diệt một số địch, thu 1 trung liên, 3 Thompson, 1 Carbine, một số súng trường và đạn dược.

Trong lúc Đại đội 939 và địa phương quân Vàm Cỏ đang thu dọn chiến trường tại cầu Bà Thơm thì tổ trinh sát của Tiểu đoàn báo cáo: Một cánh quân địch khoảng một Đại đội từ Kỳ Son hành quân theo lộ 12 vào Phú Ngãi Trị. Ban Chỉ huy ra lệnh cho các đơn vị đánh truy kích nhanh chóng trở về vị trí, chuẩn bị đánh cánh quân này đang từ Kỳ Son tiến vào cầu Biệt Trẹt (sau này qua tù binh, ta mới biết đây là Tiểu đoàn 502 Bảo An Việt Nam và Đại đội 14 của Tân An) chúng hành quân bằng xe cơ giới từ Tân An xuống Kỳ Son, xuống xe tại Kỳ Son và hành quân bộ vào Phú Ngãi Trị. Lúc này, đội hình Tiểu đoàn 309 điều chỉnh Trung đội A của Đại đội 939 từ cầu Bà Thơm rút về Phú Ngãi Trị thì địch đã xuất hiện trên lộ 12 nên Trung đội B phải tạt qua ấp Bình Trị 1 (phía rạch Sâu). Đại đội 941 và địa phương quân Vàm Cỏ để một bộ phận nhỏ chiến đấu ở phía Nam rạch Bà Quạ, đại bộ phận còn lại sang ấp Bình Trị phía Bắc rạch Bà Quạ. Trung đội C của Đại đội 939 và trợ chiến Tiểu đoàn trở thành cánh đánh chính diện. Đại đội 941 và địa phương quân Vàm Cỏ sẽ là cánh đánh xuyên hông, đánh vào sườn ở phía Nam đội hình địch. Trung đội A và Trung đội B của Đại đội 939 có trách nhiệm khóa đuôi, đánh vào sườn ở mặt Bắc đội hình địch.

Ở cánh quân chính diện, Đại đội 939 và trợ chiến của Tiểu đoàn đã bí mật bố trí 1 khẩu đại liên và 1 khẩu trung liên ven lộ 12 đợi địch đến gần và khoảng 14 giờ thì nổ súng tập trung vào đội hình địch, diệt bọn địch hành quân trên lộ 12. Khi mặt chính diện đã nổ súng, Đại đội 941 và địa phương quân Vàm Cỏ cùng Trung đội A, Trung đội B của Đại đội 939 đã kịp thời phối hợp xung phong đồng loạt chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận địch. Gần Miếu Bà Cố có một cái ao, nhiều tên địch lợi dụng khu bờ ao chống trả lại quyết liệt. Chính tại đây, quân ta đã diệt đại bộ phận Tiểu đoàn 502 Bảo An Việt Nam và Đại đội 14 Tân An của địch.

Thấy địch rơi vào thế bị bao vây, các phân đội của Tiểu đoàn 309 chiến đấu dũng cảm, chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận địch kết hợp với kêu gọi địch buông súng đầu hàng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, chỉ từ 40 - 50 phút, quân ta đã làm chủ trận địa, diệt 145 tên địch (có 3 trung úy Đại đội trưởỷng, 2 thiếu úy Đại đội phó và một thượng sĩ Trung đội trưởng đền tội), bắt sống 123 tên (trong đó có 8 tên đội, 15 tên cai lính) thu hơn 200 súng, nhiều đạn dược và chiến lợi phẩm: Trong đó có 10 FM, 17 Thompson, 16 Mitelle, 17 Carbine, 9 khẩu tự động, 30 súng trường, 2 súng lục Colt, 2 máy điện đàm, 2 máy vô tuyến điện, 1 ống nhòm, 1 la bàn và rất nhiều quân trang quân dụng khác. Về phía ta, 1 đồng chí hy sinh và 5 đồng chí bị thương.

Đây là trận đánh gây tiếng vang đầy hiệu quả của quân ta thời điểm bấy giờ, buộc địch phải co cụm trên địa bàn tỉnh, tạo đà cho lực lượng võ trang phát triển, mở thế cho quần chúng cách mạng tiến lên mở rộng vùng giải phóng.

Kết quả của trận đánh tại khu vực Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miếu Bà Cố chứng tỏ sự lớn mạnh của phong trào du kích địa phương. Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Vàm Cỏ và các chi ủy xã đã chỉ đạo địa phương quân và du kích xã làm nòng cốt cho lực lượng chính trị của quần chúng, vận dụng phương châm linh hoạt phối hợp cả 3 vùng (địch hậu, tạm bị chiếm, du kích), phát huy thắng lợi tiếp tục đánh địch, mở rộng vùng giải phóng của huyện Vàm Cỏ lúc đó hình thành 3 vùng du kích lớn: Vùng Bình Quới - Vĩnh Công - Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị. Vùng An Lục Long - Thanh Phú Long. Vùng Nhựt Ninh - Tân Phước - Bình Tịnh.

Chiến thắng Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miếu Bà Cố là kết quả từ sự chỉ đạo đúng hướng, kịp thời của Xứ ủy, Khu ủy và Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho (gồm Tân An - Mỹ Tho - Gò Công), của Huyện ủy Vàm Cỏ và kế hoạch tác chiến linh hoạt, nhạy bén, tinh thần chiến đấu kiên cường của Tiểu đoàn 309 và du kích địa phương. Lực lượng vũ trang ta đã kết hợp tác chiến với công tác binh địch vận, vừa chia cắt, vừa tập kích giành thắng lợi, tránh được nhiều tổn thất, kéo căng sinh lực địch theo mục tiêu kế hoạch, chiến lược đề ra, góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/1954.

Văn Minh (tổng hợp)

Các tin khác

  • Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - sống mãi trong lòng người dân (14/10/2024)
  • Lễ Chu niên "Công thần khai quốc" Nguyễn Huỳnh Đức (10/10/2024)
  • Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” (20/09/2024)
  • Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
  • Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối