Đất và người Long An

Khởi nghĩa Nam Kỳ ở hai tỉnh Tân An và Chợ Lớn

24/09/2020 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Tháng 9/1930, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Pháp, chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp sụp đổ, chính phủ phản động Đalađiê (Daladier) lên cầm quyền, ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp và đàn áp những người dân chủ chống phát xít.

Ở Đông Dương, thực dân Pháp ra mặt đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, đồng thời ban bố lệnh tổng động viên sức người, sức của tại chỗ dưới chiêu bài “phòng thủ chung”. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã kịp thời chỉ thị cho các cấp, các tổ chức mau lẹ rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, dựa vào nông thôn để phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng. Từ ngày 6 đến 8/11/1939, Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm, có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Lê Duẩn dự đã đánh dấu sự chuyển hướng đúng dắn về chỉ đạo chiến lược, đó là đưa giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương, thay đổi hình thức đấu tranh cho phù hợp với nhiệm vụ mới và chuẩn bị bước tới bạo đọng làm cách mạng giải phóng dân tộc, “song phải hết sức tránh những cuộc trang đấu non, tranh đấu không phương pháp, không chuẩn bị”.

Tháng 6/1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Tháng 9/1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp ở Đông Dương đầu hàng quân Nhật đồng thời ráo riết khủng bố, lùng bắt các đảng viên cộng sản. Ở tỉnh Chợ Lớn, cũng như nhiều tỉnh khác, các cơ sở Đảng bị khủng bố. Nhiều đồng chí hoạt động công khai phải rút vào bí mật. Ở tỉnh Tân An, từ cuối năm 1939, đa số đồng chí tỉnh ủy bị lộ, bị bắt, một số phải tránh sang tỉnh khác hoặc chuyển vùng hoạt động.

Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam kỳ đã triệu tập hội nghị mở rộng (tại nhà bà Năm Vẹm) ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Sau nhiều ngày thảo luận, hội nghị đã chủ trương khởi nghĩa, thông qua kế hoạch tiến hành và thành lập ban chỉ đạo khởi nghĩa các cấp. Hội nghị quyết định gấp rút kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại lực lượng để chuẩn bị hành động; cử đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên TW duy nhất còn lại ở Nam kỳ ra Bắc dự Hội nghị lần thứ 7 của TW sẽ họp vào tháng 11/1940 và xin chỉ thị về chủ trương khỏi nghĩa.

Thi hành nghị quyết của hội nghị xứ ủy, tại tỉnh Tân An, ban chỉ đạo khởi nghĩa được thành lập gồm các đồng chí Trần Trung Tam – Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Võ Văn Lừa, Thái Văn Đấu làm Ủy viên. Ở tỉnh Chợ Lớn, do địa bàn của tỉnh gắn liền với thành phố nên không thành lập ban chỉ đạo khởi nghĩa riêng mà đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của xứ ủy.

Trong khi Đảng bộ Nam kỳ và quần chúng đang sôi nổi tích cực chuẩn bị và chờ chỉ thị của Trung ương về khởi nghĩa thì ngày 22/9/1940, phát xít Nhật cho quân vượt biên giới Việt-Trung đánh vào Lạng Sơn, đồng thời cho 6.000 quân theo đường biển đổ bộ lên Đồ Sơn. Sau vài trận thử sức nhỏ, quân Pháp mau chóng đầu hàng. Ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra. Trước chuyển biến mau lẹ của tình hìn trong nước, xứ ủy Nam kỳ đã mở hội nghị tại nhà bà Nguyễn Thị Hương, ấp Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, quyết định khởi nghĩa và đề ra chủ trương tích cực chuẩn bị mọi mặt, đồng thời trao cho Thường vụ Xứ ủy quyền ban bố lệnh khởi nghĩa. Hội nghị cũng quyết định quốc kỳ nền đỏ có sao vàng năm cánh và một số vấn đề khác.

Sau Hội nghị Xứ ủy, cùng với các tỉnh, hai tỉnh Tân An và Chợ Lớn ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa. Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, “Ủy ban khởi nghĩa”, “ủy ban bạo động” được thành lập đều khắp ở cấp quận, tổng và xã. Nhiều đội du kích có vũ trang bằng dao, mác, kiếm, phi tiêu...được thành lập. Ở tỉnh Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã vận động được một lực lượng trong đảng cướp Bình Xuyên với khoảng 20 tay súng sẵn sàng tham gia khởi nghĩa; hai đồng chí Huỳnh Văn Một, Trần Văn Mậu cũng đã tuyên truyền giác ngộ được một số lính trong thành Ô Ma (Sài Gòn) xây dựng thành cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ binh lính địch. Ở tỉnh Tân An, đồng chí Hai Thiện (tức Hữu Nghĩa) đã vận động được một số lính gác dinh quận Thủ Thừa, đồng chí Phạm Khương và ông Cải vận động được một số hạ sĩ quan khác làm nội ứng khi khởi nghĩa nổ ra.

Trong khi Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ đang ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa thì tháng 11/1940, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 7 ở Đình Bảng (Bắc Ninh) xác định nhiệm vụ trước mắt của Đảng là lãnh đạo nhân dân Đông Dương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền; duy trì lực lượng vũ trang của cuộc khỏi nghĩa Bắc Sơn và xây dựng căn cứ địa cách mạng, đồng thời quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đồng chí Phan Đăng Lưu được giao trách nhiệm mang chỉ thị của Trung ương về cho Xứ ủy Nam kỳ, nhưng trước khi đồng chí về đến Sài Gòn thì ngày 20/11/1940, Thường vụ Xứ ủy đã ban hành lệnh khởi nghĩa đi các nơi, quyết định toàn xứ thống nhất hành động vào nửa đêm 22/11/1940. Tuy nhiên, sắp đến giờ hành động thì kế hoạch khởi nghĩa bị lộ do gián điệp của Pháp đã chui vào tổ chức của ta. Chiều ngày 22/11/1940, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy bị bắt ngay sau cuộc họp truyền đạt lệnh khởi nghĩa cho Thành ủy Sài Gòn ở số nhà 160 đường Đayốt. Đêm 22/11/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu cũng bị bắt tại Chợ Lớn. Pháp ra lệnh cấm trại và tước khí giới lính người Việt, cảnh sát, lính kín đi lùng xét, bắt bớnhiều nơi, do đó khởi nghĩa đã không nổ ra ở Sài Gòn theo dự kiến.

Song, tại hai tỉnh Tân An và Chợ Lớn cùng các tỉnh khác ở Nam Bộ, cuộc khởi nghĩa vẫn tiến hành như dự định.

Ở tỉnh Chợ Lớn, các cánh quân của các quận có nhiệm vụ tiếp ứng cho Sài Gòn trước giờ khởi nghĩa đã sẵn sàng hành động. Nhưng đến quá 0 giờ ngày 23/11/1940, tín hiệu hành động hành động không thấy xuất hiện, đèn Sài Gòn vẫn sáng và hoạt động đối phó của địch đã bắt đầu diễn ra, lực lượng khởi nghĩa biết là kế hoạch đã bị lộ, những người chỉ huy liền ra lệnh phân tán và chuyển hướng sang phối hợp cùng với lực lượng tại chỗ tấn công các trụ sở tề ngụy ở địa phương.

 Ở tỉnh Tân An, quận Châu Thành, đêm 23/11/1940, quần chúng khởi nghĩa đã ngã cây, phá cầu trên các con lộ Tân An – Tầm Vu, Kỳ Sơn – Tầm Vu, đánh phá nhà việc các xã An Vĩnh Ngãi, Hòa Phú, thiêu hủy toàn bộ sổ bộ, giấy tờ.

Ở quận Thủ Thừa, nghĩa quân đốt nhà việc xã Thạnh Lợi, đánh chiếm đồn Trà Cú, bắt sống 6 lính, thu 6 súng, chiếm nhà việc các xã Long Ngãi Thuận, Tân Đông, Mỹ Lạc Thạnh. Ngày 26/11/1940, cánh quân khởi nghĩa Vàm Cỏ Đông vượt sông, đánh vào đồn điền mía của tên thực dân pháp Hinxki (Hylski) ở xã Hòa Khánh, bắn bị thương tên này, lấy được 1 súng lửa và 1 súng lục. Đến cuối tháng 11, trước sự khủng bố ác liệt của địch, các cánh quân khởi nghĩa đã tập trung về vùng tràm Ba Làng-khu rừng tràm nằm trên 3 xã Bình Thành, Bình Hòa, Thạnh Lợi và trụ lại đó. Ở quận Đức Hòa, lực lượng khởi nghĩa đã phục kích ở Giồng Cám, giết Quản Nên và Bếp Nhung, thu được 4 súng. Ở Trung Quận, quần chúng khởi nghĩa đã đánh phá nhà việc và bót canh các xã An Thạnh, Long Phú, Phước Lợi, Tân Bửu, Mỹ Yên... đốt toàn bộ giấy tờ, sổ bộ, bắt nhiều tề gian, tước vũ khí lính canh đầu cầu Bến Lức. Ở quận Cần Đước, lực lượng khởi nghĩa các xã Phước Vân, Long Định, Long Cang đã chiếm nhà việc, đố sổ bộ, treo cờ búa liềm vào rạng sáng ngày 23/11. Trong khi đó, cánh quân thứ hai thuộc xã Phước Tuy, Tân Ân, Tân Chánh có nhiệm vụ chiếm ở đầu cầu nối phía Bắc và kênh nước Mặn, đồng thời đánh chiếm dinh quận nhưng cả hai nơi đều không thực hiện được kế hoạch dự định. Ở quận Cần Giuộc, lực lượng khởi nghĩa đã đánh chiếm các nhà việc, đốt giấy tờ, sổ bộ các xã Phước Lại, Long Đức Đông, Long Hậu Tây, cắt đứt đường dây điện thoại Cần Giuộc-Trường Bình, đốt phá các cầu Rạch Đôi, Ông Chuồng, Rạch Dừa, ngả cây chặn giao thông trên các hương lọ 19 và 22...

Thực dân Pháp đã tập trung lực lượng thẳng tay tàn sát nhân dân. Nhiều đảng viên, quần chúng yêu nước bị bắt, bị bắn tại chỗ. Trong số các quận của hai tỉnh Tân An, Chợ Lớn thì Đức Hòa là nơi bị đàn áp, đánh phá dữ dội và dài ngày nhất. Chúng huy động cả máy bay trinh sát, xe bọc thép có gắn đại liên vào các trận càn, hàng trăm nóc nhà bị đốt cháy, bọn lính đi càn được tự do bắn chết nhiều người không cần xét hỏi...Ở Trung Quận, tại các xã Thanh Hà, Long hiệp, Tân Tạo, Bình Trị, chúng đốt nhiều nhà, có nơi chúng giết chết cả gia đình.

Để bảo toàn lực lượng trước những cuộc truy lùng, bắt bớ, giết chóc đẫm máu của địch, nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước đã rút về Đồng Tháp Mười lập nên một nên căn cứ du kích ở vùng kênh Bo Bo. Được sự che chở, đùm bọc của nhân dân, lực lượng du kích đã tổ chức nhiều cuộc diệt tề, trừ gian, phục kích đánh địch đi càn. Căn cứ du kích Bo Bo tồn tại được 4 tháng thì giải thể theo quyết định của Tỉnh ủy Tân An nhằm phân tán lực lượng cán bộ đi các nơi để tránh tổn thất do tương quan giữa ta và địch quá chênh lệch. Mặc dù vậy, khu căn cứ du kích Bo Bo vẫn là niềm tự hào, đồng thời giữ một vị trí xứng đáng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Long An.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó có sự tham gia tích cực của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Tân An, Chợ Lớn tuy không thành công nhưng đã nêu cao tinh thần yêu nước, chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, nêu cao khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân, gây tiếng vang lớn trong cả nước, khích lệ tinh thần yêu nước của đồng bào, đồng thời cũng là cuộc tập dượt chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh lớn sau này. (2.046)

Minh Văn

Các tin khác

  • Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - sống mãi trong lòng người dân (14/10/2024)
  • Lễ Chu niên "Công thần khai quốc" Nguyễn Huỳnh Đức (10/10/2024)
  • Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” (20/09/2024)
  • Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
  • Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối