Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con ưu tú đất Long An
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, năng động.
Sau thời gian học tại Trường tiểu học Long Mỹ, huyện Long Mỹ, Rạch Giá (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang ngày nay). Năm 1921, Nguyễn Hữu Thọ khi ấy mới 11 tuổi được gia đình cho sang Pháp du học, sau đó vào học tại Khoa Luật, trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aixen-Provence (miền Nam nước Pháp).
Năm 1932, ông tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu. Năm 1939, ông tiếp tục thi đỗ kỳ sát hạch của luật sư đoàn và bắt đầu mở văn phòng luật tại nhiều địa phương như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn - Chợ Lớn.
Khi Nam Bộ kháng chiến bùng nổ ngày 23/9/1945, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ mời ra chiến khu Đồng Tháp Mười. Năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc hợp pháp nghề luật sư của mình.
Năm 1948, ông tham gia Mặt trận Liên Việt và năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông hoạt động trong phong trào trí thức và bị Pháp bắt tháng 6/1950, bị giam ở Mường Tè (Lai Châu) rồi Sơn Tây cho đến tháng 11/1952. Sau đó ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, là Phó Chủ tịch Phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1954, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và bị giam tại Phú Yên. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị quản thúc tại Phú Yên.
Ngày 30/10/1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được quân dân Phú Yên tổ chức giải thoát đưa về căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh). Sau thời gian ngắn nghỉ ngơi, luật sư bắt tay vào công việc để nắm bắt tình hình thực tiễn. Ông đã dành nhiều thời gian để đọc báo cáo về phong trào của các địa phương Trị Thiên, khu Nam Bộ và các phong trào đấu tranh trong đô thị miền Nam; lần lượt nghe các đồng chí phụ trách các ngành, các chuyên gia quân sự, chính trị báo cáo về tình hình của địch và ta từ năm 1954 đến năm 1962; tình hình thế giới, đặc biệt là thái độ của các cường quốc đối với việc thi hành Hiệp định Genève.
Tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tháng 2/1962, ông được bầu làm chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Việc chọn người lãnh đạo cho vị trí Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận vốn dĩ rất quan trọng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị tham khảo ý kiến của Khu ủy Khu 5 và Xứ ủy Nam Bộ.
Tháng 11/1964, Đại hội lần thứ hai Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam diễn ra tại một địa điểm gần xóm Giữa, tỉnh Tây Ninh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Trong thời gian này, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ thường xuyên có mặt ở Bộ Chỉ huy quân sự Miền, cùng bàn bạc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chiến lược, kế hoạch chiến đấu để đánh bại kẻ thù.
Tháng 6/1969, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất. Tháng 4/1980, ông giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1981, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1980-1992), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa VII và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1988-1994).
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng, ông là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1992, thực hiện nhiều đổi mới trong hoạt động của bộ máy nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Với tính cách hào hiệp và giản dị của người con vùng đất Nam Bộ, với tài năng và bản lĩnh của một nhà tri thức chân chính, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân cả nước và thế giới biết đến là một chính khách tài ba, là ngọn cờ tập hợp các lực lượng yêu nước và cách mạng ở miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mặc dù chưa lần nào được gặp Bác Hồ nhưng điều may mắn và cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất được luật sư Nguyễn Hữu Thọ khẳng định là “đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người dẫn dắt từ khi lớp thanh niên trí thức chúng tôi còn bàng hoàng trước ngã ba đường trong đêm dài nô lệ”.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là biểu tượng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, thống nhất của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào mình. Con đường luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chọn là con đường cách mạng vì sự nghiệp thống nhất nước nhà, đem lại độc lập, tự do cho nhân dân. Con đường thế hệ trẻ hôm nay đang đi hẳn là bớt chông gai, gian khổ đấu tranh vì nền độc lập, tự do; được hưởng nền hòa bình, thống nhất, được tạo mọi điều kiện để phát triển trên cơ sở kế thừa công lao, đóng góp của thế hệ cha ông, trong đó có những đóng góp to lớn luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Giá trị của nền hòa bình, độc lập, tự do mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ theo đuổi là bài học vô giá để chúng ta thêm trân trọng và phát huy trong bối cảnh mới của đất nước./.
Các tin khác
- Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - sống mãi trong lòng người dân (14/10/2024)
- Lễ Chu niên "Công thần khai quốc" Nguyễn Huỳnh Đức (10/10/2024)
- Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” (20/09/2024)
- Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
- Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
- Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
- Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
- Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
- 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
- TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
- Tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội năm 2024
- Thông báo về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)
- Thông báo nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
- Thông báo việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2022
- Thông báo nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021)
- Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng tỉnh Long An giai đoạn 2021- 2025
- Thông báo treo cờ Tổ quốc chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026
- Thông báo Về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2020
- Khai trương vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Long An
- Nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020