Đất và người Long An

“Má Chính”

07/06/2022 03:58:15PM
Màu chữ Cỡ chữ

Trương Thị Giao (tức má Chính), sinh năm 1904, dân tộc kinh, quê ở xã Tân Phú, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, tham gia cách mạng năm 1954. Khi được tuyên dương anh hùng là chiến sĩ dân quân xã Tân Phú.

Từ năm 1960 - tháng 4 năm 1975, mặc dù địch lùng sục gắt gao, đồng chí Trương Thị Giao vẫn dũng cảm đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, thương binh. Trong nhà đồng chí Giao thường lúc nào cũng có cán bộ hoặc thương binh, du kích, bộ đội ở.  Từ tình cảm đó, các chiến sĩ gọi chị với cái tên thân thiết “má Chính”.

Đầu năm 1970, đồng chí nuôi ba thương binh nặng dưới hầm bí mật trong nhà. Nhiều lần địch đến định đào nền nhà đồng chí để tìm hầm bí mật. Tuy nhiên, đồng chí bình tĩnh dùng lời lẽ thuyết phục chúng không đào nền nhà mình, bảo vệ an toàn cho thương binh.

Tháng 6 năm 1972, địch đến nhà bắt đồng chí và người con gái út chỉ hầm bí mật. Trước sau đồng chí chỉ nói: Không có hầm nào cả! Chúng bỏ tù hai mẹ con 3 tháng liên tục. Ở trong tù địch đánh đập rất dã man hai mẹ con. Nhưng đồng chí Giao vẫn kiên trì chịu đựng và động viên con không khai báo. Không thể tìm kiếm thông tin từ hai mẹ con, chúng buộc phải thả hai người về nhà.

Năm 1973, có lần một đồng chí bộ đội bị thương nặng đang bị địch đuổi bắt, mặc dù chỉ cách địch một vài thửa ruộng, chị Trương Thị Giao vẫn bình tĩnh băng bó cho thương binh rồi đưa xuống hầm bí mật. Địch đến nhà doạ nạt, đồng chí bình tĩnh dùng lời lẽ khéo léo buộc chúng bỏ đi. Trong 4 ngày nằm dưới hầm bí mật, đồng chí thương binh được chăm sóc, chạy chữa thuốc men chu đáo. Ngày thứ 5, khi thương binh đã ổn định dần sức khỏe, đồng chí Giao đã tìm cách đưa thương binh trở về đơn vị an toàn.

Năm 1974 - 1975, gia đình đồng chí trở thành nơi đứng chân của các đơn vị bộ đội sau khi đánh địch ở các nơi trong huyện. Sau khi bộ đội ta rút đi, nhiều lần địch phát hiện còn dấu vết, bọn chúng doạ nạt đồng chí, đánh đập dã man, cấm đồng chí lần sau không được nuôi bộ đội nữa. Nhưng đồng chí Trương Thị Giao đã nêu cao tinh thần cách mạng, hết lòng thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ bộ đội. Đồng chí đã tích cực tổ chức và dẫn đầu nhân dân đấu tranh chính trị với địch chống dồn dân, bắt bớ bừa bãi… Cuộc đấu tranh nào cũng được đông đảo nhân dân ủng hộ và hăng hái tham gia, có cuộc đấu tranh bị địch đàn áp dã man, đồng chí Giao vẫn kiên quyết dẫn đầu nhân dân kéo đến bao vây đồn bót hoặc cơ quan ngụy quyền buộc chúng phải thực hiện yêu sách của nhân dân.

Đồng chí đã nêu tấm gương sáng về tinh thần phục vụ cách mạng, vượt qua mọi thử thách ác liệt, kiên trì đấu tranh với giặc, động viên mọi người trong xã noi theo. Đồng chí Trương Thị Giao được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, đồng chí Trương Thị Giao được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./. 

An Nam

Các tin khác

  • Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ: "Việt Bắc của miền Nam" trong đấu tranh chống giặc cứu nước (29/04/2025)
  • Long An: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (07/03/2025)
  • Lực lượng vũ trang tỉnh Long An tự hào truyền thống: “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, bám trụ kiên cường, đoàn kết quyết thắng” (22/12/2024)
  • Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - sống mãi trong lòng người dân (14/10/2024)
  • Lễ Chu niên "Công thần khai quốc" Nguyễn Huỳnh Đức (10/10/2024)
  • Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” (20/09/2024)
  • Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
  • Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối