Thông tin chỉ đạo cấp ủy

Kế hoạch quản lý biên chế trong hệ thống chính trị tỉnh giai đoạn 2024 - 2026

16/08/2023 09:11:42AM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 11/8/2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy kí ban hành Kế hoạch số 123-KH/TU về quản lý biên chế trong hệ thống chính trị giai đoạn 2024 - 2026.

Tại Kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra mục đích, yêu cầu như sau:

- Nhằm quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy định, quyết định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý biên chế, tinh giản biên chế phù hợp với tình hình của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh về quản lý biên chế, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Công tác quản lý, sử dụng, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình tinh giản biên chế hàng năm cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm tổng biên chế của tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 theo Quyết định số 75-QĐ/BTCTW, ngày 28/9/2022 của Ban Tổ chức Trung ương.

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất quản lý biên chế trong toàn hệ thống chính trị; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình cách làm hay, hiệu quả.

Về nguyên tắc:

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo quản lý biên chế trong hệ thống chính trị tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý biên chế theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Tổng biên chế của hệ thống chính trị tỉnh theo Quyết định số 75-QĐ/BTCTW, ngày 28/9/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của tỉnh Long An giai đoạn 2022 - 2026.

- Phân bổ chỉ tiêu biên chế do cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tinh giản biên chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, cải cách chính sách tiền lương.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng biên chế. Chỉ thực hiện tăng chỉ tiêu biên chế khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức mới, bổ sung chức năng, nhiệm vụ.

Kế hoạch sử dụng biên chế giai đoạn 2024 – 2026:

1. Kết quả sử dụng, quản lý biên chế năm 2023

Thực hiện Công văn số 4208-CV/BTCTW, ngày 04/10/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về quản lý biên chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã có Công văn số 1864-CV/TU, ngày 10/7/2023 về việc báo cáo kết quả biên chế năm 2023 và kế hoạch biên chế năm 2024. Theo đó, tổng biên chế hệ thống chính trị tỉnh Long An năm 2023 (không bao gồm cán bộ, công chức cấp xã) là 28.960 biên chế. Trong đó:

- Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện là 1.263 biên chế (bao gồm 1.137 cán bộ, công chức, 126 viên chức); giảm 25 biên chế so với năm 2022 (tỷ lệ giảm 1,94%).

- Chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ) là 27.697 biên chế (bao gồm 2.273 cán bộ, công chức, 24.424 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước); giảm 455 biên chế so với năm 2022, tỷ lệ giảm 1,67% (bao gồm 23 cán bộ, công chức, 432 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

2. Kế hoạch sử dụng biên chế giai đoạn 2024 - 2026

Thực hiện Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 11/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý biên chế trong hệ thống chính trị tỉnh giai đoạn 2022 -2026; trên cơ sở kết quả sử dụng, quản lý biên chế năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch quản lý biên chế trong hệ thống chính trị tỉnh Long An giai đoạn 2024 - 2026 cụ thể như sau:

2.1. Năm 2024

Tổng biên chế hệ thống chính trị tỉnh Long An năm 2024 (không bao gồm cán bộ, công chức cấp xã) là 28.489 biên chế, giảm 951 biên chế so với năm 2022. Trong đó:

- Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là 1.247 biên chế (1.124 cán bộ, công chức và 123 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước); giảm 16 biên chế so với năm 2023 (giảm 16 biên chế so với năm 2022, tỷ lệ giảm 1,27%).

- Chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; đơn vị sự nghiệp công lập) là 27.242 biên chế:

+ Cán bộ, công chức là 2.250 biên chế, giảm 15 biên chế so với năm 2023 (giảm 46 biên chế so với năm 2022, tỷ lệ giảm 2%).

+ Viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 24.992 biên chế, giảm 432 biên chế so với năm 2024 (giảm 1.338 biên chế so với năm 2021, tỷ lệ giảm 5,08%).

2.2. Năm 2025

Tổng biên chế hệ thống chính trị tỉnh Long An năm 2025 (không bao gồm cán bộ, công chức cấp xã) là 28.006 biên chế, giảm 1.434 biên chế so với năm 2022. Trong đó:

- Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là 1.219 biên chế (1.105 cán bộ, công chức và 114 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước); giảm 28 biên chế so với năm 2024 (giảm 44 biên chế so với năm 2022, tỷ lệ giảm 3,48%).

- Chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; đơn vị sự nghiệp công lập) là 26.787 biên chế:

+ Cán bộ, công chức là 2.227 biên chế, giảm 15 biên chế so với năm 2024 (giảm 69 biên chế so với năm 2022, tỷ lệ giảm 3,01%).

+ Viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 24.560 biên chế, giảm 432 biên chế so với năm 2024  (giảm 1.770 biên chế so với năm 2021, tỷ lệ giảm 6,72%).

2.3. Năm 2026

Tổng biên chế hệ thống chính trị tỉnh Long An năm 2026 (không bao gồm cán bộ, công chức cấp xã) là 27.071 biên chế, giảm 2.369 biên chế so với năm 2022. Trong đó:

- Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là 1.193 biên chế (1.080 cán bộ, công chức, 113 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước); giảm 26 biên chế so với năm 2025 (giảm 70 biên chế so với năm 2022, tỷ lệ giảm 5,5%).

- Chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) cấp tỉnh, cấp huyện: đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là 25.878 biên chế:

+ Cán bộ, công chức là 2.181 biên chế, giảm 20 biên chế so với năm 2025 (giảm 115 biên chế so với năm 2022, tỷ lệ giảm 5,01%).

+ Viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 23.697 biên chế, giảm 863 biên chế so với năm 2025 (giảm 2.633 biên chế so với năm 2021, tỷ lệ giảm 10%).

Khi có quyết định bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập giai đoạn 2024 - 2026 của cấp có thẩm quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện giao biên chế theo quy định. Đồng thời, tiến hành triển khai lộ trình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để giao bổ sung tương ứng biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp (thực hiện giao bổ sung biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo tình hình tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện, cụ thể như sau:

1. Đẩy mạnh công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng

- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu tập trung lãnh đạo triển khai, quán triệt nghiêm túc các kết luận, quy định, quyết định của Bộ Chính trị về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2024 - 2026 và kế hoạch này trong hệ thống chính trị.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu sự tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Đồng thời chủ động có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu.

2. Tiếp tục tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề án vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; quản lý biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị theo vị trí việc làm. Từng cơ quan, đơn vị rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.

- Thực hiện tuyển dụng, bố trí, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đúng quy định của pháp luật về cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm cơ cấu phù hợp về trẻ, nữ. Triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý.

- Triển khai thực hiện quy định về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực vào làm việc tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, công chức từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác trong các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với tiêu chuẩn chức danh, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với vị trí việc làm, định hướng bố trí trong thời gian tới.

- Kịp thời cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, ban hành các quy định, hướng dẫn về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cho phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế địa phương, đơn vị.

- Từng cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác; sắp xếp, kiện toàn theo hướng giảm đầu mối bên trong, giảm số lượng cấp phó, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quản lý chặt chẽ biên chế, số lượng cấp phó theo quy định, giảm tỷ lệ người phục vụ trong từng cơ quan, nhất là khối văn phòng.

- Đẩy mạnh hơn nữa việc phân công, phân cấp, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Hoàn thiện hệ thống danh mục, bảng mô tả vị trí việc làm, khung năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị làm cơ sở cho việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá cán bộ, tinh giản biên chế và trả lương theo vị trí việc làm. Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách và làm tốt công tác tư tưởng cho các đối tượng bị ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

- Có cơ chế lựa chọn, đánh giá, sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong hệ thống chính trị; thí điểm việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người có hạn chế về phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, đảm bảo số lượng khung cán bộ, công chức cấp xã theo quy định, phù hợp theo hướng xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, phù hợp với đặc thù của địa phương. Có cơ chế chính sách, thực hiện việc khoán chi phụ cấp phù hợp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố để khuyến khích, nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở. Trước mắt, có giải pháp để khắc phục tình trạng hoạt động cầm chừng ở các đoàn thể và thống nhất việc kiêm nhiệm các chức danh ở các đoàn thể. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, hội theo hướng tập trung cho cơ sở, khắc phục “bệnh thành tích”, “bệnh hình thức”.

- Quản lý chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo hoạt động kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao. Thực hiện tốt Kế hoạch số 04-KH/TU, ngày 17/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Thông báo số 158-TB/TW, ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới. Tập trung rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động các hội đặc thù theo quy định của Trung ương và phù hợp với địa phương; ban hành cơ chế thực hiện khoán kinh phí và định mức chi cho các hội  thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao cho từng cấp hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quy định.

3. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập

- Rà soát, đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Trong đó, phấn đấu đạt mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề ra đối với các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến 2025:

+ Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính).

+ Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

+ 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

+ Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

- Quản lý chặt chẽ việc giao biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên. Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập cơ bản, thiết yếu).

- Có cơ chế tự chủ, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp, nhất là các đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn. Có chính sách thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.

- Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ quản lý nhà nước.

- Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (cơ sở dạy nghề, bệnh viện, trường học,...) theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học. Đối với những đơn vị sự nghiệp công lập không có khả năng xã hội hóa, thì thực hiện sắp xếp lại đảm bảo tinh gọn, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý, tinh giản biên chế

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý biên chế, tinh giản biên chế. Kịp thời xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện nghiêm túc công tác quản lý biên chế, tinh giản biên chế theo Kế hoạch này.

- Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; củng cố, thành lập, nâng cao năng lực lãnh đạo, thể hiện rõ vai trò và chức năng lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp.

- Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Để tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị:

1. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh, ban thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, trước hết là người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng biên chế bảo đảm đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Kế hoạch này; trực tiếp quản lý biên chế được giao, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai phân bổ biên chế cho các đơn vị trực thuộc bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Đưa các tiêu chí thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vào nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị.

2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai với nhiệm vụ, giải pháp thích hợp để cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý biên chế, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước theo Kế hoạch này. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính. Đối với biên chế đơn vị sự nghiệp công lập, hàng năm báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về quản lý biên chế, tinh giản biên chế.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch triển khai quản lý biên chế giai đoạn 2024 - 2026 theo Kế hoạch này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt trong đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động.

4. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kế hoạch sử dụng biên chế từng năm; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này trong hệ thống chính trị của tỉnh; trực tiếp hướng dẫn, theo dõi công tác quản lý biên chế, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (thông qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) kết quả thực hiện. Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy căn cứ vào Kế hoạch này và kế hoạch sử dụng biên chế từng năm để giao và quản lý biên chế các cơ quan, đơn vị các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

TH-VPTU

Các tin khác

  • Phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, thông tin, tuyên truyền trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp (27/06/2024)
  • Long An: Triển khai các hoạt động hướng đến tổng kết 50 năm nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (26/06/2024)
  • Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, tái định cư (26/06/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chỉ thị: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới (18/06/2024)
  • Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2027 hoàn thành trước ngày 30/11/2024 (18/06/2024)
  • Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh (10/06/2024)
  • Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh (14/05/2024)
  • Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (13/05/2024)
  • Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng (10/05/2024)
  • Tăng cường thể dục, thể thao để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh (05/05/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối