Thông tin chỉ đạo cấp ủy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chỉ thị: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

18/06/2024 02:00:13PM
Màu chữ Cỡ chữ

Phấn đấu giảm tỷ lệ tai nạn lao động chết người xuống ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

Đó là chỉ tiêu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra tại Chỉ thị số 74-CT/TW ban hành ngày 13/6/2024 nhằm cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới”.

Tại Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu nhận định, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động thực hiện nghiêm túc, chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động; số vụ tai nạn lao động giảm qua từng năm; số lượng cơ sở, doanh nghiệp khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ngày càng tăng. Điều kiện làm việc và các biện pháp chăm lo sức khỏe cho người lao động được quan tâm, cải thiện đáng kể; qua đó, tạo dựng mối quan hệ gắn kết, hài hòa, ổn định giữa người lao động và doanh nghiệp… Tuy nhiên, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; tai nạn lao động, người mắc bệnh nghề nghiệp vẫn còn xảy ra. Một số cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động chưa coi trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động; ý thức chấp hành pháp luật của một số người lao động, người sử dụng lao động chưa nghiêm. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa thường xuyên, sâu rộng, hiệu quả chưa cao; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm chưa kiên quyết, kịp thời; việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến về an toàn, vệ sinh lao động chưa theo kịp thực tiễn…

Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới” gắn với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững của doanh nghiệp, địa phương. Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động. Tạo điều kiện cho người lao động, nhất là người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động được tiếp cận thông tin về những vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, quan tâm ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao. Nâng cao hiệu quả, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân hàng năm.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong thực tiễn, chú trọng chính sách phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan; chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khoẻ người lao động; biện pháp phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố tai nạn lao động; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động...

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực hiện nghiêm; thực hiện tốt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính theo hướng thiết thực, đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người lao động. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tiếp nhận và báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia với các nước.

Chú trọng công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án đầu tư khai thác, sản xuất công nghiệp, xây lắp, nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bệnh nghề nghiệp. Thực hiện nghiêm việc khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quan tâm an toàn, vệ sinh lao động đối với các nhóm lao động nữ, chưa thành niên, người khuyết tật, người cao tuổi, giúp việc gia đình, người học nghề, tập nghề, thử việc và lao động được cho thuê lại, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện tốt chính sách khám sức khoẻ định kỳ, giám định, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, điều trị, tiền lương, chi phí y tế, trợ cấp, bồi thường, bảo hiểm và các chính sách khác theo quy định cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Quản lý chặt chẽ các dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; khám sức khoẻ định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Nâng cao chất lượng các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động; bộ phận an toàn, vệ sinh lao động, bộ phận y tế, hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thanh tra lao động, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong chăm sóc sức khoẻ người lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Tăng cường nguồn lực nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động. Quan tâm lồng ghép nội dung an toàn, vệ sinh lao động trong nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế, môi trường.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng đóng, hưởng linh hoạt, nâng mức hưởng, mức hỗ trợ phù hợp cho người thụ hưởng bảo đảm ổn định cuộc sống, mở rộng và phát triển nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có sự hỗ trợ của nhà nước.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, nhất là các ngành lao động, y tế, môi trường với địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chú trọng khu vực không có quan hệ lao động. Kịp thời phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm vi phạm, nhất là tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động.

Trong tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn tổ chức quán triệt, xây dựng văn bản cụ thể hoá, triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW và Chỉ thị này phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đôn đốc việc triển khai thực hiện. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh rà soát cơ chế, chính sách và ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của pháp luật có liên quan theo thẩm quyền, đồng thời thường xuyên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời, yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị này gắn với việc triển khai tổ chức thực hiện tốt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo; đưa nhiệm vụ, giải pháp, các mục tiêu, chỉ tiêu về an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và nhân dân; đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với những vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, định hướng, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong Đảng bộ, đồng thuận trong nhân dân về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh.

An Bang

Các tin khác

  • Long An: Triển khai các hoạt động hướng đến tổng kết 50 năm nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (26/06/2024)
  • Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, tái định cư (26/06/2024)
  • Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2027 hoàn thành trước ngày 30/11/2024 (18/06/2024)
  • Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh (10/06/2024)
  • Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh (14/05/2024)
  • Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (13/05/2024)
  • Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng (10/05/2024)
  • Tăng cường thể dục, thể thao để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh (05/05/2024)
  • Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của hội nông dân trong phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh (05/05/2024)
  • Tỉnh ủy yêu cầu: Khẩn trương các giải pháp cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhất là các huyện vùng hạ (20/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối