Thông tin chỉ đạo cấp ủy

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

18/08/2023 05:55:21PM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 15/8/2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Kết luận số 740-KL/TU tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” diễn ra vào ngày 11/8/2023.

Tại Kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất nhận định, sau 10 năm triển khai thực hiện 29-NQ/TW, đặc biệt từ năm học 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng ngành giáo dục tỉnh nhà đã nỗ lực khắc phục những khó khăn và phấn đấu đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là phương pháp dạy và học đã bước đầu có sự đổi mới căn bản, toàn diện; đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy. Tinh thần tự học, tự rèn luyện của học sinh được nâng lên, nhiều thế hệ học sinh phấn đấu mang về cho tỉnh nhà những thành tích đầy tự hào thông qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật; cùng với đó là hàng ngàn tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Long An. Quy mô, mạng lưới trường lớp được quan tâm củng cố, đầu tư, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; công tác xã hội hóa và thu hút các nguồn lực phát triển hệ thống giáo dục tại các khu, cụm công nghiệp, xây dựng các trường phổ thông chất lượng cao đạt kết quả bước đầu, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế; trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý các vấn đề sau: Cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc chưa quan tâm đúng mức đến vị trí, vai trò “quốc sách hàng đầu” của giáo dục. Vẫn còn hiện tượng bệnh hình thức, thành tích. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, xuống cấp. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, giáo dục kỹ năng sống cũng như tinh thần tự học, tự rèn luyện của học sinh có lúc, có nơi còn bộc lộ rõ nét những yếu kém, hạn chế. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Công tác quản lý vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định như trong việc lựa chọn sách giáo khoa cho các cấp học; giá sách giáo khoa; tình trạng sách giả, kém chất lượng… Kiến thức cho học sinh vẫn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, tính ứng dụng; chưa đặt đúng tầm công tác giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên tuy được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên cũng đã được hội nghị đánh giá, phân tích một cách xác đáng, sâu kỹ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị hội nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, có những phân tích toàn diện, kỹ lưỡng, nhất là các nguyên nhân chủ quan, từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục khả thi, hiệu quả trong thời gian tới, trước mắt là năm học 2023 - 2024.

Nhằm tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp như báo cáo đã nêu, trong đó, nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm sau:

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” gắn với những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đồng thời, vận dụng đưa những quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về giáo dục và đào tạo vào các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương để thực hiện, xác định những công việc cần tập trung, để tạo sự chuyển biến đồng bộ trong thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện phải đồng bộ, quyết tâm, thực chất, chống bệnh hình thức, thành tích, không cầu toàn, cũng không nóng vội.

- Đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở giáo dục. Chú trọng cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong quản lý, dạy học để đảm bảo yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về thực trạng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Kịp thời xử lý, giải quyết các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện. Theo đó, chú trọng hơn nữa giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, pháp luật, ý thức công dân, lòng yêu nước, tự hào dân tộc; kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh gắn với triển khai hiệu quả mô hình “Trường học An toàn - Thân thiện - Bình đẳng”; phát huy năng khiếu, khả năng sáng tạo, tinh thần tự học, tự rèn luyện của học sinh. Đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên.

- Tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo; có chính sách thu hút và tạo chuyển biến cơ bản về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Phát huy vai trò, nghĩa vụ của thấy cô giáo trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, thầy cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là “Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo là động lực, là người truyền cảm hứng, là tấm gương về tinh thần học tập, đạo đức, lối sống cho học sinh”.

- Tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là xác lập quỹ đất, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Điều chỉnh và phát triển mạng lưới trường, lớp theo hướng đồng bộ và tập trung, đảm bảo yêu cầu về quy mô và chất lượng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo. Quan tâm hơn nữa công tác xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có uy tín thành lập, liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các trường, các cơ sở giáo dục ở các ngành học, cấp học.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh; tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh, giúp học sinh định hướng và có lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp; đồng thời giáo dục khởi nghiệp nhằm khơi gợi tinh thần sáng tạo, ý chí tự lập, vươn lên trong học sinh, sinh viên.

- Mở rộng quan hệ hợp tác, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố trong nước, các trường nước ngoài, các tổ chức quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Triển khai các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế; vận dụng có chọn lọc các mô hình giáo dục tiên tiến. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giao tiếp, giảng dạy bằng ngoại ngữ cho cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường phát triển theo định hướng chất lượng cao và hệ thống các trường trọng điểm trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết và Kết luận này; thường xuyên báo cáo kết quả và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh.

TH-VPTU

Các tin khác

  • Phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, thông tin, tuyên truyền trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp (27/06/2024)
  • Long An: Triển khai các hoạt động hướng đến tổng kết 50 năm nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (26/06/2024)
  • Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, tái định cư (26/06/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chỉ thị: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới (18/06/2024)
  • Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2027 hoàn thành trước ngày 30/11/2024 (18/06/2024)
  • Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh (10/06/2024)
  • Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh (14/05/2024)
  • Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (13/05/2024)
  • Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng (10/05/2024)
  • Tăng cường thể dục, thể thao để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh (05/05/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối