Thông tin chỉ đạo cấp ủy

Tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước

12/01/2023 07:20:6PM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 23/12/2022, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy kí ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Ngày 29/11/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua 11 năm thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nơi đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện phù hợp với tình hình, điều kiện ở địa phương, đơn vị và bám sát theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhìn chung, công tác xây dựng tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả bước đầu. Số tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng hàng năm. Nhiều tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội được tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần tích cực vào sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế: Số tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên được phát triển trong các doanh nghiệp tỉ lệ còn thấp. Vai trò một số tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới.

Nguyên nhân của hạn chế trên là do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự quyết liệt, thiếu sự quan tâm thường xuyên. Việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động thiếu chiều sâu, chưa phát huy hiệu quả; nhiều chủ doanh nghiệp chưa ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, chưa tạo điều kiện cho tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội cũng như đảng viên, đoàn viên, hội viên hoạt động, tham gia sinh hoạt. Công tác kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi thiếu sâu sát, chưa thường xuyên. Hoạt động của Ban Chỉ đạo một số nơi chưa phát huy đúng mức, hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành, địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Để tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Xác định công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện một cách nhất quán, xuyên suốt, kiên trì với quyết tâm cao; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp. Phương pháp thực hiện vừa phải đảm bảo các nguyên tắc, vừa phải linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo hài hoà giữa mục tiêu của nhiệm vụ chính trị với lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp.

2. Xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp, thực chất, khả thi khi tiếp xúc, vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp thấy được vai trò, vị trí, lợi ích của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội đối với sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp khi hội đủ điều kiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với các đợt đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện với chủ doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, tạo được niềm tin của doanh nghiệp đối với việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Tập trung lãnh đạo, củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại đầu mối trực thuộc của các tổ chức đảng hiện có trong doanh nghiệp theo phương án hợp lý. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; đảm bảo hoạt động phải thực chất, chủ động đề ra nội dung, phương thức hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh để tạo sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi của chủ doanh nghiệp.

4. Xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá đúng thực trạng tình hình đảng viên, đoàn viên, thanh niên và đoàn viên công đoàn đang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước để có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, phù hợp. Quan tâm tạo nguồn kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên đối với những quần chúng ưu tú ở các doanh nghiệp. Chú trọng công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên ở những doanh nghiệp chưa có hoặc có ít đảng viên, đoàn viên, hội viên; ưu tiên kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên trong số cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp để làm lực lượng nòng cốt.

5. Thường xuyên, kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Chỉ thị 22 cấp huyện; phân công rõ, cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, đảm bảo về năng lực, trình độ, có bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong lao động sản xuất, sinh hoạt, có uy tín với chủ doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn các mô hình tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp thuộc các địa phương được chọn làm điểm.

6. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng về nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ, việc đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng và đánh giá chất lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở hàng năm. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến trách nhiệm, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; việc thành lập và hoạt động của tổ chức tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

7. Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Hướng dẫn đổi mới nội dung sinh hoạt đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo hướng linh hoạt, đi vào trọng tâm, trọng điểm, nội dung, hình thức phù hợp với đặc thù từng loại hình doanh nghiệp.

8. Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và các cơ quan liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

TH-VPTU

 

 

 

Các tin khác

  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh (05/11/2024)
  • Kế thừa, bảo tồn và phát huy các bài thuốc quý của y học cổ truyền Việt Nam, góp phần tăng cường chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh (05/11/2024)
  • Công tác chuẩn bị phục vụ đại hội đảng bộ các cấp được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc tại Cần Đước, Tân Trụ, Tân Hưng, Đức Huệ (28/10/2024)
  • Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm phải đảm bảo trung thực, công tâm, khách quan, thực chất (23/10/2024)
  • Quyết liệt, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm 2024 để phấn đấu “về đích sớm” thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (17/10/2024)
  • Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh (16/10/2024)
  • Tăng cường công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh (16/10/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (16/10/2024)
  • Long An tuyển dụng 30 công chức, viên chức trong năm 2024 (07/10/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh (29/09/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối