Thông tin chỉ đạo cấp ủy

Long An: Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030

05/11/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 04/11/2021, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Nguyễn Thanh Hải thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy kí ban hành Chương trình số 12-CTr/TU về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”.

Trong 15 năm qua, việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX), các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai nghiêm túc, rộng khắp với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao, nhất là việc triển khai các chương trình chăm sóc, điều trị ARV (thuốc kháng vi rút) cho bệnh nhân AIDS, điều trị Methadone cho bệnh nhân nghiện ma túy, xét nghiệm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, dự phòng lây nhiễm HIV đối với những người có hành vi nguy cơ cao; điều trị PrEP dự phòng lây nhiễm HIV cho người nguy cơ cao,... Qua đó, làm giảm tử vong đối với người nhiễm HIV, giảm lây nhiễm HIV đối với cho người có hành vi nguy cơ cao và trong cộng đồng; sự phân biệt, kỳ thị, xa lánh đối với người nhiễm HIV/AIDS cũng giảm rõ rệt. Những thành quả này góp phần tích cực thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong triển khai, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhiều hoạt động mang tính phong trào hiệu quả chưa cao. Bệnh nhân nghiện ma túy điều trị Methadone số lượng ngày càng giảm; hệ thống cán bộ phụ trách phòng chống HIV/AIDS, nhất là tuyến cơ sở chưa thật sự ổn định. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động tại một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn diễn ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và gia đình họ. Kinh phí các dự án và kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ngày càng cắt giảm nhưng nguồn ngân sách địa phương chưa kịp đáp ứng; kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa không đáng kể và ngày càng khó khăn.

Chương trình xác định 04 quan điểm:

- HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối đe dọa đối với sức khỏe, tính mạnh của con người và tương lai nòi giống dân tộc. HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa và an toàn xã hội của quốc gia, của tỉnh. Do đó, phòng, chống HV/AIDS phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài; cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp liên ngành và đẩy mạnh huy động toàn xã hội tham gia.

- Quán triệt sâu sắc, đầy đủ, tổ chức thực hiện có quả Chỉ thị 07-CT/TW; nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/7/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

- Chống kì thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tăng cường trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS và của người nhiễm HIV/AIDS đối với gia đình, xã hội.

- Đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách địa phương trong tình hình ngân sách Trung ương và nguồn viện trợ đang giảm mạnh.

Đồng thời, Chương trình cũng đề ra mục tiêu chung là “Tập trung toàn lực giải quyết đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS. Giảm thấp nhất tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư; giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng trước năm 2030”. Từ đó, xác định mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030:

+ 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân.

+ 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV.

+ 95% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế; loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trước năm 2030.

Chương trình đề ra 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS

- Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS đến tận cơ sở.

- Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; là một tiêu chí để đánh giá hoạt động của một tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên trong xây dựng khu phố/ấp văn hóa, gia đình văn hóa.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt đối với công tác phát hiện và điều trị sớm thuốc kháng vi rút ARV đối với người nhiễm HIV để nâng cao sức khỏe cho người bệnh và hạn chế nguồn lây lan cho cộng đồng.

- Rà soát, bổ sung chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm.

Hai là, đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên, nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và triển khai hình thức truyền thông phù hợp đối với nhóm này.

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông chống phân biệt đối xử và kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp và sáng kiến triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả nổi bật.

- Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với tuyên truyền bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Đồng thời, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

- Đẩy mạnh công tác truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho học sinh, sinh viên trong trường học và người lao động trong các công ty và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ba là, nâng cao hiệu quả các chương trình dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS

- Mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ các cơ sở xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tạo thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận dịch vụ sớm, đảm bảo cho người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và đạt được kết quả K=K (Không phát hiện=Không lây truyền) để không còn là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

- Đa dạng hóa các mô hình dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng và tự xét nghiệm HIV phù hợp với các nhóm đối tượng. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai đạt kết quả tốt chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Huy động những người tự nguyện, mạng lưới cộng tác viên tham gia công tác tiếp cận, tuyên truyền và vận động những người nguy cơ lây nhiễm HIV cao tiếp cận dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV sớm.

- Tăng cường các giải pháp can thiệp giảm tác hại và phòng ngừa lây nhiễm HIV, chú trọng nhóm đối tượng nguy cơ cao. Tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng các mô hình điều trị người nghiện ma túy; cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở; triển khai điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao.

- Chủ động theo dõi, giám sát và dự báo kịp thời tình hình dịch HIV/AIDS; triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, trường học, khu, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam.

Bốn là, thực hiện tốt chính sách, pháp luật và đảm bảo ngân sách về phòng, chống HIV/AIDS

- Tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Quan tâm, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

- Đảm bảo ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế; đảm bảo cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Tiếp tục triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

- Mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, đảm bảo 100% người nhiễm và đang điều trị HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị thuốc kháng vi rút ARV đầy đủ và liên tục.

Năm là, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp

Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm ở các cấp. Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến. Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS các cấp.

Về tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ngành tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình này. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nội dung đề ra theo Chương trình này; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS ngày 16/11/2020 và Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; quan tâm đầu tư nguồn lực để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chỉ thị số 07-CT/TW và Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xây dựng các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phát huy vai trò giám sát, phản biện trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cho hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép nội dung công tác phòng, chống HIV/AIDS gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình này; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện, kịp thời tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Tổng hợp - VPTU

Các tin khác

  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị việc tổ chức Đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 (19/09/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị tập trung đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (16/09/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh (16/09/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (16/09/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị (13/09/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới (12/09/2024)
  • Quy chế công tác dân vận được Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nghiêm túc, hiệu quả (30/08/2024)
  • Biên chế năm 2025 của tỉnh sẽ giảm hơn 1.000 biên chế so với năm 2022 (22/08/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị: Nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025 (21/08/2024)
  • Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và đẩy mạnh việc đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế (19/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối