Tin trong nước

Giải quyết “điểm nghẽn” về giao thông, đẩy mạnh liên kết vùng để đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh”

11/07/2023 03:05:8PM
Màu chữ Cỡ chữ

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của Chính phủ phê duyệt để đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh” phát triển bền vững cùng cả nước, với vai trò là địa phương “đầu tàu” của vùng, tỉnh Long An đề xuất phải giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh liên kết vùng trong thời gian tới.

Phân tích về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Long An – Nguyễn Văn Được phát biểu: “Trước tiên cần thống nhất quan điểm rằng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng lòng của Chính phủ, các Bộ ngành và tất cả địa phương trong khu vực. Để thực hiện mục tiêu trên thì bài toán cấp thiết đặt ra là phải làm thế nào để giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết nội vùng và liên kết liên vùng. Những khó khăn, thách thức mà vùng đang phải đối mặt là những vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua ranh giới hành chính của một tỉnh, thành phố và liên quan cả cấp khu vực là tiểu vùng sông Mekong”.

Long An với vai trò là địa phương “đầu tàu” đang vươn lên mạnh mẽ, năng động hơn

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy đề xuất, trước mắt, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng Điều phối để đảm bảo liên kết vùng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các tỉnh, thành phố trong vùng. Qua đó có thể thấy rằng, liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng; thông qua liên kết vùng, mối liên quan “lợi ích” giữa các địa phương trong vùng được giải quyết hài hòa hơn, lợi thế so sánh của từng địa phương cũng được khai thác hiệu quả hơn; các địa phương trong vùng cùng bàn bạc và có những đề xuất chính sách, dự án chung đối với vùng và liên vùng.

Giao thông không thuận lợi làm tăng gánh nặng chi phí logistics cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, phải giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài. Có thể thấy hạ tầng giao thông luôn là bài toán khó và là “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển của vùng đất “chín rồng” giàu tiềm năng này. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải thì vùng đồng bằng sông Hồng được đầu tư 21,31 km đường cao tốc trên 1 triệu dân, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đạt 9,55 km/1 triệu dân, vùng Đông Nam Bộ đạt 2,84 km/1 triệu dân và vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 2,31 km/1 triệu dân. Giao thông không thuận lợi làm tăng gánh nặng chi phí logistics cho doanh nghiệp; theo số liệu thống kê thì chi phí logistics ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cao một cách bất hợp lý, chiếm 30% giá thành sản phẩm (so với Thái Lan 12% và thế giới 14%), điều này đã làm giảm đi tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông không đồng bộ là một trở ngại, khó lòng thu hút được đầu tư, đặc biệt là thu hút sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn trong khi các nguồn lực còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách. Do đó, Long An kiến nghị Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách mới về nguồn vốn (vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA…), quy hoạch, phương thức đầu tư đối tác công tư… nhằm ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trong chiến lược phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thúc đẩy liên kết vùng để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Trong thời gian tới, Long An sẽ tập trung phối hợp với Trung ương và các địa phương đầu tư xây dựng và hoàn thiện 6 trục giao thông động lực, gồm: Vành đai 3 - Vành đai 4 (kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ - Thành phố Hồ Chí Minh; sân bay Quốc tế Long Thành - cảng Long An); quốc lộ 50B (kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang); trục song hành quốc lộ 62 (kết nối thành phố Tân An - khu kinh tế cửa khẩu Long An - vùng Đồng Tháp Mười); Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh (kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây - vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và Thành phố Hồ Chí Minh); quốc lộ N1 (kết nối Long An với đồng bằng sông Cửu Long - Đông Nam Bộ - Tây Nguyên); trục Đức Hoà (kết nối cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hoà, Bến Lức với Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu và bước đầu triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và kết nối vạn vật (IoT - Internet of Things) để điều khiển mạng lưới giao thông đa phương thức, phát triển phương tiện công cộng theo nhu cầu của người dân.

Hạ Thi

Các tin khác

  • Toàn văn thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 (06/09/2024)
  • Phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (21/08/2024)
  • Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 (19/08/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An vinh dự nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác dư luận xã hội (31/07/2024)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người cộng sản chân chính “Thép đã tôi thế đấy !” (20/07/2024)
  • Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm (10/07/2024)
  • Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (09/07/2024)
  • Hội nghị toàn quốc giao ban về hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh (08/07/2024)
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị với các địa phương (06/07/2024)
  • Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân (10/05/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối