BIÊN GIỚI - BIỂN, ĐẢO

Nam Yết – “đảo dừa” xanh ngát giữa Trường Sa

02/09/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa, nằm giữa khu vực có nhiều đảo của nước ta đang bị nước ngoài chiếm đóng. Nam Yết thuộc vĩ độ 10010’45’’ bắc, kinh độ 114022’00’’ đông, cách đảo Trường Sa Lớn 174 hải lý về phía Đông Bắc, cách đảo Song Tử Tây 76 hải lý về phía Nam, cách Cam Ranh 326 hải lý về phía Đông Nam. Diện tích tự nhiên của đảo 97.000m2, đứng thứ 4 trong các đảo do Việt Nam trực tiếp quản lý trên quần đảo Trường Sa. Về mặt hành chính, đảo Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Nghi thức treo cờ đầu tuần ở đảo Nam Yết

Trước đây, đảo Nam Yết là trung tâm chỉ huy của lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, bao gồm các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa…Theo “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam”, sau khi đặc công hải quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây (14/4/1975) và Sơn Ca (25/4/1975), tối ngày 26/4/1975 các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa ở các đảo còn lại tại quần đảo Trường Sa được lệnh rút. Ngày 27/4/1975, Hải quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc đã tung bay trên mốc chủ quyền trong nắng gió Trường Sa.

Chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết

Kể từ đó đến nay, lớp lớp CBCS của đảo luôn phát huy truyền thống Lữ đoàn Trường Sa anh hùng, sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, các công trình quốc phòng và dân sinh trên đảo được xây dựng khá vững chắc. Xung quanh đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng kiên cố, có bến cập xuồng. Trên đảo đã có nhà 2 tầng và nhiều nhà kiên cố khác, bảo đảm nơi ăn, ở, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ. Đảo có trạm thu phát tín hiệu truyền hình từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và nhiều phương tiện phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội.

Nghĩa trang Liệt sĩ trên đảo Nam Yết

Ngoài ra, đảo cũng đã xây dựng các âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu thuyền công suất 400CV, tổ chức các điểm dịch vụ thu mua hải sản, cung cấp nước ngọt và nước đá, bán dầu diezen, lương thực và thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân đánh bắt xa bờ… Trên đảo cũng tổ chức nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng rau, cây ăn quả…

Đảo đã vinh dự được Bác Tôn tặng lẵng hoa năm 1975 và 1979. Năm 1985, đảo vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, năm 2003 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 22/12/2004, Nam Yết được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  Năm 2016, đảo Nam Yết được phong tặng tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”.

Phòng truyền thống của đảo Nam Yết

Theo hồ sơ Khu bảo tồn biển Nam Yết, khu vực Nam Yết có hệ sinh thái rạn san hô đặc trưng cho vùng biển quần đảo Trường Sa: cấu trúc kiểu rạn vòng atol, rạn viền bờ điển hình của các đảo nhỏ biển khơi. Rạn san hô ở vùng này có độ phủ khá cao và tương đối đồng đều. Các bãi cát ven biển chạy dài hàng km có sự biến động theo mùa rõ rệt. Đây là khu vực rùa biển thường xuyên lên bãi để đẻ trứng vào mùa sinh sản. Nam Yết cũng là một trong số ít đảo có nước ngọt và thảm thực vật xanh bao phủ trên đảo, là nơi tập trung của đàn chim biển tới làm tổ đẻ trứng.

Vùng biển Nam Yết có 246 loài san hô, có 492 loài thực vật và động vật phù du, 86 loài rong, 2 loài cỏ biển, 225 loài động vật đáy, 414 loài cá san hô, 2 loài rùa biển. Có các loài sinh vật biển quý hiếm như bào ngư, tôm hùm, trai tai tượng, hải sâm, ốc anh vũ, nhum đá, vích, đồi mồi... Sinh vật trên cạn có 19 loài thực vật như dừa, mù u, bàng quả vuông, phong ba…, 10 loài chim biển, trong đó đó có những loài không thể tìm thấy ở đâu khác tại Việt Nam, như Hải âu mặt trắng, Chim Điên bụng trắng, Chim Điên chân đỏ, Nhàn Mào, Nhàn trắng.

Dừa trên đảo Nam Yết

Ở đảo Nam Yết, cây xanh chiếm tới gần 2/3 diện tích. Trong đó, ngoài các cây phong ba, bàng vuông, tra thì dừa là loại cây được trồng nhiều nhất, cũng bởi vậy mà người ta còn đặt cho đảo cái tên thân thưởng “đảo dừa”. Gần như trong khuôn viên, dọc các đường đi, lối lại trên đảo đều được trồng dừa. Cây dừa xuất hiện ở đây từ lâu, nên thân to, sần sùi, ngọn cao chót vót, quả sai và nhiều nước .

Đối với những đoàn công tác ra Trường Sa, có dịp ghé đảo hoặc đi ngang qua đảo đều cảm nhận như sắp về đến đất liền. Bởi sự xanh mát, tràn đầy sức sống của đảo trong nắng gió Trường Sa, nhất là những cây dừa ở đảo lặng lẽ vươn cao, thách thức thiên nhiên khắc nghiệt của biển cả và song hành cùng những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương./. 

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Thổ Châu - hòn đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc (22/06/2024)
  • Nam Du – Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc (22/06/2024)
  • Hòn Đốc hoang sơ giữa biển trời Tây Nam (21/06/2024)
  • Phú Quốc “đảo ngọc” giữa vùng biển Tây Nam (21/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An kết thúc tốt đẹp chuyến thăm quân, dân các đảo phía Tây Nam (20/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Thổ Châu, Thành phú Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (20/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang (19/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Hòn Đốc, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (18/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm và tặng quà Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân (18/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An dâng hương tại Tượng đài Nắm Đấm, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (17/06/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối