Thông tin đối ngoại

Vai trò của tỉnh Long An trong phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

11/07/2023 03:15:20PM
Màu chữ Cỡ chữ

Nằm ở vị trí giao thoa giữa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, với một vị trí chiến lược là một trong những tỉnh đặc biệt tham gia vào cả ba vùng kinh tế: Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Định hướng quy hoạch xây dựng Vùng biên giới Việt Nam – Campuchia cùng với nhiều lợi thế so sánh khác, Long An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và các loại hình dịch vụ logistic thông qua Cảng quốc tế Long An, một trong những cảng biển lớn nhất miền Nam. Với những tiềm năng sẵn có cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An, thời gian tới, Long An sẽ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục phát triển năng động, trở thành một trong những tỉnh đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng Thành phố Hồ Chí Minh) gồm 8 tỉnh, thành phố là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Đây được đánh giá là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam “…Vùng TP HCM là vùng kinh tế phát triển nhất Việt Nam, dân số đông và dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP, cũng như nhiều yếu tố xã hội khác: chiếm gần 60% thu ngân sách, trên 30% kim ngạch xuất khẩu” . Quy hoạch tổng thể Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2014 và đây chính là cơ sở cho việc lập điều chỉnh, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội của các địa phương trong Vùng.

Tỉnh Long An luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động

Như nhận xét của Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức ngày 06 tháng 5 năm 2019 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò là đầu tàu trong phát triển bền vững kinh tế đất nước” và trong đó phải nói đến vai trò của tỉnh Long An. Theo các cơ quan chức năng: “Mặc dù diện tích chỉ chiếm 9,2% và dân số chỉ chiếm khoảng 21% của cả nước nhưng GRDP của Vùng chiếm hơn 35% của cả nước, đóng góp từ 42%-46% tổng thu ngân sách. Tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước (cả nước đạt 6,12%/năm trong khi toàn vùng là 7,02%/năm và TP. Hồ Chí Minh là 6,81%/năm)”.[1] Chỉ tính riêng năm 2022, tăng trưởng GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 8.6%, cao gấp 1,1 lần tăng trưởng GDP chung cả nước trong năm 2022. Trong 8 tỉnh, thành thuộc vùng KTTĐ phía Nam, Long An là tỉnh có tăng trưởng GRDP cao thứ hai, đạt 8,46%, quy mô kinh tế đứng thứ 12 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tổng thu ngân sách đạt 22.000 tỷ đồng.

Long An nằm trong Top 15 tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước năm 2022

Mặc dù không phải là tỉnh đóng vai trò quan trọng nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng với những tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình, Long An đóng vai trò không thế thiếu trong sự phát triển bền vững của Vùng. Để phân tích được đầy đủ vai trò của tỉnh Long An trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không thể không nhắc đến việc tỉnh Long An là một trong những tỉnh đặc biệt nhất trên cả nước khi tham gia và đóng vai trò quan trọng trong 3 vùng kinh tế – xã hội khác nhau. Ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An còn tham gia trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Định hướng quy hoạch xây dựng Vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Chính việc tham gia vào cả 3 vùng kinh tế – xã hội này đã cho chúng ta nhận thấy rõ vị trí, vai trò của tỉnh Long An trên bản đồ phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Có thể nhận thấy rằng, Long An là tỉnh có đường ranh giới hành chính trên bộ dài nhất, giáp với Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai với các trục đường như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ N2 Đường tỉnh 823, Đường tỉnh 824 và Đường tỉnh 825. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ N2 kể từ khi được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần chia sẻ áp lực lưu lượng phương tiện giao thông từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây trên tuyến Quốc lộ 1, nhất là lượng xe về các tỉnh Đồng Tháp và An Giang.

Trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là trung tâm hạt nhân, là động lực phát triển không những đối với các tỉnh, thành phố trong Vùng mà còn có sức lan tỏa rất lớn đối với các vùng kế cận. Không thể phủ nhận vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đối với sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, tỉnh Long An lại có những lợi thế so sánh mà các địa phương khác không có được. Theo phân tích, đánh giá một cách khoa học thì vị trí, vai trò của tỉnh Long An trong Vùng cũng rất quan trọng vì với diện tích tự nhiên là 4.494,94 km2 (lớn hơn gấp đôi so với TP HCM), dân số khoảng 1.706.452 người cùng với một số điều kiện khá thuận lợi khác về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là vị trí cửa ngõ của Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và có đường biên giới với Campuchia dài 132,977 km. Có thể nhận thấy rằng, tỉnh Long An hiện có nhiều tiềm năng về mọi mặt từ nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và vị trí địa lý…Các tiềm năng, lợi thế này nếu được khai thác và phát huy một cách hợp lý thì trong tương lai tỉnh Long An sẽ có những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của Vùng nói riêng và của cả nước nói chung.

Trước thực trạng quỹ đất của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm thì Long An hiện có quỹ đất tương đối lớn, sẽ phù hợp phát triển những đô thị vệ tinh phục vụ chiến lược giãn dân ra ngoại ô của Thành phố Hồ Chí Minh. Do sự thuận tiện trong kết nối giữa Long An và Thành phố Hồ Chí Minh-Trung tâm kinh tế-tài chính của Vùng thông qua hệ thống đường bộ sẵn có. Đặc biệt Trục động lực Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang nối liền từ Ngã ba Trung Lương-tỉnh Tiền Giang đến Quốc lộ 50 của tỉnh Long An và dự án đường vành đai 3 sau khi hoàn tất sẽ tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa Tiền Giang, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, vực dậy các huyện vùng hạ của tỉnh Long An như Châu Thành, Tân Trụ. Bên cạnh đó, quỹ đất của các huyện giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước sẽ góp phần giải quyết bài toán về sự thiếu hụt nhà ở cho lực lượng lao động có tay nghề cao nhập cư vào Thành phố Hồ Chí Minh; từ đó có thể đồng thời giải quyết bài toán thu hút nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao đóng góp cho sự phát triển bền vững của Vùng bởi vì nguồn nhân lực này là “tài nguyên vô giá” cho sự phát triển. Có thể nhận thấy rằng, giao thông được kết nối thuận lợi từ các địa phương này về Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi giá đất lại rẻ hơn rất nhiều so với giá đất của Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy việc lựa chọn các địa phương này làm nơi “an cư” đối với những người đang công tác, học tập ở Thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn hợp lý.

Cùng với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên đất đai, Long An cũng có thể đảm nhận vai trò “hậu phương” cung cấp lương thực và hàng hóa nông sản cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Với một vùng lúa chất lượng cao được ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại ở khu vực các huyện vùng Đồng Tháp Mười và vùng rau màu đạt tiêu chuẩn VietGap ở các huyện Vùng Hạ Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ sẽ là nguồn cung dồi dào cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận với nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh như: gạo Nàng Thơm Chợ Đào, gạo Huyết Rồng, thanh long, mía, chanh, khoai mỡ… Theo số liệu thống kê năm 2019, Long An đang có một cơ cấu dân số vàng sẽ là nơi cung cấp nguồn lao động dồi dào cho mục tiêu phát triển công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và tỉnh nhà Long An.

Về khai thác dịch vụ logistic: Cảng Long An được đầu tư xây dựng với diện tích 147 ha, trong đó gồm có tổng cộng 7 cầu cảng với khả năng tiếp nhận tàu 30.000 – 50.000 DWT với tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m và 4 bến sà lan tiếp nhận sà lan 2.000 tấn với tổng mức đầu tư hơn 500 triệu USD nằm trong cụm dự án Cảng quốc tế Long An có quy hoạch 1.935 hecta. Trong đó, khu công nghiệp 396 hecta; khu Dịch vụ - Công nghiệp 239 hecta, khu Đô thị 1.145 hecta và Cảng biển 147 hecta. Tất cả hạng mục kết hợp thành khu liên hợp dịch vụ cảng biển, hướng đến hình thành quần thể thành phố cảng biển trong tương lai. Với mục tiêu trở thành một cảng biển quốc tế được công nhận tại châu Á, khu cảng được đầu tư hạ tầng kỹ thuật bài bản với 1 triệu m2 kho bãi, đầy đủ tiện ích nội khu, công trình phụ trợ và phương tiện vận tải, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa phục vụ xây dựng khai thác Trung tâm Thương mại và khu Đô thị Cần Giuộc-Long An, xuất nhập khẩu hàng hóa cho tỉnh Long An và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, giảm chi phí logistics cho việc xuất khẩu hàng hóa từ các tỉnh miền Tây và giảm quá tải cho Cảng Sài Gòn và các cảng lân cận, đảm nhiệm bốc xếp hàng hóa cho nhóm Cảng biển số 5 với công suất theo dự báo là 15 triệu tấn/năm, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh Long An nói riêng và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Cụm dự án Cảng Quốc tế Long An hướng đến hình thành quần thể thành phố cảng biển trong tương lai

Về thu hút và phát triển du lịch: nằm ở khu vực giao thoa giữa Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, Long An được xem là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch phong phú, đặc biệt là du lịch sinh thái Vùng Đồng Tháp Mười. Nhận thức được tiềm năng du lịch tỉnh nhà, những năm gần đây, tỉnh Long An đã triển khi thực hiện Đề án chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh đã mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa đầu tư khai thác và phát triển du lịch ở các khu du lịch sinh thái sẵn có như: khu Làng nổi Tân Lập, khu Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và ở cả các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Nhờ phát huy lợi thế và khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái đặc trưng, Trong năm 2022, Long An đón khoảng 650.000 lượt khách, tăng 88% so cùng kỳ, tăng 54% so với kế hoạch. Trong đó, có 8.500 lượt khách quốc tế, tăng 4 lần so với kế hoạch. Doanh thu 325 tỉ đồng, tăng 77% so cùng kỳ, tăng 44% so với kế hoạch.

Với những lợi thế so sánh và tiềm năng sẵn có, nếu được vận dụng, khai thác và phát huy một cách hiệu quả tỉnh Long An sẽ “cất cánh” trở thành một trong những đầu tàu của Vùng và đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung              

                                                                                                                                                      Nguyễn Hoài Thân

                                                                                                                                           Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An

 

[1] Tạp chí Tài chính (2022), Mô hình nào cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam? https://tapchitaichinh.vn/mo-hinh-nao-cho-hoi-dong-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam.html

Các tin khác

  • Bí thư Tỉnh ủy tiếp Tổng Lãnh sự Cộng hòa Belarus tại Thành phố Hồ Chí Minh đến chào xã giao (22/08/2024)
  • Tổng Lãnh sự Cộng hòa Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh chào xã giao lãnh đạo tỉnh Long An (16/07/2024)
  • Lãnh đạo tỉnh Long An tiếp nguyên lãnh đạo Tập đoàn Ching Luh đến chào xã giao (25/06/2024)
  • Đoàn công tác tỉnh Long An thăm và làm việc với tập đoàn Posco, Hàn Quốc (18/06/2024)
  • Đoàn công tác tỉnh Long An thăm và làm việc với công ty Pentagate, Hàn Quốc (17/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, làm việc với Quận trưởng quận Namdong, thành phố Incheon, Hàn Quốc (17/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An tham quan và học tập kinh nghiệm về xây dựng và quản lý đô thị thông minh tại Trung tâm điều khiển tích hợp Khu Kinh tế tự do Incheon (IFEZ) Hàn Quốc (17/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, làm việc, học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tại Hàn Quốc (17/06/2024)
  • Đoàn công tác thành phố Okayama, Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Cảng quốc tế Long An (27/04/2024)
  • Tọa đàm trao đổi hợp tác giữa tỉnh Long An và thành phố Okayama (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối