Thông tin chỉ đạo cấp ủy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị tập trung đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

16/09/2024 10:32:11AM
Màu chữ Cỡ chữ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Nguyễn Thanh Hải thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy kí ban hành Chương trình số 58-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về “Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Tại Chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất quán quan điểm: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và đảm bảo cuộc sống cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; nông dân tiếp tục là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Chương trình xác định mục tiêu chung là tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao kỹ năng nghề đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, ngành nghề phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Theo đó, mục tiêu cụ thể đề ra là phấn đấu hàng năm thu hút khoảng 4.000 lao động nông thôn tham gia học các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% vào năm 2025 và đạt 40% vào năm 2030.

Để lãnh đạo thắng lợi mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 05 nhóm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để lãnh đạo triển khai thực hiện:

(1) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo; nghiên cứu, đổi mới nội dung chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và người học. Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có trình độ học vấn, năng lực đổi mới sáng tạo và tổ chức sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp. Tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá khu vực nông thôn, tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với quá trình đô thị hóa, già hóa dân số và biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

(2) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn. Tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn.

Hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa Nhà nước với cơ sở giáo dục  nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động; triển khai thực hiện chính sách trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Nghiên cứu, triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích hoạt động vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hóa phổ thông để nâng cao kiến thức văn hoá và nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động.

Triển khai, rà soát, lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khoẻ có nhu cầu tham gia thị trường lao động. Huy động sự tham gia, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Khai giảng Lớp huấn luyện nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp FFS-IPM trên cây lúa tại xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa

(3) Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn. Tích cực quảng bá, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tốt sau học nghề.

Các cơ quan truyền thông các cấp đổi mới nội dung, hình thức, cơ chế phối hợp tuyên truyền để có sự thống nhất và đạt hiệu quả trong hoạt động. Có những chuyên đề, phóng sự, tổ chức lớp tập huấn để tuyên truyền về tính thiết thực, hiệu quả của công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm mới, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người lao động. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, bám sát thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Thông qua đó, góp phần thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề.

(4) Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanhghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quan tâm hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có chất lượng; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nghệ nhân, doanh nhân, người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

(5) Chủ động hội nhập, đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, địa phương. Triển khai, rà soát, lồng ghép thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn theo đúng quy định. Triển khai các chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến đổi khí hậu và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình này; xây dựng văn bản cụ thể hóa thực hiện phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xác định cụ thể những nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình này, ban hành văn bản cụ thể hóa thực hiện, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đồng bộ với hoạt động đào tạo nghề trong các chương trình mục tiêu quốc gia có hoạt động đào tạo nghề.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động, phổ biến, tuyên truyền, tư vấn học nghề, tham gia đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, hội viên; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chủ động giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình nhằm đạt kết quả cao nhất. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Chương trình này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, kịp thời tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

Các tin khác

  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh (05/11/2024)
  • Kế thừa, bảo tồn và phát huy các bài thuốc quý của y học cổ truyền Việt Nam, góp phần tăng cường chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh (05/11/2024)
  • Công tác chuẩn bị phục vụ đại hội đảng bộ các cấp được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc tại Cần Đước, Tân Trụ, Tân Hưng, Đức Huệ (28/10/2024)
  • Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm phải đảm bảo trung thực, công tâm, khách quan, thực chất (23/10/2024)
  • Quyết liệt, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm 2024 để phấn đấu “về đích sớm” thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (17/10/2024)
  • Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh (16/10/2024)
  • Tăng cường công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh (16/10/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (16/10/2024)
  • Long An tuyển dụng 30 công chức, viên chức trong năm 2024 (07/10/2024)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh (29/09/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối