Tin trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị với các địa phương

06/07/2024 12:47:33PM
Màu chữ Cỡ chữ

Sáng ngày 06/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024; tình hình giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trợ lý Tổng Bí thư; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; đại diện một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến đến Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu Long An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh – Nguyễn Văn Được; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Nguyễn Văn Út; các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phiên họp có ý nghĩa quan trọng để tiến hành sơ kết tháng 6 và 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm, nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 - năm cuối cùng của nhiệm kỳ, tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, qua nửa đầu năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường dù kinh tế toàn cầu có tín hiệu khả quan hơn, lạm phát có xu hướng đi ngang và giảm; triển vọng tăng trưởng có tín hiệu bước đầu, nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, rủi ro. Trong đó, có các điểm đáng lưu ý: cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt hơn; xung đột tiếp tục diễn ra, chưa biết khi nào kết thúc; tỷ giá USD, giá vàng tăng cao, giá dầu thô, hàng hoá cơ bản biến động mạnh; biến đổi khí hậu, già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên ngày càng tác động nặng nề đến các nước, các nền kinh tế; đặc biệt hiện tượng nắng nóng, hạn hán, El Nino xảy ra khắp thế giới. Tình hình kinh tế trong nước chịu tác động kép từ yếu tố bên ngoài bất lợi cũng như bên trong vì chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi, nước ta vẫn là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế có hạn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế… gây ra cho chúng ta những khó khăn, thách thức nhất định.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Trung ương, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực, nỗ lực vươn lên của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội thể hiện rõ sự phục hồi tích cực: tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn so cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, theo đó: tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao ở khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt; đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín ,vị thế đất nước ta tiếp tục được nâng lên.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Long An

Ngoài ra, những năm vừa qua, tình hình vẫn có khó khăn, phức tạp, nhưng chúng ta vẫn thực hiện tăng thu tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công hợp lý có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhờ đó dành nguồn lực khoảng 700 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ 1/7/2024, thực hiện lộ trình theo Nghị quyết 27-NQ/TW với bước đi phù hợp tình hình, khả năng chi trả, đặc biệt là nỗ lực tạo bình đẳng, công bằng giữa các đối tượng được hưởng thụ. Đó là những điểm tích cực mà chúng ta cần đánh giá, phân tích, từ đó tạo khí thế, niềm tin cho nhân dân, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, bên cạnh những thành tích đạt được, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; tình hình trật tự an toàn xã hội, cháy, nổ, tai nạn giao thông ở một số địa bàn còn phức tạp; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… mà chưa khắc phục được.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu phân tích sâu thêm những mặt được, chưa được, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm công tác điều hành, quản lý thời gian qua, làm nền tảng cho thời gian tới để giữ đà tăng trưởng, khí thế để tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập, thu được kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời, yêu cầu các đại biểu tập trung, phát biểu ý kiến làm rõ những vấn đề trên, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để chỉ đạo, điều hành trong tháng 7 và những tháng còn lại của năm 2024 bảo đảm hiệu quả, tạo tiền đề thắng lợi quan trọng cho năm 2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng đề nghị nêu những vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý, quản lý điều hành, trên cơ sở đó, các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động thực hiện hiệu quả, phù hợp tình hình. Các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao với tinh thần xác định “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, từ đó có cơ sở đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, phê bình phù hợp.

Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, kinh tế nước ta 6 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao; tăng trưởng kinh tế đạt cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tinh thần quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Đây là nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi và vượt mục tiêu phát triển năm 2024. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại của năm còn rất lớn. Các cấp, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả đế thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Nguyễn Tùng

Các tin khác

  • Toàn văn thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 (06/09/2024)
  • Phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (21/08/2024)
  • Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 (19/08/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An vinh dự nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác dư luận xã hội (31/07/2024)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người cộng sản chân chính “Thép đã tôi thế đấy !” (20/07/2024)
  • Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm (10/07/2024)
  • Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (09/07/2024)
  • Hội nghị toàn quốc giao ban về hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh (08/07/2024)
  • Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân (10/05/2024)
  • Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (18/03/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối