Công trình trọng điểm Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An

Chương trình đột phá nông nghiệp giúp Long An bứt phá trong sản xuất lúa

19/09/2024 05:52:47PM
Màu chữ Cỡ chữ

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ứng dụng công nghệ cao được triển khai trên 4 cây (chanh, lúa, thanh long, rau màu), 2 con (tôm, bò), trong đó, đạt kết quả nổi bật nhất là cây lúa khi liên tục gia tăng chất lượng và sản lượng.

Theo chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 có 60.000ha diện tích trồng lúa ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 7 vùng lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Qua đó, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân ít nhất 10% so với ngoài vùng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông nghiệp phục vụ phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả…

Cơ giới hóa trong gieo, cấy lúa giúp tiết kiệm nhân công, kiểm soát sâu, bệnh, giảm khoảng 30% lượng giống

Mỗi năm, ngành chức năng đều hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa để làm cơ sở nhân rộng cho những năm tiếp theo. Đến nay, toàn tỉnh có 59.672 ha lúa úng dụng công nghệ cao, đạt 94,5% kế hoạch năm 2025. Trong đó, xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu với 23 mô hình, diện tích 4.770 ha. Mô hình điểm sản xuất lúa dụng công nghệ cao do tỉnh chủ trì thực hiện được 21 mô hình với hơn 1.000ha; do huyện chủ trì thực hiện đến cuối năm 2023 là 289 mô hình với hơn 17.300 ha.

Khi tham gia mô hình, năm thứ nhất, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí: giống lúa xác nhận, phân bón hữu cơ, thuốc sinh học và phun thuốc bằng thiết bị máy bay không người lái. Năm thứ 2, nông dân được hỗ trợ 30% chi phí. Bên cạnh đó, nông dân còn được tập huấn, hướng dẫn ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác lúa như: Sử dụng máy cấy lúa, máy phun hạt giống, máy sạ hàng; gieo sạ bằng các loại giống xác nhận chất lượng cao; giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 - 120kg/ha; khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học; sử dụng phân bón tan chậm; áp dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... Đặc biệt, khi tham gia mô hình, nông dân dần thoát khỏi tư duy canh tác cũ để tiếp cận công nghệ hiện đại khi sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay vừa tiết kiệm 20% lượng thuốc, tiết kiệm nước, ít gây hại đến sức khỏe nông người, vừa mang lại hiệu quả cao về mặt kỹ thuật, cũng như tăng hiệu suất làm việc gấp 10 lần so với phương pháp thủ công.

Đưa “máy bay” vào đồng ruộng, tiền đề để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất khoảng 15% so với ngoài mô hình, năng suất bình quân bằng hoặc cao khoảng 500kg/ha, lợi nhuận cao hơn từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha, đồng thời, 100% sản lượng lúa thu được là lúa chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Điều này khẳng định Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa mang lại nhiều kết quả tích cực, khả quan về chất lượng, kinh tế, môi trường, nhất là góp phần cho sản lượng lúa của tỉnh tăng vượt bậc, đạt bình quân hơn 2,8 triệu tấn lúa/năm, đặc biệt, năm 2023 và dự kiến trong năm 2024, sản lượng lúa của tỉnh đạt mức 3 triệu tấn.

Anh Thư

Các tin khác

  • Long An: Tập trung hoàn thành giai đoạn 2, dự án Đường tỉnh 830 (15/11/2022)
  • Bến Lức chi trả 469 tỷ đồng Dự án Đường tỉnh 830E (15/10/2022)
  • Bến Lức: Trao quyết định thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Đường tỉnh 830E (01/10/2022)
  • Trang đầu 123 Trang cuối