NGHỊ QUYẾT VÀ ĐỜI SỐNG

Phát huy sức mạnh Nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh

10/10/2024 06:11:5PM
Màu chữ Cỡ chữ

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, đồng thời vận dụng linh hoạt bài học lấy “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy hiệu quả sức mạnh Nhân dân và vai trò chủ thể của người dân nông thôn với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết và hợp tác, hơn 3 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2021 – 2025) được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo sự khởi sắc rõ nét trên quê hương Long An “Trung dũng, kiên cường”.

Từ năm 2021 đến tháng 9/2024, toàn tỉnh huy động hơn 118.600 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 838 tỷ đồng, chiếm 0,71%; ngân sách tỉnh 650 tỷ đồng, chiếm 0,55%; vốn lồng ghép hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm 3,44%; vốn tín dụng: 112.000 tỷ đồng, chiếm 94,53%; vốn doanh nghiệp gần 66 tỷ đồng, chiếm 0,06%; vốn huy động từ người dân và cộng đồng gần 855 tỷ đồng, chiếm 0,72%.

Toàn tỉnh đã có 134/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh đã có 134/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 83,2% số xã trên toàn tỉnh); 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 30,6% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh và đạt 71,9% so với kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025; 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ, thành phố Tân An và thị xã Kiến Tường) đạt 40% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (kế hoạch là 10 đơn vị); có 222 sản phẩm đạt chuẩn OCOP…

Hệ thống đường giao thông nông thôn tiếp tục phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi đến trung tâm các xã. Toàn tỉnh hiện có trên 8.827 km đường giao thông, trong đó đường bê tông nhựa 524 km; đường đá dăm nhựa trên 3.244 km; đường bê tông xi măng trên 1.587 km; đường cấp phối trên 2.352 km; đường đất trên 1.119 km; có 138/161 xã (chiếm 85,7%) đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Hệ thống thuỷ lợi tiếp tục được đầu tư đồng bộ theo hướng phục vụ đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu; toàn tỉnh hiện có trên 8.815 km kênh mương; gần 869 cống tưới và tiêu nước; trên 291 km đê bao triệt để chống xâm nhập mặn, ngăn lũ và triều cường (diện tích được bảo vệ khoảng 65.091 ha); có 161/161 xã (chiếm 100%) xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới .

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; toàn tỉnh có 590 trường học các cấp, trong đó 336 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, có 147/161 xã (chiếm 91,3%) đạt tiêu chí trường học, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó có 56/161 xã (chiếm 34,8%) đạt tiêu chí giáo dục, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; có 06/13 huyện (chiếm 46,2%) đạt tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục thuộc Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới.

Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư với quy mô phù hợp và có sự phân cấp đầu tư cụ thể, ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng Nhà văn hóa - Khu Thể thao ấp. Hiện có 146/161 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới; 100% xã toàn tỉnh đạt tiêu chí thông tin và truyền thông, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó có 60/161 xã (chiếm 37,3%) đạt tiêu chí thông tin và truyền thông thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn; toàn tỉnh có 7 bệnh viện và 3 Trung tâm tuyến tỉnh; 15 Trung tâm Y tế tuyến huyện; 03 Bệnh viện đa khoa tư nhân, 986 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 100% các xã có trạm y tế; đã có 98,6% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 17,4%; toàn tỉnh đã có 153/161 xã đạt tiêu chí y tế thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.

 Để góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn; toàn tỉnh hiện có trên 1.332 công trình cấp nước nông thôn; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 75,2%. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm chỉ đạo, nhất là vấn đề xử lý rác thải và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp; có 124/161 xã (chiếm 72%) đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó có 75/161 xã (chiếm 46,6%) đạt tiêu chí môi trường, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; có 08/13 huyện (chiếm 61,5%) đạt tiêu chí môi trường, thuộc Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới.

Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo; đồng thời tập trung thực hiện đào tạo nghề cho lao động gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo và gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã. Tỷ lệ hộ nghèo theo rà soát đầu năm 2024 giảm còn 0,75%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,86%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào đạt 90%; toàn tỉnh đã có 156/161 xã (chiếm 96,9%) đạt tiêu chí nhà ở dân cư, 148/161 xã (chiếm 91,9%) đạt tiêu chí nghèo đa chiều thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Trong đó có 121/161 xã (chiếm 75,2%) đạt tiêu chí nhà ở dân cư và nghèo đa chiều thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở nông thôn. Đặc biệt, gần đây Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã gắn với Cuộc vận động “Long An chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo được sự đoàn kết mang tính cộng đồng cao trong các ấp, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh đã có 832/833 ấp được công nhận đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 99,9%; hầu hết các ấp, văn hóa đều có Ban Vận động, trong đó Ban đã xây dựng quy ước, quy chế hoạt động gắn với việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Toàn tỉnh đã có 100% xã đạt tiêu chí văn hóa, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, có 54/161 xã (chiếm 34,8%) đạt tiêu chí văn hóa, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân (có 100% số xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật).

Việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “Vững mạnh, rộng khắp” đã được các địa phương thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ. Đến nay, tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,42% so với dân số, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ đạt 30%. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đạt 100% chỉ tiêu ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).

Cùng với việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia; qua đó, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ngay từ khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân.

Trong thời gian tới, để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh của Nhân dân trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền và triển khai, quán triệt sâu kỹ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan điểm “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là sự nghiệp của toàn dân tộc, động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới”, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, từng ấp.

Cấp ủy, chính quyền các cấp linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp về nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương. Thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ theo cơ chế của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các khoản đóng góp của Nhân dân phải được thực hiện theo từng dự án cụ thể và theo nguyên tắc tự nguyện, do Hội đồng nhân dân xã thông qua. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; đa dạng hóa hình thức hợp tác đầu tư trong xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nông thôn (giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã,...), tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó: Thực hiện nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với kết nối thị trường tiêu thụ. Phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Chú trọng phát triển thương mại dịch vụ nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các Liên hiệp Hợp tác xã, Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp. Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng “gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế”.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh thái độ phục vụ Nhân dân; tập trung dồn lực về cơ sở, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của Nhân dân, doanh nghiệp, chú trọng những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đền bù, thu hồi đất đai, những vấn đề có liên quan đến biên giới, đồng bào dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề xã hội, dân chủ, dân tộc, tôn giáo, hội quần chúng; đẩy mạnh thực hiện các chính sách đối với các địa phương vùng biên giới, khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thu hẹp khoảng cách về đời sống, thu nhập, hưởng thụ giữa các vùng, các dân tộc. Có việc làm cụ thể thiết thực chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh, trật tự. Làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, góp phần xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

 

                                                                                             Trung Thuận - Phòng Tổng hợp VPTU

Các tin khác

  • Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh (10/10/2024)
  • Thủ Thừa nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng (10/10/2024)
  • Long An tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục (08/10/2024)
  • Thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (08/10/2024)
  • Thạnh Hóa: Nông nghiệp đổi mới và phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao (07/10/2024)
  • Thu ngân sách hơn 19.000 tỷ đồng, Long An sắp đạt dự toán năm 2024 nhưng vẫn còn nhiều thách thức (04/10/2024)
  • Châu Thành: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh (04/10/2024)
  • Sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao: Bước chuyển mình quan trọng cho nông nghiệp Cần Giuộc (04/10/2024)
  • Với hơn 3,1 triệu tấn, Long An vượt chỉ tiêu Nghị quyết về sản lượng lúa (03/10/2024)
  • Kết quả tích cực từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (30/09/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối