Đất và người Long An

NGUYỄN THÔNG (1827-1884)

10/09/2020 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

"Miền Nam đã tính đường về. Ngặt vì khó mượn được bè lên sao!"

Nguyễn Thông (còn có tên Nguyễn Thới Thông), tiểu danh là Thiệu, tự là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên lão nhân, còn có biệt hiệu là Độn Am, Đạm Trai sinh năm 1827 trong một gia đình nhà nho ở thôn Bình Thanh, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định, nay là xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Nguyễn Thông đỗ cử nhân năm 1849, cùng khoa thi với Cử nhân Phan Văn Trị. Năm 1851, trong khoa thi hội, bài Chiếu, bài Biểu và bài Luận của ông ở kỳ đệ tam rất xuất sắc nhưng bị đánh hỏng do bài lem mực. Vì nghèo, không thể ở lại kinh thành tiếp tục học nên ông về nhậm chức Huấn đạo huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Năm 1856, ông được đề cử thăng hàm Hàn lâm viện Tu soạn, sung vào làm việc ở Nội các, tham gia biên soạn quyển Khâm định Nhân sự kim giám.

Năm 1858, thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, khi ấy Nguyễn Thông vừa qua 2 năm làm việc ở kinh đô Huế, tham gia soạn xong sách Nhân Sự Kim Giám, ông xin tòng quân về Nam, giúp việc dưới quyền Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp.

Tháng 2/1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Thông cùng cậu ruột là Trịnh Quang Nghị và Phan Văn Đạt về quê chống Pháp, lập đại bản doanh ở Biện Kiều (cầu Biện Trẹt). Tháng 6/1862, sau hòa ước Nhâm Tuất, ông được cử làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 20/6/1867, thực dân Pháp đánh chiếm thành Vĩnh Long lần thứ hai, sau đó lấy nốt các tỉnh An Giang, Hà Tiên. Quan Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của Lục tỉnh Nam Kỳ tự vẫn trong sự ngậm ngùi của bao sĩ phu đương thời. Nguyễn Thông phải lánh ra Bình Thuận lần thứ hai, được thăng hàm Thị giảng học sĩ và làm Án sát tỉnh Khánh Hòa.

Đầu năm 1868, vua Tự Đức cho triệu Nguyễn Thông về kinh, giao giữ chức Biện lý Bộ hình, sau thăng lên hàm Quang lộc tự khanh. Ngày 4/6/ 1868, Nguyễn Thông dâng sớ điều trần 4 việc nội trị: Chọn nhân tài bổ làm quan, cải tiến võ lược, đánh thuế thổ sản, dùng chánh sách khoan hậu.

Đầu năm 1869, ông được bổ làm Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi. Làm quan nhưng ông luôn tri - hành, dẹp trừ tệ cường hào nhũng nhiễu, tận tình chỉ dẫn nhân dân đắp đập, trồng cây, canh tác, làm thủy lợi; phát triển nông nghiệp và đặc biệt chăm lo giáo dục.

Năm 1871, nhân một lần xử lầm một vụ án mạng, lại bị tên cường hào ở Quảng Ngãi là Lê Doãn vu cáo, Nguyễn Thông bị cách chức, phạt trượng và hạ ngục. May nhờ được nhân dân Quảng Ngãi minh oan, đệ đơn ra tận kinh thành, việc vu cáo được sáng tỏ, ông mới được triều đình cho về làm ở sở Kiến biên và Tàng thư. Năm 1873, Nguyễn Thông cáo bệnh xin về nghỉ ở Xa-ra, làng Vĩnh Hòa, tỉnh Bình Thuận nhưng vẫn dốc lòng vào công việc giáo dục và khẩn hoang.

Năm 1876, vua Tự Đức vời ông trở lại Huế làm Tư nghiệp Quốc tử giám - cơ quan giáo dục lớn nhất nước ta thời đó, cùng các ông Bùi Ước, Hoàng Dụng Tân khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nhân việc một số đề nghị sửa chữa bị triều thần bác bỏ, Nguyễn Thông tự soạn ra bộ sách Việt sử cương giám khảo lược (gồm 7 quyển, có 167 điểm cần sửa chữa), viết rõ những sai lầm trong bộ sử của triều đình - bộ sách sau này được các nhà sử học Việt Nam đánh giá cao vì làm rõ nhiều ngọn nguồn về sử tích, cương vực và địa đồ, kể cả việc khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta. Tháng 2/1877, Nguyễn Thông vào làm Dinh điền sứ tỉnh Bình Thuận, giữ chức Bố chánh tỉnh này. Năm 1881, Nguyễn Thông được bổ về làm Phó sứ Điển nông kiêm đốc học Bình Thuận; năm sau được thăng Hồng lô tự khanh.

Về sự nghiệp nghiên cứu, Nguyễn Thông để lại những bộ sử liệu quan trọng là "Khâm định Nhân sự kim giám" (soạn chung, với tư cách là Hàn lâm Viện Tu soạn), "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" (phúc kiểm, với tư cách là Tư nghiệp Quốc Tử giám) và tự viết "Việt sử thông giám cương mục khảo lược". Về sáng tác thơ văn, đến nay, giới nghiên cứu đã sưu tầm được 76 bài thơ, 25 bản văn, 6 bản sớ điều trần của cụ nằm trong các tập: "Độm Am thi văn tập", "Kỳ Xuyên thi văn sao", "Kỳ Xuyên công độc", "Dưỡng chính lục".…

Di tích Trường Dục Thanh, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuần nơi Bác Hồ từng dạy học, nguyên trước đó chính là nơi ở của gia đình Nguyễn Thông. Năm 1884, ông viết xong Ngọa Du Sào văn tập và qua đời tại đây. Năm 1907, hưởng ứng phong trào Duy Tân, hai người con của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lợi và Nguyễn Quý Anh đã mở Dục Thanh Học Hiệu (tức Trường Dục Thanh- giáo dục thanh niên) để dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo những nội dung, tư tưởng tiến bộ. Năm 1910, được sự giới thiệu của Cụ Nghè Trương Gia Mô, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã vào dạy ở Trường Dục Thanh. Ngọa Du Sào cũng chính là nơi Bác Hồ nghỉ ngơi sau này trong quá trình dạy học tại đây. (1.091)

Minh Văn

Tài liệu tham khảo:

- "Thơ văn yêu nước Nam bộ, nửa sau thế kỷ XIX", Bảo Định Giang (biên soạn), Ca Văn Thỉnh (giới thiệu), NXB Văn học giải phóng, 1976;

- "Địa chí Long An", Thạch Phương- Lưu Quang Tuyến (chủ biên), NXB Long An và NXB Khoa học Xã hội, 1989;

- "Những danh sĩ miền Nam", Hồ Sĩ Hiệp- Hoài Anh, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1990.

Các tin khác

  • Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - sống mãi trong lòng người dân (14/10/2024)
  • Lễ Chu niên "Công thần khai quốc" Nguyễn Huỳnh Đức (10/10/2024)
  • Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” (20/09/2024)
  • Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
  • Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối