BIÊN GIỚI - BIỂN, ĐẢO

Viện Hải dương học Nha Trang nơi lưu trữ và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á

04/12/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Những ngày cuối tháng 11/2022, trong chuyến công tác tại miền Trung, chúng tôi có dịp đến thăm Viện Hải dương học Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa – nơi lưu trữ và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á.

Theo lịch sử của Viện Hải dương học, tiền thân của Viện Hải dương học là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương được thành lập ngày 14/9/1922. Qua các giai đoạn lịch sử, với các tên gọi khác nhau, từ năm 1993, Viện chính thức được mang tên Viện Hải dương học với trụ sở chính ở tại số 1, Cầu Đá, Vĩnh Hòa thành phố Nha Trang và 2 phân viện ở Hà Nội và Hải Phòng. Năm 2001, hai phân viện tách ra thành các Viện độc lập với tên gọi riêng. Từ đó đến nay, Viện Hải dương học là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về biển, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bảo tàng sinh vật biển

Nơi đây trưng bày hơn 20.000 mẫu vật của 4.000 loài sinh vật biển khác nhau. Ngoài ra bảo tàng còn trưng bày nhiều mẫu vật của các sinh vật nước ngọt được sưu tầm ở vịnh Thái Lan, biển Đông, Campuchia.

Bảo tàng Hải dương học

Các mẫu vật này được phân thành 2 khu: khu dành cho các mẫu vật lớn và khu dành cho các mẫu vật nhỏ. Các mẫu vật lớn như bộ xương cá voi lưng gù dài 18 m, nặng 18 tấn (bộ xương được khai quật tại tỉnh Nam Hà năm 1994); bộ xương nàng tiên cá (Dugong ) khai quật tháng 11/1997 tại bãi Lò Vôi (Côn Đảo), loài này đang bị nguy cơ tuyệt chủng... Các mẫu vật nhỏ như những con chim yến trong chiếc tổ làm từ nước dãi của nó trên các vách đá cheo leo giữa biển, bạch tuộc đốm xanh lần đầu tiên thu mẫu được ở Việt Nam năm 1999, các mẫu vật hải cẩu, cá tầm Trung Hoa, cua vua ở các vùng biển lân cận Việt Nam... 

Khu bể nuôi ngoài trời

Dọc theo lối vào khu thủy cung, chúng tôi như lạc vào một thế giới rực rỡ sắc màu hệ sinh thái của biển với nhiều loài sinh vật quý hiếm như: Cá mập, hải quỳ, sao biển màu xanh đỏ, hải sâm, rắn biển, rùa biển, các loài tôm, cá... trưng bày các bể nuôi.

Khu thủy cung

Trong khu thủy cung, có khá nhiều đa chủng loại của các loài cá, trong đó có nhiều loài quý hiếm: cá kẽm sọc, cá bò đuôi gai, cá hoàng đế, cá chình, cá thia... Chúng tôi được tận mắt nhìn cá mao tiên và con sam - một số loài cá đặc biệt. Cá mao tiên với màu sắc nâu đỏ, vàng, hai vây trước xòe rộng như hai cánh chim, vây lưng tua tủa 13 chiếc gai độc, vây đuôi mỏng trong suốt có chấm như chiếc quạt Nhật Bản, đầu xù xì như đầu rồng, thân hình mềm mại như nàng tiên múa vũ khúc rất ấn tượng với du khách. Những con sam sống thành đôi, loài này xuất hiện khoảng 400 triệu năm trước đây. Những loài cá lớn như cá mập, cá đuối, cá khoang cổ cũng được tập hợp thành khu trưng bày riêng. 

Thư viện Viện Hải dương học

Với hơn 7.000 đầu sách và 60.000 tạp chí khoa học được gửi từ 140 tổ chức quốc tế của hơn 30 nước trên thế giới, thư viện Viện Hải dương học có nhiều tư liệu khoa học biển từ thế kỷ 18 - 19 giúp ích cho các nhà khoa học và những người ham học hỏi. Viện Hải Dương học đóng góp một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông, bao gồm 1.100 ấn phẩm đã được công bố, trong đó nghiên cứu về tính đa dạng sinh học chiếm 62,6%, về vật lý hải dương chiếm 11,6%, về sinh thái môi trường chiếm 7,6%, về địa chất địa mạo biển chiếm 5,4%, về hóa học biển và về hóa sinh chiếm 4,4%. 

Lần đầu tiên được đến tham quan Viện Hải dương học, những cán bộ tuyên giáo chúng tôi như được du lịch trong lòng đại dương với hàng ngàn loại sinh vật đa dạng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được tận mắt nhìn thấy tàu khảo sát biển với trọng tải 30 tấn, tốc độ 8 hải lý mà các cán bộ khoa học nơi đây thường sử dụng khi thám hiểm đại dương. 

Chuyến đi này thật bổ ích, giúp chúng tôi có thêm những kiến thức quý về tiềm năng của biển, về công tác bảo tồn của ngành hải dương học Việt Nam và đặc biệt là vận dụng vào công tác tuyên truyền bảo vệ biển, đảo cho mỗi người dân./. 

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • CÔN ĐẢO: TÌM VỀ ‘ĐỊA CHỈ ĐỎ” (19/05/2025)
  • Đoàn công tác số 22 lên đường thăm, động viên cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 (13/05/2025)
  • Thổ Châu - hòn đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc (22/06/2024)
  • Nam Du – Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc (22/06/2024)
  • Hòn Đốc hoang sơ giữa biển trời Tây Nam (21/06/2024)
  • Phú Quốc “đảo ngọc” giữa vùng biển Tây Nam (21/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An kết thúc tốt đẹp chuyến thăm quân, dân các đảo phía Tây Nam (20/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Thổ Châu, Thành phú Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (20/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang (19/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Hòn Đốc, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (18/06/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối