Đất và người Long An

Chùa Tôn Thạnh nơi gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

18/06/2022 08:55:12PM
Màu chữ Cỡ chữ

“Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm. Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.

Tổ đình Tôn Thạnh thuộc địa phận ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, có lịch sử hơn 200 năm tuổi, một di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia ngày 27/11/1997 theo Quyết định 2890-VH/QĐ, ngôi chùa duy nhất gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Chúng tôi đến viếng ngôi chùa cổ vào một buổi trưa tháng 6 nắng trong xanh. Lối vào chùa là một con đường trải dài thẳng tắp rợp bóng cây điệp và cây sala ngát hương. Chùa Tôn Thạnh được biết đến nhiều nhờ gắn liền với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã có thời gian đến lưu trú tại chùa từ năm 1859 đến 1861. Tại đây, ông đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và hoàn thành áng thơ Lục Vân Tiên bất hủ, còn lưu truyền đến hôm nay.

Hiện dấu tích về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được lưu lại ngay trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh qua hai tấm bia, tấm thứ nhất lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng năm 1973, tấm thứ hai trích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” xây dựng năm 1998.

Theo ghi chép của sử sách, chùa Tôn Thạnh do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808) với tên chùa Lan Nhã (đến năm 1841 đổi tên thành chùa Tôn Thạnh).

Thiền sư Viên Ngộ, thế danh Nguyễn Ngọc Dót, con  ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trà Thị Huệ ở làng Thanh Ba, tổng Phước Điền Trung, huyện Phước Lộc, phủ Tân An. Thiền sư Viên Ngộ húy Tánh Thành thuộc Thiền phái Lâm Tế chi phái Liễu Quán đời thứ 39, từ nhỏ đã thành tâm hướng Phật với mong muốn cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Ông không những là người con chí hiếu mà còn là một người đầy lòng từ bi bác ái. Khi cha bị bệnh, thiền sư đã thề trước Phật đài là sẽ ''trường tọa'' 10 năm để kéo dài tuổi thọ cho cha. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) trong vùng có dịch đậu mùa, sư Viên Ngộ đã nguyện ''trì kinh niệm Phật, chung thân tịch cốc'' để cầu cho nhân dân thoát khỏi cơn tai ách. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch tại chùa.

Pháp thân của ông được tăng chúng an táng ở bảo tháp phía Tây chùa Tôn Thạnh. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình để đem lại điều lành cho chúng sinh, nhân dân đã gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ. Mười sáu năm sau khi Thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong ba năm 1859-1861, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và làm thuốc. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu, một trong ba cánh nghĩa quân đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh, chém rơi đầu quan hai Phú Lang Sa. Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người ''dân ấp dân lân'', nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” với những câu văn bất hủ được lưu truyền đến hôm nay và mai sau.

“Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ”…
“…Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh
Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm”

Về chùa Tôn Thạnh hôm nay, trong khung cảnh thanh bình, yên ả của buổi trưa hè, đứng trước tấm bia ca ngợi công đức của cụ Đồ Chiểu trong khuôn viên chùa, bồi hồi đọc lại những dòng chữ, câu từ của Áng Văn tế bi hùng thuở trước, ta lại càng thấy tự hào và biết ơn bao anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh bảo vệ non sông. Nối tiếp truyền thống cha ông thuở trước, thế hệ trẻ hôm nay lại càng thôi thúc mình phải học tập, luyện rèn để quê hương ngày càng giàu đẹp, đúng như ý nghĩa của tên ngôi chùa Tôn Thạnh thiêng liêng./. 

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ: "Việt Bắc của miền Nam" trong đấu tranh chống giặc cứu nước (29/04/2025)
  • Long An: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (07/03/2025)
  • Lực lượng vũ trang tỉnh Long An tự hào truyền thống: “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, bám trụ kiên cường, đoàn kết quyết thắng” (22/12/2024)
  • Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - sống mãi trong lòng người dân (14/10/2024)
  • Lễ Chu niên "Công thần khai quốc" Nguyễn Huỳnh Đức (10/10/2024)
  • Nam Bộ - Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” (20/09/2024)
  • Long An sáng mãi tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Long An: Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Tri ân Tổ nghiệp (13/09/2024)
  • Nghĩa tình, trách nhiệm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (11/08/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong (17/07/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối