Bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa
Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, là cột mốc mở đầu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng để “cất cánh”. Trong đó, tư duy mới về kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.
Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải đầy đủ cả cơ sở lý luận và thực tiễn về ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Người coi bảo vệ Tổ quốc là quy luật sinh tồn của dân tộc Việt Nam và là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, (khóa II), đọc ngày 15-7-1954, Người nhấn mạnh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”. Ngày 5-9-1960, trong diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, Người còn chỉ ra phương cách để ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới: “Nhân dân thế giới đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh tích cực thì nhất định có khả năng ngăn ngừa chiến tranh thế giới, thực hiện hòa bình lâu dài”.
Bài học xương máu “giữ nước từ khi nước chưa nguy”
Nhìn lại chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng, đề ra kế sách “sâu rễ, bền gốc”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, coi đó là quy luật sinh tồn của dân tộc. Danh tướng thời nhà Trần, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1241-1294), đã đúc kết chân lý: “Thái bình tu trí lực/Vạn cổ cựu giang san” (Thái bình nên gắng sức, non nước vững nghìn thu). Trên một vách đá trên núi ở Hòa Bình còn lưu dấu ấn bài thơ của vua Lê Thái Tổ viết dặn hậu thế: “Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước nên có kế lâu dài). Ông còn căn dặn: “Nên sửa sang võ bị, để phòng việc không ngờ”.
Các bậc tiền nhân còn thực hiện nhiều chính sách ngay trong thời bình để làm cho “dân giàu, nước mạnh, “quốc phú, binh cường”, kiên trì phương châm “nội yên, ngoại tĩnh”; thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, “cả nước là lính, toàn dân đánh giặc”. Bên cạnh đó, các triều đại phong kiến nước ta đã thực thi chính sách “bang giao hòa hiếu”, mềm dẻo, khôn khéo, giữ hòa khí với các nước láng giềng, bảo vệ hòa bình, tránh nạn binh đao; đồng thời, chăm lo xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, thực hiện kế sách khoan thư sức dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.
Trong trường hợp không thể ngăn ngừa được chiến tranh bằng biện pháp hòa bình thì bất đắc dĩ phải chủ động thực hiện phương châm “tiên phát chế nhân”, nhằm triệt phá cơ sở chuẩn bị chiến tranh xâm lược của đối phương để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Khi đất nước bị xâm lăng, mỗi người dân phải cầm vũ khí để tự vệ, nhưng vẫn thực hiện tư tưởng “không đuổi cùng diệt tận những kẻ bại trận”, “mưu phạt công tâm”, đánh vào lòng người để muôn đời dập tắt chiến tranh. Nguyễn Trãi trong bài thơ Phú núi Chí Linh đã viết: “Nghĩ vì kế lâu dài của Nhà nước; Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh; Sửa hòa hiếu cho hai nước. Tắt muôn đời chiến tranh”. Đó chính là tư tưởng: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Đặc biệt, dân tộc ta đã sớm khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, làm cơ sở pháp lý đấu tranh, ngăn chặn âm mưu xâm lược của ngoại bang: “Sông núi nước Nam Vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, chúng ta không sợ chiến tranh nhưng chúng ta không hề muốn chiến tranh. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam, chúng ta có những niềm tự hào mà ít quốc gia trên thế giới sánh được. Chúng ta đã đánh bại những đế quốc xâm lược lớn mạnh hàng đầu thế giới. Đó là sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống giữa tuổi thanh xuân để thực hiện khát vọng độc lập tự do. Bởi vì, độc lập, tự do là điều kiện nền tảng để đất nước ta phát triển trở nên hùng cường, sánh vai cường quốc năm châu như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu và vì mỗi gia đình thân yêu của chúng ta. Do đó, chủ động ngăn ngừa chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa là đặc biệt cần thiết.
Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ
Dù Việt Nam đã thoát khỏi xiềng xích nô lệ trở thành một nước tự do, dân chủ nhưng tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Bên cạnh đó, những nguy cơ an ninh phi truyền thống vẫn đang diễn biến phức tạp như khủng bố, thiên tai dịch bệnh…
Trước tình hình đó, chủ động phòng ngừa ngăn chặn các nguy cơ từ sớm, từ xa là một yêu cầu vừa mang tính cấp thiết vừa là chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tư tưởng “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong lịch sử dân tộc, quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi đổi mới đất nước. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (2003) và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI (2013) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là những vấn đề lý luận cơ bản về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Nghị quyết TW8 (khóa IX) đã lần đầu tiên hình thành khái niệm mới: thay “phân chia bạn-thù” bằng “không có kẻ thù, chỉ có đối tượng và đối tác”. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã khẳng định: “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước”.
Như vậy, theo Đảng ta, không phải cứ tiến hành chiến tranh hoặc hoạt động liên quan đến chiến tranh mới được coi là giữ nước, mà giữ nước tối ưu là làm cho đất nước không phải tiến hành chiến tranh. Phát triển quan điểm trên, chúng ta đã nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ xa. Bảo vệ Tổ quốc từ xa không chỉ xét về mặt địa lý, mà chủ yếu là chủ động chuẩn bị ngay khi đất nước đang hòa bình và phát triển; thực hiện ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh. Đối với các tranh chấp, bất đồng với các nước liên quan thì kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của an ninh, đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng; về nội hàm xây dựng nền quốc phòng toàn dân; nhấn mạnh việc kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trong thời kỳ phát triển và hội nhập.
Đến Đại hội XII (năm 2016), lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của một đại hội, quan điểm chủ động giữ nước trong thời bình được xác lập, Đảng ta chỉ rõ: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. Nghị quyết Đại hội XII cũng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội…”
Trên cơ sở kế thừa, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã phát triển tư duy về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chủ trương phải chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa” là chính. “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”. Việc “ngăn ngừa chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” trở thành định hướng chiến lược, tư tưởng chỉ đạo trong văn kiện; được đề cập cả trong Báo cáo Chính trị và Nghị quyết của Đại hội.
Như vậy, tư duy về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng đã có sự phát triển mới. Đây vừa là quan điểm, vừa là phương châm chỉ đạo của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khái quát rất rõ về sự phát triển tư duy đó: “nội hàm của bảo vệ Tổ quốc không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp và bảo vệ bên ngoài biên giới, lãnh thổ, mà cần hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả bên trong; không chỉ chiến đấu bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược, mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị về mọi mặt (chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…) ngay từ thời bình”.
Các yếu tố, nội dung bảo vệ Tổ quốc đều được chủ động tiến hành từ sớm, từ trước, duy trì thường xuyên, liên tục, về mọi mặt trong thời bình. Quá trình xây dựng, củng cố, phát triển cũng là quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, tự bảo vệ từ trước. Nói “bảo vệ Tổ quốc từ sớm” có nghĩa là phải có chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong; phòng chống, ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố phá hoại, mất ổn định bên trong lẫn bên ngoài.
Còn “bảo vệ Tổ quốc từ xa” được hiểu là cần chủ động, cảnh giác, sớm phát hiện, triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Hiện nay, cần chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, biển, đảo, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân.
Từ sớm, từ xa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đều thể hiện sự chủ động trong thực hiện nhiêm vụ bảo vệ Tổ quốc ngay từ thời bình, ngay từ khi “Tổ quốc chưa nguy”. Điều quan trọng nhất là không để chiến tranh xảy ra, ngăn ngừa mọi nguy cơ xảy ra chiến tranh. Nhưng khi bắt buộc phải có chiến tranh thì luôn trong thế chủ động, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống.
Từ bài học kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các nước trên thế giới nói chung, nhất là bài học về sự thất bại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu trước đây; biến động chính trị - xã hội tại các nước Trung Đông - Bắc Phi 10 năm về trước nói riêng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trong thế giới đương đại, trong đó có Việt Nam vẫn giữ nguyên tính thời sự. Bất kể khi nào, ở đâu, các đảng cộng sản và công nhân cùng nhà nước xã hội chủ nghĩa không chủ động và không có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa thì khi đó, ở đó sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc gặp khó khăn, thậm chí thất bại.
Trong bối cảnh hiện nay, một trong những phương thức tốt nhất, hiệu quả nhất được coi là thượng sách giữ nước là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, ngăn ngừa không để xảy ra xung đột và chiến tranh dưới bất kỳ hình thức, quy mô nào. “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” được xác định là sự lựa chọn thông minh nhất, phù hợp nhất, có lợi nhất. Đó còn là vấn đề hệ trọng liên quan đến sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Các tin khác
- Long An – Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội là lời phản bác đanh thép trước âm mưu xấu độc của kẻ thù (25/05/2025)
- “VƯỢT CẠN” ĐỂ TỰ TIN BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI (25/05/2025)
- Bảo vệ Di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/2025)
- Vận dụng bài học đại thắng để cất cánh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (30/04/2025)
- Thế hệ trẻ với sứ mệnh viết tiếp bản anh hùng ca cách mạng (29/04/2025)
- Tinh thần hòa hợp dân tộc, xây dựng tương lai chung (28/04/2025)
- Hào khí lịch sử 30/4 thắp sáng lý tưởng sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay (28/04/2025)
- Truyền thống vẻ vang Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2024)
- Phát huy vai trò của chi bộ trong nâng cao công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (09/09/2024)
- Nền tảng tư tưởng của Đảng phải trở thành niềm tin, lẽ sống của Nhân dân (28/08/2024)
- Tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội năm 2024
- Thông báo về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)
- Thông báo nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
- Thông báo việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2022
- Thông báo nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021)
- Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng tỉnh Long An giai đoạn 2021- 2025
- Thông báo treo cờ Tổ quốc chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026
- Thông báo Về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2020
- Khai trương vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Long An
- Nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020
- Tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội năm 2024
- Thông báo về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)
- Thông báo nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
- Thông báo việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2022
- Thông báo nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021)
- Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng tỉnh Long An giai đoạn 2021- 2025
- Thông báo treo cờ Tổ quốc chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026
- Thông báo Về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2020
- Khai trương vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Long An
- Nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020