Đất và người Long An

Chiến thắng trận Mộc Hóa năm 1948: Bước đột phá chuyển từ phòng ngự sang tiến công tiêu diệt địch

10/08/2023 10:09:36AM
Màu chữ Cỡ chữ

Mộc Hóa – Kiến Tường từ lâu luôn được xem như là một trung tâm kinh tế - chính trị - quân sự rất quan trọng của khu vực Đồng Tháp Mười. Nơi đây đã từng lưu dấu nhiều chiến tích vang dội trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, mà đỉnh cao là chiến thắng trận Mộc Hóa ngày 18/8/1948.

Đồng Tháp Mười là vùng đất có đặc điểm địa lý, tự nhiên rất đặc thù, có bề dày về lịch sử, văn hóa và kinh tế; đặc biệt, Đồng Tháp Mười có vị trí chiến lược về quân sự, là căn cứ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của tỉnh Long An và của cả Nam bộ. Mộc Hóa là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười nên hội đủ những yếu tố của vùng; ngoài ra, với hệ thống giao thông liên vùng thuận lợi, đồng thời tiếp giáp với tỉnh Svây-riêng của nước bạn Campuchia nên vị trí chiến lược của Mộc Hoá càng đặc biệt quan trọng trên tuyến biên giới của tỉnh Long An. Mộc Hóa xưa và nay (chia tách thành huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường) luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, khai mở vùng đất - con người và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng phát triển của tỉnh nhà.

Quân Pháp bị ta bắt sống trong trận Mộc Hóa (ảnh tư liệu từ Bảo tàng – Thư viện tỉnh)

Với vị trí chiến lược đó, ngay từ thời nhà Nguyễn, triều đình đã cho đặt ở Mộc Hóa một đồn lũy để trấn giữ biên giới, được gọi là thủ sở Tuyên Oai. Thời kỳ năm 1864 - 1866, đồn Tuyên Oai là một trong những chiến lũy quan trọng của căn cứ Đồng Tháp Mười trong phong trào kháng Pháp của Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều. Đến cuối năm 1945, khi tái chiếm Nam bộ, thực dân Pháp đã cho lập đồn Mộc Hoá tại đỉnh gò Bắc Chiêng (nay thuộc thị xã Kiến Tường) có cấu trúc kiên cố và trang bị vũ khí hạng nặng với lực lượng đồn trú phần lớn là lính thân binh của Pháp. Đây là một cứ điểm án ngữ vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, uy hiếp căn cứ Đồng Tháp Mười của ta từ phía Bắc, cản trở sự giao lưu giữa Khu 8 với Khu 7 và Khu 9.

Trước những yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được sự đồng tình, ủng hộ to lớn của quân dân huyện Mộc Hóa nói riêng và toàn khu vực nói chung, đầu tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 đã quyết định lên kế hoạch tổ chức đánh trận Mộc Hóa. Lực lượng tham gia trận đánh gồm: Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307, trung đội du kích tập trung của huyện và du kích 3 xã xung quanh huyện lỵ Mộc Hóa, đặt dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Chánh – Tham mưu trưởng Khu 8. Sau hai tháng tích cực chuẩn bị, đêm 16/8/1948, quân và dân ta nổ súng mở đầu cho trận đánh Mộc Hóa lịch sử theo chiến thuật “Công đồn, đả viện”.

Chiến lợi phẩm thu được trong trận Mộc Hóa (ảnh tư liệu từ Bảo tàng – Thư viện tỉnh)

Địch ở đồn Mộc Hóa khi bị quân ta tấn công đã chống trả quyết liệt. Sau hai đợt tấn công không thành, bộ đội ta lui đội hình tổ chức công sự, tạo thế vây ép buộc địch phải tung quân ra do thám; lợi dụng tình hình đó, bộ đội  ta tiêu diệt từng toán nhỏ. Ngày 17/8/1948, ta phát hiện địch dùng ghe xuồng chở quân bị thương cập bến ông Tờn (xã Bình Hiệp), Ban Chỉ huy trận đánh đã linh hoạt thay đổi kế hoạch, ban đầu, điều Đại đội 931 của Tiểu đoàn 307 ra chặn đánh, đồng thời Đại đội 1075 của Trung đoàn 120 tiếp tục khép chặt thế vây hãm đồn Mộc Hóa. Đúng theo dự báo, ngày 18/8/1948 một tiểu đoàn địch từ biên giới Việt Nam - Campuchia tiến về cứu viện đồn Mộc Hóa bị rơi vào bẫy phục kích, lập tức bộ đội và du kích toàn mặt trận đồng loạt nổ súng mãnh liệt xung phong, chia cắt, bao vây tiêu diệt địch. Kết quả, sau 3 ngày chiến đấu cam go, đầy mưu trí và dũng cảm, quân dân ta đã đánh thiệt hại một tiểu đoàn địch, bắt sống một số tên cầm đầu, trong đó có Trung úy đồn trưởng Louis Bertrand, thu hàng trăm súng các loại.

Chiến thắng trận Mộc Hóa tháng 8/1948 có ý nghĩa hết sức quan trọng; đánh dấu bước đột phá của bộ đội ta từ thế phòng ngự sang tiến công tiêu diệt địch, khởi động phong trào “thi đua yêu nước giết giặc lập công”, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào lúc bấy giờ. Từ chiến thắng Mộc Hóa, ta hoàn chỉnh khu căn cứ ở Đồng Tháp Mười và mở rộng giao lưu giữa Khu 7 với Khu 8 và Khu 9, đồng thời, liên kết hai chiến trường Việt Nam - Campuchia.

Ngoài ý nghĩa về chiến lược, chiến thuật, chiến thắng Mộc Hóa 1948 đã minh chứng sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Bộ Tư lệnh Khu 8, của Đảng Cộng sản Việt Nam, biểu dương tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh ngoan cường, quật khởi của Đảng bộ và quân dân huyện Mộc Hóa. Đây là một dấu son trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân dân Tân An, Khu 8 và Nam bộ. Đặc biệt, chiến thắng Mộc Hóa là chiến công đầu tiên mở đầu truyền thống của Tiểu đoàn 307 anh hùng, đi vào thi ca, âm nhạc với bài thơ, bài hát “Tiểu đoàn 307”. Trận Mộc Hóa còn là nơi đánh dấu sự khai sinh nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, với những thước phim nhựa đầu tiên được trình chiếu tại căn cứ địa Đồng Tháp Mười vào đêm 24/12/1948.

Bia chiến thắng trận Mộc Hóa đặt tại phường 1, thị xã Kiến Tường ngày nay

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, kế thừa ý chí, tinh thần cách mạng và kinh nghiệm chiến đấu từ trận Mộc Hóa năm xưa, Đảng bộ, quân dân tỉnh Long An nói chung, Mộc Hóa nói riêng cùng toàn miền Nam lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nối tiếp chiến thắng trận Mộc Hoá oai hùng, đã có những trận đánh nổi tiếng của quân và dân Long An trên địa bàn Đồng Tháp Mười làm khiếp sợ kẻ thù, tiêu biểu là: Năm 1964, 1965 quân dân Long An đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 25 ngụy làm phá sản kế hoạch “Bình định trọng điểm” của địch; năm 1966, 1967 ta đánh bại hai cuộc phản công mùa khô của địch, cùng toàn miền Nam mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc với lịch sử đấu tranh hào hùng, bất khuất, được minh chứng từ chiến thắng trận Mộc Hóa năm 1948, Đảng bộ và nhân dân Mộc Hóa - Kiến Tường đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, tô thắm truyền thống của quê hương Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, “Tháp Mười anh dũng”, và cùng hòa vào bản hùng ca của “Nam bộ thành đồng, đi trước về sau”.

Hạ Thi

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối