Đất và người Long An

Chàng sinh viên Nguyễn Thái Bình

14/06/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Là một sinh viên Việt Nam được Chính phủ Hoa Kỳ cấp học bổng du học tại Mỹ, nhưng ngay trên đất Mỹ, Nguyễn Thái Bình đã tổ chức nhiều hoạt động, yêu cầu nhà cầm quyền Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, rút hết quân đội về nước. Ngọn lửa anh thắp lên khiến giới cầm quyền hiếu chiến Mỹ lo sợ và bày mưu sát hại anh. Ngày 30/4/2010, Nguyễn Thái Bình đã được Nhà nước công nhận liệt sĩ và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Chàng sinh viên Việt Nam xuất sắc trên đất Mỹ

            Nguyễn Thái Bình quê tại xãTrường Bình (nay thuộc thị trấn Cần Giuộc, tinh Long An), trong một gia đình công chức bình thường. Thân phụ anh là ông Nguyễn Văn Hai, thân mẫu là bà Lê Thị Anh. Thửa nhỏ, anh theo học tại Trường tiểu học Cần Giuộc. Sau khi học xong tiểu học, anh theo gia đình lên sống ở Sài Gòn, học tại trường Trung học Pétrus Ký (nay là Trường chuyên phổ thông trung học Lê Hồng Phong, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh). Anh là một học sinh hiền lành, chăm chỉ, thông minh và học rất giỏi. Năm 1966, sau khi đỗ Tú tài phần hai, Nguyễn Thái Bình thi đỗ vào các ngành y dược, Nông Lâm Súc và cả Học viên quốc gia hành chính của ngụy quyền Sài Gòn.Nhưng anh đã chọn vào học trường Cao đẳng Nông Lâm Súc với nguyện vọng đem sức tài của mình phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Học được hai năm, tháng 3/1968, Nguyễn Thái Bình được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (United States Agency For International Development - viết tắt là USAID) cấp học bổng du học ở Mỹ. Bắt đầu từ đó, chàng trai Nguyễn Thái Bình sang nước Mỹ du học.

Niên khoá đầu tiên, anh học tại trường cao đẳng Fresno Collge thuộc bang California. Sau đó, anh thi đỗ vào đại học Wasington và trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất theo học tại đây. Anh theo học ngành kỹ nghệ thực phẩm  và ngư nghiệp. Ở Mỹ, anh học rất giỏi đạt số điểm cuối khóa học 97/100 điểm. Mùa hè năm 1969, Nguyễn Thái Bình là một trong 10 sinh viên được lựa chọn đi tham quan hầu hết các tiểu bang của nước Mỹ.

            Vạch trần gian dối, đấu tranh vì công lý, hòa bình

            Mùa hè năm 1970, theo UAID dành cho học bổng Leadership sinh viên Nguyễn Thái Bình được về thăm gia đình ở Việt Nam hai tháng.Về quê hương, anh có dịp đi đến một số vùng nông thôn miền Nam, trực tiếp chuyện trò với người dân. Anh nhận ra rằng, người Mỹ đưa quân sang Việt Nam để duy trì sự đàn áp. Cùng chính quyền ngụy, họ đẩy người dân vào cảnh bần cùng, đem bom đạn tàn phá, giết hại những người yêu nước muốn mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.

            Trở lại trường học, Nguyễn Thái Bình từ chối mọi lời mời gọi lợi danh, quyết dấn thân vào con đường đấu tranh, công khai vạch trần bộ mặt thật của chính quyền Nixon trước trí thức và người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, đòi công lý, tự do cho nhân dân Việt Nam. Anh tích cực liên hệ với các tổ chức chống chiến tranh ở Mỹ, tham gia và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, mít tinh, diễn thuyết, hội thảo. Anh bày tỏ thái độ chống chiến tranh không ngừng ở Viện Đại học Washington mà còn ở nhiều nơi khác trên nước Mỹ. Nguyền Thái Bình còn là sáng lập viên của tờ Thời báo Gà, cơ quan ngôn luận của Trung tâm tài liệu Việt Nam - một tổ chức phản chiến của người Việt Nam tại Mỹ. Động lực cho anh viết và đấu tranh đó là quê hương với những ngôi nhà xiêu vẹo, đỗ vỡ, bị thiêu rụi, xe tăng, lửa đạn, xác người…

            Nhiều bài viết chính trị, nhiều sáng tác của anh kêu gọi kết thúc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam được đăng trên các báo chí, tập san của các tổ chức chống chiến tranh ở Mỹ và các hội Việt Kiều ở Pháp, Canađa với bút danh Việt Thái Bình. Bút danh “Việt Thái Bình” là nói đến khát vọng của anh mong muốn cho nhân dân Việt Nam được sống trong cảnh thái bình..

            Anh kêu gọi nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới ngăn chặn chính quyền Mỹ gây thêm tội ác ở Việt Nam.Anh tăng cường tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân người Mỹ phản chiến, trong đó có nữ diễn viên điện ảnh Mỹ nổi tiếng Jane Fonda. Từ đó trở đi, hình ảnh anh liên tiếp xuất hiện trên từng bài báo tường thuật các vụ biểu tình phản chiến ở Mỹ. Anh trở thành nhân vật tích cực trong phong trào chống đế quốc Mỹ xâm lược của người Việt Nam ngay trên đất Mỹ, là biểu tượng về lòng yêu nước của sinh viên Việt Nam trong mắt người nước ngoài.

            Cùng với 9 sinh viên Việt Nam, ngày 10-2-1972, anh đã đột nhập chiếm giữ tòa lãnh sự của chính quyền ngụy tại New York, yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu từ chức và quân đội Hoa Kỳ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện. Ngày 19-5-1972, giữa thủ đô nước Mỹ, anh đã cùng một số sinh viên yêu nước tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 82 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự ngỡ ngàng, cay cú của chính quyền địa phương.

            Cũng trong tháng 5/1972, Nguyễn Thái Bình được công nhận tốt nghiệp hạng danh dự Viện Đại học Wasington. Trong buổi trao học vị,anh đã công bố bản “Nợ máu” của đế quốc Mỹ đối với dân tộc Việt Nam: “ Hôm nay để đạt được mảnh bằng tốt nghiệp nhiều bạn đã nợ trường hàng ngàn đô la, còn đối với tôi, tôi phải chịu món nợ xương máu của hàng triệu người Việt Nam.Bởi vì, thời gian tôi yên ổn để học tập nơi nầy đáng trị giá bằng cái chết, sự đau khổ của dân tộc tôi, sự tàn phá trên quê hương tôi. Tất cả các bạn cũng chịu món nợ máu này như nhân dân Mỹ phải chịu trách nhiệm về quy mô của những tội ác chiến tranh mà chính phủ Hoa Kỳ đã phạm phải. Trên vùng đất có kích thước như tiểu bang Niuenlon có ba lần số lượng chất nổ đã dùng cho tất cả cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ném xuống, 1/7 rừng Việt Nam bị khai hoang bởi chất độc hoá học có tác dụng gây ra khuyết tật bẩm sinh...

            Cái chết của anh hóa thành bất tử

            Coi Nguyễn Thái Bình là một thanh niên mang trong mình dòng máu Việt Cộng, sẽ là “mầm mống” cho phong trào đấu tranh phản chiến đã và đang ngày càng lên cao ở Hoa Kỳ, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cắt học bổng, buộc Nguyễn Thái Bình phải về nước. Ngày 2-7-1972, trên chiếc máy bay của Hãng hàng không Pan Am (Pan American World Airways) từ Washington về Sài Gòn, người sinh viên yêu nước Nguyễn Thái Bình cảm nhận điều bất an sẽ đến với mình. Thực ra không phải đến lúc này mà ngay khi từ Việt Nam trở lại nước Mỹ để tiếp tục chương trình học tập, tổ chức những buổi diễn thuyết tố cáo tội ác của quân đội Mỹ và dẫn đầu nhiều cuộc đấu tranh xuống đường, Nguyễn Thái Bình biết anh sẽ không tránh khỏi sự trả thù hèn hạ của những kẻ cầm đầu bộ máy chiến tranh nước Mỹ, nhưng anh không lùi bước. Và bây giờ là lúc chúng thực hiện âm mưu đen tối đó. Trong khi máy bay hạ cánh tiếp dầu ở đảo Guam, anh đã viết vội lá thư cho ba má: “Con biết ba má và các em con sẽ khổ nhiều trong cuộc sinh ly hay tử biệt này... Suốt mấy năm qua, con giằng co tâm não, để cuối cùng chọn con đường chông gai, khổ nhọc này và con đã thấy rõ đâu là con đường sống của dân tộc. Sự đau khổ của đồng bào quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng đau đớn của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu. Hôm nay vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng nhân đạo, con có hy sinh thì cái chết này không phải là sự chấm dứt mà là sự khởi đầu cho một sự hồi sinh của thế hệ tương lai. Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chứ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi nô lệ... Con yêu của ba má. Anh của các em thương. Nguyễn Thái Bình”.

            Khi chiếc máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thái Bình đã bị một tên Mỹ mặc thường phục cùng đi trên chuyến bay xáp tới khống chế, nổ liên tiếp 5 phát súng ngắn từ phía sau lưng. Để che đậy cho hành động tội ác này, chúng đã vu cho anh là không tặc định cướp máy bay.Cái chết của chàng sinh viên Nguyễn Thái Bình đã làm chấn động dư luận lúc bị giờ, làm xúc động trái tim nhiều người Việt Nam và những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Hàng nghìn người đã để tang, căng biểu ngữ, trương ảnh Nguyễn Thái Bình tuần hành ... để phản đối đế quốc Mỹ.

            Nguyễn Thái Bình hy sinh nhưng tinh thần yêu nước của anh vẫn luôn sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam. Anh là tấm gương sáng, là niềm khâm phục, tự hào của tuổi trẻ quê hương cần Giuộc, Long An nó riêng và cả nước nói chung.Ngay tại nơi chôn rau, cắt rốn, nhân dân đã dựng tượng đài của chàng sinh viên Nguyễn Thái Bình để nhắc nhở con cháu đời đời ghi nhớ công lao của anh.  Tại Long An và TP Hồ Chí Minh có một phường, một con đường, nhiều cơ sở giáo dục mang tên Nguyễn Thái Bình.

Văn Cường

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối