Đất và người Long An

Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thiên hộ Võ Duy Dương

09/11/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Võ Duy Dương là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), sinh năm 1827, em ruột của anh hùng chống Pháp Võ Duy Tân. Tương truyền ông rất khoẻ mạnh và giỏi võ nghệ, được bà con tôn là Ngũ linh Dương.

Năm 1857, hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, ông vượt biển vào Nam tìm đến đất Ba Giồng ven Đồng Tháp Mười (nay thuộc ba huyện: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), quan hệ với nông dân, điền chủ, danh Nho địa phương để tìm chỗ cho cuộc chiêu dân, khai hoang lập ấp.

Tháng 02/1859, Pháp đánh thành Gia Định. Ông cùng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, lập Đội Nghĩa ứng kéo về Gia Định đánh Pháp, ông được phong chức Chánh quản đạo. Thành Gia Định vỡ, ông vượt biển về kinh, bái yết vua Tự Đức hiến kế đuổi giặc. Ông được điều về Quảng Nam dẹp cuộc nổi dậy của người Thạch Bích và được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860.

Tháng 05/1861, ông được sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tịnh vào Nam với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa dõng chống giặc. Trong một thời gian ngắn, ông mộ được gần 1.000 nghĩa dõng và được phong chức Quản cơ. Ông đóng quân ở Bình Cách, liên kết với Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hoà (phủ Cậu) ở Thuộc Nhiêu và Đỗ Thúc Tịnh ở Mỹ Quý. Đầu năm 1862, quân Pháp đột kích căn cứ Thuộc Nhiêu, Trần Xuân Hoà bị bắt và tự tử, ông tiếp tục cuộc kháng chiến đến khi Đỗ Thúc Tịnh hy sinh, Nguyễn Hữu Huân bị bắt, rồi mới rút về Bình Cách.

Trương Định được phong làm Bình Tây Tướng quân và Võ Duy Dương làm Chánh đề đốc, Nguyễn Hữu Huân (sau khi bị bắt đã tìm cách trốn thoát) làm Phó Đề đốc.

Lực lượng nghĩa quân đánh Pháp nhiều trận, gây cho chúng nhiều tổn thất. Đến năm 1864 Trương Định hy sinh, Thiên Hộ Dương rút quân về Tháp Mười xây dựng căn cứ. Năm 1865, nghĩa quân đánh vào Cái Bè, Cái Thia, Cai Lậy, Mỹ Quí, nhất là trận Mỹ Trà khiến Phó đô đốc Roze phải đưa viện binh từ Sài Gòn xuống cứu viện.

Tháng 4/1866, De Lagrandière tập trung quân chia làm ba mũi tấn công vào Đồng Tháp Mười. Sau gần mười ngày quần thảo với giặc, Thiên Hộ Dương ra lệnh rút lui về biên giới và Cái Thia (Cái Bè). Tháng 11/1866, Thiên Hộ Dương vượt biển về Kinh, đến cửa Thần Mẫu (Cần Giờ), bất ngờ ông bị Lý Sen, một tên cướp biển giết chết.

Thiên Hộ Dương nằm xuống, nhưng tên tuổi và sự nghiệp chống giặc giữ nước của ông mãi mãi gắn chặt với mảnh đất Đồng Tháp Mười anh hùng. Để tưởng nhớ người anh hùng có công giữ nước, từ lâu nhân dân đã xây dựng đền thờ tưởng niệm tại Gò Tháp, hàng năm có hàng chục ngàn người đến kính bái. Tên ông được đặt cho trường trung học phổ thông và con đường trong thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) và chợ Thiên Hộ ở xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè (Tiền Giang)./. 

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối