Đất và người Long An

Di tích Lịch sử Đồng 41

04/02/2022 03:16:40PM
Màu chữ Cỡ chữ

Từ thành phố Tân An theo Quốc lộ 62 đi 45 km là đến thị trấn Tân Thạnh. Từ đây, theo đường Kênh 12 đi khoảng 8 km đến ngã ba Kênh 12, đường nước Tân Hòa, theo đường nước Tân Hòa đi khoảng 4 km là đến UBND xã Tân Hòa, tiếp theo đường này đi khoảng 2 km gặp ngã ba Kênh Cà Nhíp rẽ trái đi tiếp 2 km đến ngã Năm rẽ vào Kênh Hai Hạt, đi khoảng 500 m là đến Đồng 41.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đồng 41 cây cối um tùm, giờ đây là những cánh đồng lúa và những ngôi mộ còn rải rác

Đồng 41 là tên cánh đồng nhỏ nằm cạnh kinh Hai Hạt thuộc ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, chiều ngang ước chừng 300 mét, chiều dài khoảng 3km về hướng kinh Nguyễn Văn Tiếp. Nơi đây là địa điểm ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ và Chư hầu đã thảm sát 41 đồng bào vô tội ở Tân Hòa ngày 27/6/1967.

Trong kháng chiến chống Mỹ, theo chủ trương của cấp trên, Chi bộ xã Tân Hòa do đồng chí Trần Văn Tấn làm Bí thư đã vận động nhân dân quyết tâm bám đất, bám làng sản xuất lương thực nuôi quân chiến đấu nên phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ, do đó đã làm cho địch hết sức bối rối trong việc thực hiện chính sách bình định ở nơi này.

Năm 1967, sau những thất bại ở Núi Thành (5/1965), Vạn Tường (8/1965) đế quốc Mỹ lao sâu vào “chiến tranh cục bộ”, ở Kiến Tường chúng điên cuồng mở rộng càn quét vào vùng trọng điểm.

Ngày 26/6/1967, Đại đội Biệt kích cùng hai tiểu đội lính chư hầu Nam Triều Tiên do cố vấn Mỹ chỉ huy mở tập kích vào xã Hậu Mỹ nhằm biến nơi đây thành vùng trắng, tách dân ra vùng kiểm soát, trong kế hoạch bình định đánh bật cách mạng ra khỏi vùng nông thôn. Trận càn này đã thất bại thảm hại khi lực lượng vũ trang địa phương đánh trả.

Hôm sau, vào ngày 27/6/1967, để thỏa mãn sự căm tức sau một trận càn thất bại thảm hại, lính chư hầu Pắc Chung Hy dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ đã ập đến khu vực dọc hai bên sông Hai Hạt thuộc Tân Hòa và Hậu Mỹ nhằm trả thù vào những người dân vô tội. Vào 10 giờ ngày 27/6/1967, bọn chúng đến từng nhà gọi hết mọi người ra rồi xả súng giết hết không để sót một ai. Nếu người nào không ra khỏi hầm thì xả súng giết hết, cứ thế chúng tiếp tục kéo sang nhà khác tiếp tục những hành vi tội ác. Hôm ấy, tất cả 21 người của xã Tân Hòa, 03 người xã Nhơn Ninh và 17 người xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè- Tiền Giang) đã bị giết hại dưới bàn tay man rợ của chúng.

Bà Du Thị Đông (bìa phải) là người may mắn sống sót trong trận thảm sát

Từ sau sự kiện bi thương ấy, cánh đồng nhỏ mà trước đây chưa hề có tên gọi cụ thể đã đi vào lịch sử với tên gọi là “Đồng 41” như muôn đời khắc sâu vào tiềm thức và nhắc nhở cho bao thế hệ nơi đây về tội ác mà Đế quốc Mỹ đã gieo trên quê hương Tân Hòa.

Năm 1994, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí, phối hợp UBND huyện Tân Thạnh xây dựng bia tưởng niệm. Đến năm 1995, UBND tỉnh công nhận Đồng 41 là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Do thời điểm này, đường sá đi lại khó khăn nên bia được xây dựng tại trung tâm xã Tân Hòa, cách nơi xảy ra vụ thảm sát khoảng 6km. Đến năm 2010, bia tưởng niệm xuống cấp, lại nằm trong phạm vi giải tỏa để mở rộng, nâng cấp lộ Tân Hòa nên được di dời, đặt tạm vào Nhà bia ghi tên anh hùng liệt sĩ của xã. 

Bà Du Thị Đông nhận Bằng khen vì có thành tích đóng góp công tác xã hội

Theo nguyện vọng của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ và người dân địa phương, nhất là tâm nguyện của những gia đình có thân nhân là nạn nhân trong vụ thảm sát này, mong muốn xây dựng lại Bia tưởng niệm Đồng 41. Tháng 01/2018, công trình được xây dựng với tổng kinh phí trên 1,2 tỉ đồng. Trong đó, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động Binh đoàn 16 - Bộ Quốc phòng hỗ trợ 500 triệu đồng, phần còn lại do ngân sách huyện đầu tư. Gia đình bà Du Thị Đông tự nguyện di dời nhà và hiến 1.100m2 đất để xây dựng công trình. “Việc hiến đất xây dựng bia tưởng niệm để cho con cháu hiểu hơn về lịch sử. Tôi dặn con và cháu nội phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bia tưởng niệm” - bà chia sẻ.

Ngày nay, Di tích lịch sử Đồng 41 là địa điểm ghi dấu vụ thảm sát, bằng chứng hùng hồn mang giá trị tố cáo chiến tranh phi nghĩa, khẳng định ý chí khát vọng tự do và hòa bình của dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm và hàng năm vào ngày 27/7, địa phương lại tổ chức kỷ niệm thắp hương và ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân ta./.

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối