Đất và người Long An

Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác

02/08/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

“Trở lại Rừng Sác quê tôi/Mênh mông sông nước bồi hồi nhớ thương/ Bao nhiêu bom đạn chiến trường/ Bao nhiêu kỷ niệm tình thương mặn nồng” (Trích bài thơ “Một thời Rừng Sác. Đại tá, AHLLVT Lê Bá Ước”).

Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ (trước đây tên gọi là Lâm viên Cần Giờ) với diện tích 2.215,45 ha, trong đó có 514 ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch.  Ở đây có đầy đủ các loài và sinh cảnh của một tiểu vùng mang tính đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nơi đây còn khoanh nuôi được nhiều đàn khỉ với tổng số khoảng hơn 1.000 con, sống hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên và rất dạn dĩ với con người.

 Nằm bên trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác, nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, Khu căn cứ này đã được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội Đặc công Rừng Sác. Căn cứ đã được xây dựng và tái hiện lại gần như toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các anh hùng khi xưa như: Nhà cảnh vệ, nhà đón tiếp, hầm trú ẩn, hội trường, nhà hậu cần, nhà quân y, nhà quân giới, nhà cơ yếu; cảnh chỉ huy Đoàn 10 đang nghe báo cáo tình hình thực địa và hạ quyết tâm tổ chức tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè, cảnh chiến sĩ Đoàn 10 tiêu diệt cá sấu, cách chưng cất nước mặn thành nước ngọt, cảnh đưa tiễn chiến sĩ vào trận đánh, trận địa súng DKZ pháo kích vào Dinh Độc lập…


 

Theo lời anh hướng dẫn viên khu di tích, Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) ngày ấy được xem là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn – Gia Định về hướng đông nam, nơi có con sông Lòng Tàu là “cổ họng” vận chuyển, tiếp tế hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ với hàng triệu quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập đặc khu rừng Sác với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10 với nhiệm vụ án ngữ cửa biển, hướng dẫn Nhân dân và xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch. Trung đoàn 10 - Bộ đội Đặc công rừng Sác, có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy chiến tranh Mỹ - chính quyền Sài Gòn. 

Để bảo vệ sông Lòng Tàu, Mỹ tuyên bố "làm cỏ Rừng Sác" bằng “mưa bom bão đạn". Một trong những trận đánh tàu nổi tiếng là trận đánh tàu Victoria vào tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm…cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966-1967. Dưới sông tàu địch tuần tiễu liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8, khi tàu Victoria đi qua, 2 quả thủy lôi đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10 nghìn tấn cùng khí giới chìm nghỉm xuống lòng sông.

Chín năm chiến đấu (1966-1975), Đoàn 10 kiên cường bám trụ đứng vững trên thế trận phòng ngự và tạo thế chủ động tiến công, đánh sâu vào bến cảng, kho tàng hậu cứ địch theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Miền, xây dựng phong trào cách mạng địa phương, hướng dẫn nhân dân trong các ấp chiến lược đấu tranh với địch, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, phát triển chiến tranh du kích phá thế kìm kẹp của địch, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã vượt lên chính mình, biết dựa vào dân xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng tư tưởng kiên định vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng để chiến thắng kẻ thù, truyền thống của đơn vị: “Rừng Sác là nhà, bến cảng, kho tàng là trận địa, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm – có lệnh là đánh – hoàn cảnh nào cũng đánh – đã đánh là thắng”. Truyền thống ấy như một bài ca ra trận, theo người chiến sĩ đặc công xung trận và làm nên những chiến tích oai hùng.

Ngày 21/1/2000, UNESCO đã công nhận rừng Sác là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.

Ngày 15/12/2004, Căn cứ rừng Sác đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đến tham quan Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác hôm nay, chúng ta không chỉ vừa để thưởng ngoạn thiên nhiên hoang sơ mà còn tìm về cội nguồn như một cách để nhắc nhớ, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc./. 

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối