Đất và người Long An

Di tích lịch sử Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến

02/05/2022 09:36:37AM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngã tư Rạch Kiến, thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Đước từng là địa danh gắn liền với chiến công oanh liệt của một “Vành đai diệt Mỹ” khiến quân thù khiếp sợ. Ngày nay, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” ghi dấu ký ức lịch sử hào hùng, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Các em học sinh tham quan mô hình trận địa tại di tích lịch sử Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến

Ngày 20/12/1966, đế quốc Mỹ đổ quân tái chiếm Rạch Kiến với âm mưu khống chế, đánh phá vùng giải phóng Cần Đước, Cần Giuộc hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng và cứu vãn tình thế đang ngày càng suy sụp. Lúc đó, Mỹ cho máy bay chở thép, bêtông xây dựng bãi pháo sân bay, khu bộ binh, sở chỉ huy, khu hành chính trên diện tích khoảng 160.000m2,  quân số đóng tại căn cứ Rạch Kiến rất lớn, gồm 1 tiểu đoàn bộ binh; 1 tiểu đoàn pháo binh được trang bị hàng chục khẩu pháo các loại; 1 đại đội công binh được trang bị nhiều phương tiện hiện đại như xe ủi đất, máy dò mìn; 1 đại đội trinh sát, 4 đại đội máy bay trực thăng; 1 chi đoàn xe bọc thép gồm 20 chiếc M113 và M118. Khu căn cứ còn được bố trí phòng thủ bằng 6 lớp kẽm gai và 3 tuyến bãi mìn rất kiên cố. Đây được xem là căn cứ Mỹ lớn nhất nhằm bảo vệ phía Nam Sài Gòn của Mỹ - ngụy. Từ căn cứ này, địch liên tục bắn phá các nơi, bất kể ngày đêm.  Trong khi đó, ngoài lực lượng bộ đội chủ lực của tỉnh được tăng cường, quân ta tại huyện Cần Đước chỉ có C315, 3 trung đội độc lập với quân số khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ và 5 trung đội du kích liên xã, mỗi trung đội khoảng 20 người. Mỗi xã cũng chỉ có 1 trung đội du kích tập trung và 1 đội biệt động tại thị trấn.

Các hiện vật được trưng bày tại di tích

Mặc dù không cân xứng về lực lượng, vũ khí nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thế trận Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được hình thành với phạm vi 12 xã: Long Hòa, Tân Trạch, Long Trạch, Long Khê, Phước Vân, Long Sơn, Long Định, Long Cang, Mỹ Lệ, Phước Tuy của huyện Cần Đước và 2 xã: Phước Lâm, Thuận Thành của huyện Cần Giuộc. Lực lượng ta được bố trí trên 3 tuyến vành đai: Tuyến 1 du kích liên xã Long Hòa, Tân Trạch bố trí hầm chông, gài mìn, lựu đạn, phục kích bắn tỉa địch; tuyến 2 do bộ đội tỉnh và bộ đội địa phương phân tán từng bộ phận nhỏ tiêu diệt địch; tuyến 3 do du kích xã, du kích mật kết hợp nhân dân bố trí hầm chông lựu đạn, tổ ong vò vẽ khắp xã chuẩn bị địa hình chiến đấu với địch. Trên vành đai diệt Mỹ, ta tổ chức đào các đoạn đê làm chướng ngại vật cản xe M113 của địch. 

Vừa đánh, vừa rút kinh nghiệm, kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Cần Đước đạt những kết quả ngoài mong đợi. Chưa đầy 1 tháng, hàng chục chiến sĩ, du kích địa phương đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và sau hơn 1 tháng chiến đấu, quân địch không dám tổ chức các cuộc càn quét như trước. Sau gần 1.000 ngày chiến đấu dũng cảm, gian khổ, quân, dân ta tiêu diệt làm bị thương hàng ngàn tên Mỹ - ngụy, làm hư hỏng 17 máy bay, 20 xe thiết giáp, thu nhiều phương tiện chiến tranh, làm cho địch phải bỏ luôn căn cứ này.

Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến hình thành trong phạm vi 10 xã ở huyện Cần Đước và 2 xã ở huyện Cần Giuộc, là đỉnh cao của chiến tranh Nhân dân, tô thắm truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quê hương Long An, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Năm 1996, Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được xếp hạng di tích cấp quốc gia, sau đó được trùng tu, tôn tạo từ năm 2011 nhằm tái hiện diễn biến cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta sau gần 1.000 ngày đêm. Ngoài ra, nhiều hiện vật từng là vũ khí chiến đấu với quân thù cũng được trưng bày.

Ngày nay Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến – Vành đai diệt Mỹ là “địa chỉ đỏ” hun đúc tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Nơi đó có những người con kiên trung ngã xuống để hôm nay và mai sau, lớp lớp mầm xanh trên quê hương anh hùng lại tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. 

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối