Đất và người Long An

HỒ CHỦ TỊCH đến xóm đạo

04/12/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Xóm đạo ở ấp Rạch Bộng, xã Tân Lân. Sở dĩ xóm được gọi là xóm đạo vì ở đây có khoảng 50 gia đình, đều là tín đồ sùng đạo của tôn giáo Cao đài phái Bến Tre, dưới quyền ủng hộ của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương. Có nhiều chức sắc, chức việc, sùng đạo tích cực chăm lo công quả xây dựng đạo khá thạnh hành. Có một nhà tu Trung Thừa và một trường Minh Thiện Học đường.

Tháng 8 năm 1945, tín đồ ở đây cũng tham gia cuộc tổng khởi nghĩa như mọi người dân khác, nhưng từ cuối năm 1945 giặc chiếm đóng và liên tục đánh phá, bên đạo tỏ ra cầu an tiêu cực, thiếu tin tưởng, ít quan hệ với cán bộ kháng chiến. Phía cán bộ và du kích xã, ấp có thành kiến không gần gũi thuyết phục, đã có những khuyết điểm làm mát lòng người trong đạo. Nhất là năm 1950, vì hiểu lầm và xử lý oan ông Trương Văn Ba, đang làm Đầu Họ Đạo Thánh thất Tân Lân và mới đắc cử vào Ban Chấp hành Tỉnh đạo Cao đài Cứu quốc 12 phá thống nhất.

Từ đó, những người ở đây càng sợ sệt, lánh nẻ không dám và không muốn quan hệ với cán bộ cách mạng. Đêm, ai kêu cửa cũng không lên tiếng. Mỗi nhà đều có một cái nò ngoài đồng, có chòi nhưng không dám ngủ giữ nò, chiều ra đặt rồi về nhà, hừng đông sáng mới ra đổ nò đem cá tôm ra chợ bán. Ban ngày nếu thấy cán bộ ta xuất hiện thì người lớn đều lánh né, chỉ để trẻ em và các bà lão tiếp xúc.

Mặc dù chánh quyền cách mạng có lệnh thu ruộng đất của địa chủ phản động chia cho các hộ ở đây, nhưng nhân dân vẫn lén đong tô cho địa chủ.

Đầu năm 1952, chấp hành chủ trương, chánh quyền tự kiểm điểm trước nhân dân (bấy giờ gọi là tố khổ). Chi bộ đã phân công 3 đồng chí (tôi, đồng chí Phó Bí thư Phan Văn Ninh và đồng chí tiểu đội trưởng du kích và Văn Dư (tín đồ tôn giáo Cao Đài) đi thực hiện. Chúng tôi đã thực hiện kết quả trong toàn xã, chỉ còn xóm Đạo chưa tiến hành được. Dù tình hình rất khó khăn, căng thẳng, chỉ đi công tác ban đêm, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức nắm tình hình địch đột nhập vào xóm Đạo ban ngày nhưng không nói chuyện được. Mọi nhà đều khép cửa, chỉ gặp những bà cụ và trẻ em.

Chúng tôi họp kiểm điểm và tìm kế hoạch khắc phục khó khăn. Nắm qui luật, nhân dân đây vì sợ cách mạng nên không dám ngủ giữ nò, chiều ra đặt nò và hừng đồng sáng ra đổ (giờ ấy, cán bộ cách mạng đã về chỗ ở). Chúng tôi nhất trí áp dụng chiến thuật phục kích để gặp cho bằng được bà con. Chúng tôi chọn điểm là hộ ông Phạm Văn Điền là chánh trị sự kiệm quản lý Nhà tu Trung Thừa. Hộ nầy thành phần bần nông nghèo, chân chất làm ăn và tu hành, chúng tôi biết là người chân tu.

Chúng tôi đến nò của ông Điền ngồi chờ. Hừng đông sáng, anh Sáu Luông là con của ông Điền ra đổ nò. Vì trời sắp sáng không thể nói chuyện nhiều, chúng tôi xin anh tối đến cho một bữa cơm. Nhiều lần năn nỉ, anh vẫn từ chối : «Đối với các anh, chúng tôi không sợ tốn cơm đâu, nhưng chúng tôi không dám vì sợ các anh đến lấy cơm rủi đụng lính, các anh ghi chúng tôi báo tin cho giặc, các anh làm tội oan tôi, tội nghiệp”.

Cuối cùng, chúng tôi phải thuyết phục bằng giáo lý : «Chúng tôi biết chú, thím Bảy và cả anh chị là người chân tu, chăm lo hành đạo đề có nhiều công quả, chúng tôi là những người đói, đến gia đình anh xin cơm, anh không cho, như vậy làm sao nói là chân tu, lo làm nhiều công quả đặng”.

Động lòng, anh hứa đem cho cơm, nhưng cứ nhắc đi, nhắc lại căn dặn phải cẩn thận coi chừng giặc. Chúng tôi chỉ cho anh cách làm ám hiệu, chiều nên ra sớm, đi xem các lùm bụi nếu có giặc thì ám hiệu để chúng tôi không tới.

Trời đã rựng sáng, chúng tôi lại phải chạy về nơi ẩn trú, chạng vạng tối chúng tôi trở lại thấy án hiệu báo tịnh, chúng tôi đến gặp anh xách cơm đầy ắp với ba món đồ ăn chay đạm bạc, nhưng chúng tôi ăn ngon lành, chúng tôi cố kéo dài bữa ăn đề vừa ăn vừa nói chuyện được nhiều:

– Thời gian qua, chúng tôi đã phạm sai lầm với Họ Đạo nhiều việc, nhứt là việc giết oan bác Sáu. Nếu họ Đạo và thân quyến bác Sáu buộc phải đền mạng hay trừng phạt chúng tôi, chúng tôi sẽ về báo với Hồ Chủ tịch và chịu tội. Nếu được tha thứ thì nhờ. Chúng tôi đã mấy lần vào ấp muốn gặp gia đình bác Sáu và Họ Đạo để xin tôi nhưng không gặp được,...!

Anh Luông chân thật xúc động:

- Đức độ của Hồ Chủ tịch thật cao cả. Tôi rất kính phục ý dạy của Hồ Chủ tịch. Đột ngột quá, tôi chưa nghĩ ra cách nào để giúp các anh, tôi về bàn lại với các anh tôi, tìm cách giúp các anh.

Dù cố kéo dài bữa cơm để nói chuyện, nhưng cũng phải kết thúc để anh kịp về ấp. Chúng tôi hẹn sẽ trở lại.

Bữa trước phục kích xin cơm, bữa sau thì việc tiếp xúc nói chuyện đã trở nên thân mật và bình tĩnh hơn. Anh cho chúng tôi biết có một số anh muốn gặp chúng tôi, anh hỏi chúng tôi có dám hẹn gặp anh em không ? Chúng tôi trả lời:

- Hồ Chủ tịch đã ra lệnh cho chúng tôi nếu gia đình và đồng bào muốn chúng tôi phải đền mạng, chúng tôi cũng phải chịu. Như vậy có gì mà chúng tôi sợ... Chúng tôi hẹn hôm sau trở lại, nhưng không ăn cơm để có thì giờ nói chuyện nhiều.

Hôm sau chúng tôi đến, 4 anh đã chờ đón từ lâu, anh Sáu Luông, anh Trương Văn Hằng giáo viên trường Minh Thiện, anh Trương Văn Khuê và anh Trương Văn Quang.

Chúng tôi phân công canh gác và nói chuyện. Buổi nói chuyện chân tình kéo dài gần suốt đêm. Phần chúng tôi thì phân tích sai lầm do âm mưu ly gián chia rẽ để trị của giặc, do non kém của chúng tôi đã lầm âm mưu giặc, mối quan hệ giữa đạo và đời chưa gắn bó. Điểm chính yếu là do lỗi lầm của chúng tôi. Hồ Chủ tịch đã biết được và đã cử người đến nghiêm khắc kiểm điểm chúng tôi, phân tích cho chúng tôi thấy rõ tội lỗi và bảo chúng tôi phải đến nhận tội và xin ý kiến xử phạt của đồng bào và gia đình bác Sáu.

Các anh đều rủi mừng khâm phục đức độ và sự sáng suốt của Hồ Chủ tịch, hứa giúp chúng tôi thực hiện mọi yêu cầu, nhưng các anh nghĩ: Các anh còn trẻ không có khả năng nhiều phải được các ông chức sắc lớn tuổi giúp đỡ mới có kết quả cao hơn. Các anh hứa tranh thủ giúp các ông và tin chắc sẽ thành công. Chúng tôi cùng hẹn 10 ngày sẽ gặp lại và giao các anh làm ám hiệu. Chúng tôi sẽ đến điểm hẹn. Y hẹn mười ngày sau các anh đến, lần này các anh còn đem theo bình trà, bánh kẹo và vui mừng cho biết là đã nói với các ông, các ông mừng lắm và muốn gặp chúng tôi, hỏi chúng tôi có dám vào ấp gặp các ông không ? Chúng tôi nhắc lại: « Chúng tôi dám chịu đền mạng, thì không có gì chúng tôi sợ cả”. Suốt đêm ấy, chúng tôi rất hứng thú nói chuyện với các anh, chúng tôi vận dụng mọi kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, để các anh có thể nắm được tình hình, xây dựng lòng tin của các anh đối với cuộc kháng chiến như lời Hồ Chủ tịch đã dạy: xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc đoàn kết đạo đời. Chúng tôi hứa với các anh là đêm sau sẽ vào ấp.

Đêm sau, các anh đón chúng tôi ở điểm hẹn, đưa chúng tôi vào ấp và đến nhà tu Trung Thừa, bốn ông chức sắc đã chờ sẵn. Chúng tôi bàn việc canh gác để đảm bảo cuộc nói chuyện, nhưng các anh đã vấn an: Khỏi đi gác xa, chỉ đứng đây xem các ngả đường nếu thấy đèn lồng của những người đặt vó cao hơn ngọn lúa là tịnh. Nếu đèn khuất dưới ngọn lúa là có giặc. Chúng tôi nhìn ra đồng và thấy khắp các ngả đường đều thấy có lồng đèn cao hơn ngọn lúa luôn di động. Thì ra, các anh đã huy động hơn chục nam nữ, thanh thiếu niên ra đồng vừa đặt vó vừa gác đường, hình thành một hệ thống, một mạng lưới canh gác chu đáo chặt chẽ.

Cuộc họp mặt có các ông: Trương Văn Hai chức sắc; Trương Văn Bảy-chức sắc ; Phạm Văn Điển Chính trị sự và các anh tín đồ: Trương Văn Hớn, Trương Văn Hẳng, Trương Văn Khuê, Phạm Văn Luông, Trương Văn Quang. Một cuộc gặp mặt nói chuyện chân tình cởi mở. Các ông luôn ca ngợi đức độ, sự sáng suốt của Hồ Chủ tịch, tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch đã hiểu được lòng người Tôn giáo Cao đài, tin tưởng sắp tới mối quan hệ đạo đời sẽ tốt đẹp chặt chẽ. Hứa giúp chúng tôi kiểm thảo trước gia đình, ngăn chúng tôi chưa nên đến gặp gia đình bác Sáu, chờ khi nào các ông khuyên dứt có kết quả sẽ đến.

Chúng tôi rất vui mừng phấn khởi trước kết quả buổi nói chuyện, tin tưởng sẽ đạt được thắng lợi sau cùng.

Từ sau buổi nói chuyện ấy, những cái chòi giữ nò được sửa sang lại. Đêm đến, trên các | bờ ruộng đều có ánh đèn của nam nữ, thanh thiếu niên đặt vó và mỗi đêm đều có cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và các anh.

Nửa tháng sau, các anh cho chúng tôi biết việc khuyên dứt gia đình bác Sáu đã có kết quả. Chúng tôi đến nhà bác Sáu đúng ngày giờ đã hẹn trước. Bên ngoài mạng lưới canh gác của lực lượng thanh thiếu niên đã được bố trí chặt chẽ như lần trước. Trong nhà ánh đèn Aida (đèn măng sống) sáng choang, trang thờ thầy và bàn thờ bác Sáu khói hương nghi ngút, anh em con cháu bác Sáu tập hợp chật cả nhà, chúng tôi xin phép đốt nhang mặc niệm bác Sáu và làm lễ thầy rồi sẽ nói chuyện. Bác Sáu cho phép. Cả nhà khóc ồ lên, chỉ riêng bác Sáu gái không khóc, trầm ngâm suy nghĩ. Theo yêu cầu của chúng tôi, bác Sáu khuyên con cháu đừng khóc nữa để anh em nói chuyện. Cả nhà im lặng.

Chúng tôi trình bày âm mưu ly gián thâm độc của kẻ địch, chân thành nhận sai lầm, tội lỗi của mình do non nớt lắm âm mưu giặc, nay được Cụ Hồ và chính phủ cử người đến kiểm thảo, đã nghiêm khắc phê phán lỗi lầm của chúng tôi và ra lệnh cho chúng tôi đến nhận tội với gia đình. Nếu được tha thứ thì chúng tôi nhờ, nếu bắt chúng tôi phải đền mạng, chúng tôi cũng sẽ chịu tội. Chúng tôi chuyển lời của Hồ Chủ tịch và chánh phủ công nhận bác Sáu vô tội, xem như vì việc nước hy sinh.

Dứt lời, chúng tôi hồi hộp theo dõi thái độ của bác Sáu gái, Bác trầm ngâm suy nghĩ rồi chậm rãi bước đến bàn thờ chồng khấn vái, chúng tôi yên lặng lắng nghe:

– Ông sống khôn thác thiêng. Bữa nay chắc ông có về đây, đã nghe con cháu nói. Hồi ông chết, tôi nghĩ chắc ông có tội với cách mạng. Có tội thì phải sa địa ngục. Nghĩ đến cái khổ của ông ở địa ngục tôi thương ông và buồn rầu lắm. Nay nghe em cháu nói ông không có tội, chết oan. Không có tội thì được theo thầy mẹ về Thiên Đàng, tôi mừng. Tôi xin ông đừng thù giận, nên tha thứ cho anh em, phù hộ cho anh em sống đề kháng chiến...

Vái xong, bác trở lại ngồi vào chỗ cũ, ngoáy trầu. Cả nhà im lặng, im lặng nặng nề... Chúng tôi hồi hộp chờ lời phán xét.

Chậm rãi và cảm động, bác Sáu gái tiếp:

– Các cháu về nói lại với Cụ Hồ, gia đình tôi tu hành không có làm điều gì ác. Bỏ tù hay giết anh em ông nhà tôi cũng không sống lại được, không có lợi gì cho gia đình tôi mà mất người kháng chiến. Gia đình tôi xin Cụ Hồ tha thứ cho anh em. Các cháu báo cho Cụ Hồ biết gia đình tôi tốt, không khi nào làm điều gì hại cho kháng chiến...

Một tháng sau, chúng tôi đã có 4 cái hầm bí mật thường xuyên ăn ở trong xóm này (trong đó có một hầm ở nhà bác Sáu), có bảy thanh niên tín đồ tùng quân, trong đó có đứa con của bác Sáu. Chúng tôi ngại bác Sáu buồn nên để lại làm du kích bí mật. Họ đạo ở đây nhận đỡ đầu một trung đội võ trang tỉnh. Có một lần giặc vào ấp ruồng bố, có hai cán bộ ở dưới hầm bí mật, giặc tình nghi đào xới lung tung và bắt tra tấn anh Trương Văn Hẳng suốt một ngày, anh vẫn không khai, bảo vệ an toàn cho hai cán bộ. Khởi đầu từ xóm Đạo lan dần ra toàn xã. Họ Đạo Tân Lân tất cả tín đồ, chức sắc, chức việc đều vào Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái thống nhất. Bác Sáu được bầu vào làm tổ trưởng Hội mẹ chiến sĩ. Anh em cán bộ và du kích đều cung kính gọi bác Sáu là má Sáu. Tất cả các hộ tín đồ ở đây đều tự giác tiết kiệm và lao động sản xuất. Hằng tháng đều gởi tiền đóng góp để nuôi và trang bị cho trung đội vệ quốc đoàn tỉnh mà Họ Đạo nhận đỡ đầu.

Đến giữa năm 1953, Đoàn kiểm tra của tỉnh đến kiểm tra tình hình của xã, về báo lại với Ủy ban kháng chiến Hành chánh tỉnh: Họ Đạo xã Tân Lân, các ông: Phạm Văn Điển, Võ Văn Sơn, và Trương Văn Hẳng được tỉnh cấp giấy khen và đề nghị Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ khen thưởng họ Đạo Tân Lân. Ông Phạm Văn Điển, Võ Văn Sơn, Trương Văn Hẳng được Trung ương Đạo Cao Đài 12 phái thống nhất do cụ Cao Triều Phát ký giấy khen.

Xã Tân Lân được Ủy ban kháng chiến Hành chánh tỉnh cấp giấy khen và đề nghị Ủy ban Hành chánh Nam bộ khen thưởng về ba thành tích: Đoàn kết, sản xuất, giết giặc.

Hết thời kỳ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ nhân dân xóm Đạo đã thủy chung giữ vẹn lòng yêu nước, tích cực đóng góp xương máu, công lao, tiền của cho thắng lợi của cách mạng. Nhất là từ đầu năm 1957-1960, giặc Mỹ đã đặt bộ máy kềm kẹp chặt chẽ, bắt anh Trương Văn Quang làm trưởng ấp. Một trung dội võ trang của tỉnh mới thành lập lại, gần như thường xuyên đến đây được đồng bào ở đây che chở nuôi dưỡng. Tháng 3 năm 1960, trận chống càn ác liệt ở xã Phước Đông (cách xóm Đạo 3 cây số) trận chiến đấu và thắng lợi đầu tiên trong chống Mỹ của lực lượng võ trang huyện nhà. Nhân dân xóm Đạo nghe tiếng súng nổ suốt buổi chiều, ai cũng lo sợ nghĩ rằng: Lực lượng ta bị tiêu diệt. Không ai bảo ai mỗi nhà đều nấu sẵn một nồi cơm nhỏ để có anh em nào sống sót chạy về đây có cơm mà ăn.

Và đến ngày nay, đã hơn 10 năm tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng bào ấp Rạch Bộng vẫn thủy chung tích cực, góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng đúng như lời dạy của Hồ Chủ tịch «Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

V.M (Trích trong cuốn Lòng dân Long An đối với Bác Hồ)

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối