Đất và người Long An

Kênh Dương Văn Dương niềm tự hào của quân và dân Đồng Tháp Mười

04/12/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

“Con kênh xanh xanh những chiều êm ả lướt trôi/ Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi...”. Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trên miền đất Nam bộ thành đồng, đặc biệt là trên vùng căn cứ chiến khu Đồng Tháp Mười mà nhà thơ Tố Hữu đã ví như: "Việt Bắc miền Nam, mồ chôn giặc Pháp" thì kênh (người miền Nam thường gọi là kinh) Dương Văn Dương là trung tâm của chiến khu ấy.

Kinh Dương Văn Dương đoạn Tân Thạnh

 Trước Cách mạng Tháng 8,  kinh mang tên Lagorăng (La Grango), tên của viên quan người Pháp ở Tân An, người đứng ra điều hành công việc đào kinh này và các kinh Cờ Nhíp, kinh 12... vào những năm 1899-1903. Năm 1925-1927, kinh Lagorăng được hãng thầu Pháp Môngveno (Monvencuoc) tổ chức nạo vét qui mô lớn hơn. Nối từ kinh Phước Xuyên, kinh Đông Tiền tại ngã tư Gãy Cờ Đen (tỉnh Đồng Tháp) qua Kiến Bình nay là thị trấn Tân Thạnh, xuống gặp sông Vàm Cỏ Tây tại ngã ba Tuyên Nhơn (Thạnh Hóa). Kinh Lagorăng còn có tên gọi khác như kinh Ông Lớn, kinh Cùng, kinh Kỳ Hương.

Năm 1947, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ đã ra quyết định đổi tên kinh Lagorăng thành kinh Dương Văn Dương, tên của một liệt sĩ nguyên là thủ lĩnh Bình Xuyên đã mang toàn bộ lực lượng đi theo cách mạng, chiến đấu anh dũng ở mặt trận Nam Sài Gòn ngay từ những buổi đầu và đã hy sinh trong một cuộc hành quân đánh quân Pháp ở Bến Tre (lúc ở cương vị khu bộ phó Khu 7), được chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa phong làm thiếu tướng.

Trên vùng đất có bề dày truyền thống đánh giặc chống ngoại xâm, từ thời Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều phất cờ khởi nghĩa lập căn cứ chống Pháp. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam Bộ, của Trung ương cục, của Khu 8, của Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh ven Đồng Tháp Mười.

1 góc kinh Dương Văn Dương tại thị trấn Tân Thạnh

Dọc 2 bờ nam, bắc kinh Dương Văn Dương là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Khu 8, các công binh xưởng của khu, của tỉnh, đài phát thanh Nam bộ, trường học, trường huấn luyện cùng các cơ quan dân-chính-Đảng khác. Đồng chí Lê Duẩn đã từng sống, làm việc tại nhà ông Hai Độc Lập (tức Nguyễn Văn Siêu) và nhà má Tám (tức Nguyễn Thị Thay) để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Chính vì sự có mặt của các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến với đồng bào, cán bộ, bộ đội cách mạng đã góp phần mang lại ánh sáng cách mạng, nhanh chóng làm đổi thay bộ mặt văn hóa, xã hội ở vùng đất này. Tạo nên một vùng căn lòng dân vững chắc: "Dân nuôi bộ đội! Dân vây quân thù”.

Những mưu toan “bình định” vùng này của kẻ thù, bằng mọi cách như: Đưa lực lượng vũ trang giáo phái, quốc gia... về đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng, hay việc cắm vào đây hàng chục, hàng trăm tên đội lốt tín đồ, đạo giáo hàng biến nhà thờ, thánh thất thành những pháo đài chống cộng, nhằm đánh phá căn cứ đầu não của ta và cắt đứt hành lang chiến lược ở Nam bộ đã hoàn toàn bị thất bại. Hàng chục trận hành quân càn quét của địch vào vùng Đồng Tháp Mười trong kháng chiến chống Pháp đều bị đánh bại. Nổi bật là trận kinh Bùi ngày 24 tháng 6 năm 1953. Ta diệt trên 100 tên địch, bắt sống 42 tên, trong đó có tên đại úy Bền, chỉ huy cuộc càn và tên thiếu úy Sáu - đại đội trưởng Commandos, thu trên 100 súng, có 12 trung liên và nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Phát huy truyền thống đánh giặc chống ngoại xâm của cha anh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên vùng đất có con kinh lịch sử mang tên người chiến sĩ cách mạng anh dũng kiên cường Dương Văn Dương. Nơi đây các cuộc đấu tranh chính trị của quân chúng có võ trang hỗ trợ và phong trào diệt ác, phá kềm giữ vững căn cứ, bảo vệ cán bộ, cơ sở cách mạng diễn ra sớm nhất và thu được thắng lợi.

Nhân dân các xã dọc theo 2 bờ kinh Dương Văn Dương đã đi đầu chịu đựng nhiều tổn thất, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, một lòng một dạ tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ, tin tưởng cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ và cùng lực lượng cấp trên chiến đấu lâu dài, liên tục để giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong hàng trăm, hàng ngàn trận đánh diễn ra trên vùng đất này như trận mùa nước nổi năm 1960-1961, trận đánh kinh Cò, kinh Quận, đồn Gò Dung năm 1965, trận đánh tàu năm 1963, trận mùa khô 1966-1967... ta đã giải phóng đi, giải phóng lại trên tuyến kinh Dương Văn Dương hàng chục lần. Trong các trận đánh đó, Dương Văn Dương 1, Dương Văn Dương 2 và Dương Văn Dương 3 là những trận đánh tiêu biểu của việc vận dụng các hình thức chiến thuật, sự phát triển của chiến tranh du kích trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cầu treo xã Tân Lập bắc qua kinh Dương Văn Dương

Kênh (kinh) Dương Văn Dương đã đi vào huyền thoại trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân Long An nói riêng, quân và dân Nam bộ nói chung, kinh không chỉ nổi tiếng bởi các trận đánh lớn mà còn là nơi gợi nhớ một thời chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta ở Đồng Tháp Mười.

Kinh Dương Văn Dương cũng chính là nguồn cảm hứng  cho nhạc sĩ Ngô Huỳnh sáng tác ca khúc nổi tiếng “Con kênh xanh xanh” vào năm 1949 khi ông mới 18 tuổi. Với một giai điệu như những làn sóng nhịp nhàng loang xa, kết hợp với những hình ảnh giàu sức khơi gợi, “Con kênh xanh xanh” đã dẫn dắt chúng ta đến với một không khí lao động rộn ràng, chan hòa tình quân dân và tình yêu đôi lứa nảy nở trên những con kênh thơ mộng của một vùng đất từng ghi bao dấu tích của lòng yêu nước, của ý chí quật cường truyền thụ qua nhiều thế hệ: “Con kênh xanh xanh những chiều êm ả lướt trôi/ Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi/ Con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi/ Bao câu tơ duyên dạt dào tình ai thắm tươi/ Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh/ Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha/ Tiếng ai hò khoan vẳng đưa những câu tình ca/ Ngả nghiêng hàng tràm vang hòa tiếng hò xa xa”.

"Con kênh xanh xanh" đã len lỏi đi vào ngõ ngách tâm hồn của rất nhiều tầng lớp thính giả ở các vùng quê khác nhau và dường như, ai cũng thấy trong bài hát có một góc tâm hồn, một góc quê hương của mình trong đó.

Kinh Dương Văn Dương mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Long An.

V.M

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối