Đất và người Long An

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

16/08/2022 03:53:54PM
Màu chữ Cỡ chữ

Những ngày đầu tháng 8, nhân chuyến dự Hội nghị tập huấn công tác văn hóa-văn nghệ tại tỉnh An Giang, Đoàn cán bộ tỉnh Long An đã có dịp đến thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Khu lưu niệm được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử vào năm 1984 và di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Đoàn cán bộ tỉnh Long An dự Hội nghị tập huấn công tác văn hóa-văn nghệ tại tỉnh An Giang

Từ thành phố Long Xuyên, đi phà khoảng 15 phút thì đến xã Mỹ Hòa Hưng (thuộc Cù lao Ông Hổ), tiếp tục đi bộ theo con đường trải nhựa khoảng vài trăm mét, đoàn chúng tôi đặt chân tới Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Không khí trong khuôn viên Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thật mát mẻ trong lành và được bao bọc bởi những hàng cây dầu, sao, điệp, bằng lăng vốn là những loại cây quen thuộc với đời sống của những người dân cù lao.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng gồm nhiều hạng mục như: Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, nhà lưu niệm thời niên thiếu, đền tưởng niệm, nhà trưng bày những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, chiếc phi cơ chở Bác Tôn vào Sài Gòn dự lễ mít tinh giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc; quy mô nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên);…Mỗi khu được thiết kế lồng ghép với hệ thống công viên, cây xanh, những con rạch nhỏ, cầu kiều, ao cá song song với những con đường nội bộ thông thoáng và hài hòa với thiên nhiên.

Bên trong Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Đền tưởng niệm Bác Tôn được xây dựng vào năm 1997 theo kiến trúc đền cổ Việt Nam mang màu sắc đặc thù của Nam Bộ. Kiểu dáng đền rất gần gũi với truyền thống của dân tộc, với kiểu mái nhị cấp, lợp ngói đại ống đỏ, bờ nóc đắp bộ tượng lưỡng long tranh châu, bốn phía được đắp tượng hình rồng vốn đặc trưng cho kiến trúc cổ của Việt Nam.

Phía trong chính điện được trang trí rất công phu, tên của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khắc theo lối chữ giả cổ, mặt chữ được mạ bằng vàng. Xung quanh đền trang trí hình tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Nổi bật là bức tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng đặt trên bục cao, nặng 310 kg; phía sau bức tượng là hình mặt trống đồng Ngọc Lũ được chạm nổi toát lên vẻ trang nghiêm.

Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng có mái lợp ngói đại ống màu đỏ, bên trong trưng bày giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn với trên 100 hình ảnh tư liệu, hiện vật quý giá về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Từ hình ảnh bến đò Ô Môi in dấu chân Bác Tôn mỗi ngày đến trường, đến khi Bác làm thợ tại xưởng máy Ba Son, hình ảnh Bác Tôn kéo cao lá cờ đỏ trên cột chiến hạm France ủng hộ nước Nga xô viết, đến khi Bác Tôn tham gia cách thức mạng rồi bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù và lưu đày tại nhà tù Côn Đảo…, nhưng Bác vẫn không ngừng hoạt động cách thức mạng.

Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Điểm nhấn nhất là Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bất kỳ ai đến tham quan ngôi nhà thời niên thiếu Bác Tôn từng sống, sẽ có cảm thấy về một thời tuổi thơ của Người ở nơi đây và hiểu được điều gì đã hun đúc nên ý chí người cộng sản kiên trung. Ngôi nhà được xây theo kiểu nhà sàn ba gian, kiểu nhà truyền thống của những người dân Nam bộ, có chân tán, cột gỗ, nền sàn lót ván, mái lợp ngói âm dương. Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật như bộ ngựa gỗ, tủ thờ cẩn ốc xà cừ… Phía sau ngôi nhà là phần mộ song thân của Bác. Dù đã được rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng khu này vẫn được bảo tồn nguyên trạng.

Đến Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi không những được nghe nhiều câu chuyện về Bác Tôn và gia đình, mà còn được nghe nhiều giai thoại về vùng đất và con người nơi đây. Trong những giai thoại đó, có giai thoại vì sao nơi đây mang tên là Cù Lao Ông Hổ.

Được đến thăm An Giang, vùng đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra nhiều anh hùng, nhân tài lỗi lạc, trong đó có cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cuộc đời, tấm gương yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên trung của Bác Tôn cùng miền quê Mỹ Hoà Hưng xanh tươi, hiền hòa khiến cho mọi người trong đoàn đều có những cảm xúc rất riêng, khó tả. Chúng tôi như cùng hoà vào niềm tự hào với nhân dân trên mảnh đất cù lao, như lời thơ Võ Thành An trong “Đêm cù lao Ông Hổ nghe ca vọng cổ”:

“Tôi về Mỹ Hoà Hưng như thăm nơi cắt rún

Đêm mơ màng sông nước ánh trăng soi

Chợt nghe ai gởi tình vào bài vọng cổ

Câu ca tan vào da thịt bãi cồn

Câu ca nhớ người cố xứ, Bác Tôn…

…Hạnh phúc con người trên đất Bác sinh

Bài vọng cổ làm tôi bâng khuâng

Trải lòng trên cù lao Ông Hổ !

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối