Đất và người Long An

Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam

31/01/2022 09:03:2PM
Màu chữ Cỡ chữ

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc là tấm gương sáng về giác ngộ lý tưởng cách mạng, kiên trung, bất khuất, luôn luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đạo đức và tài năng của đồng chí đã chiếm trọn lòng tin của đồng chí, đồng bào, khích lệ, cổ vũ cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng dấy lên một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 01/02/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội – nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Sớm kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương và dân tộc, cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc ra nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức yêu nước và cách mạng do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ đây, Nguyễn Phong Sắc được đứng trong một tổ chức cách mạng, cùng đồng chí của mình và nhân dân đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ.

Sau khi Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được thành lập, phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội phát triển mạnh mẽ theo hướng mới. Để đáp ứng nhiệm vụ đề ra lúc bấy giờ, ngày 28/9/1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ đã họp Đại hội Đại biểu toàn kỳ lần thứ nhất. Thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ làn thứ nhất, Nguyễn Phong Sắc đã tích cực chuẩn bị cho Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Đầu năm 1929, Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được tổ chức. Đồng chí được bầu làm Bí thư chính thức đầu tiên của Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Với cương vị quan trọng trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và là người đứng đầu Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, Nguyễn Phong Sắc đã có đóng góp quan trọng vào sự chuyển biến về chất trong phong trào cách mạng, phong trào Thanh niên ở Hà Nội, Bắc kỳ và trên cả nước.

Từ cuối năm 1928, thực hiện chủ trương của Đại hội làn thứ nhất Kỳ bộ Bắc Kỳ, Nguyễn Phong Sắc đã tổ chức, chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh bộ Hà Nội tích cực thực hiện phong trào “vô sản hóa” để tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản trong công nhân, nông dân và thợ thủ công nhằm mở rộng cơ sở Thanh niên. Phong trào “vô sản hóa” bắt đầu từ Hà Nội phát triển khắp Bắc Kỳ và cả nước.

Ngày 7/3/1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nước đã được thành lập, Nguyễn Phong Sắc là một trong 8 thành viên sáng lập ra chi bộ này và trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của Hà Nội. Từ một trí thức yêu nước, hoạt động cách mạng Đồng chí đã trở thành người chiến sĩ cộng sản. Sau khi thành lập, Chi bộ cộng sản đầu tiên đã xúc tiến cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản. Ngày 17/6/1929, Nguyễn Phong Sắc cùng 19 đại biểu đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng để đáp ứng đòi hỏi của cách mạng Việt Nam lúc đó. Nguyễn Phong Sắc đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí được phân công vào miền Trung để xây dựng hệ thống tổ chức đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và các tỉnh Nam Trung Kỳ. Cùng với các đồng chí lãnh đạo khác, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Kỳ bộ phụ trách tờ báo Bônsơvích, in truyền đơn vận động quần chúng đấu tranh, in Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sau khi thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Kỳ bộ, Nguyễn Phong Sắc thấy rằng cần phải phát triển cơ sở trong vùng phía bắc Trung Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chi bộ của Thanh niên đã chuyển thành chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng, có những chi bộ được đồng chí Nguyễn Phong Sắc trực tiếp đến lập thành chi bộ Đảng Cộng sản. Đồng thời với xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Phong sắc đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng rộng khắp từ tỉnh tới huyện, xã, thôn, hình thành lực lượng cách mạng rộng lớn mà hạt nhân là liên mình giai cấp công nhân và nông dân ở Trung Kỳ.

Khi các tình Bắc Trung Kỳ đã xây dựng được hệ thống tổ chức Đảng, cuối năm 1929, Nguyễn Phong Sắc đã triển khai phát triển cơ sở Đảng ở Nam Trung Kỳ. Ngoài việc cử các đặc phái viên vào công tác xây dựng Đảng tại đây, đông chí Nguyễn Phong Sắc còn trực tiếp vào các tỉnh Nam Trung Kỳ kiểm tra, chỉ đạo và giúp đỡ các tỉnh này xây dựng cơ sở Đảng, xây dựng lực lượng quần chúng và tổ chức phong trào cách mạng.

Đầu năm 1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt trọng đại của phong trào cách mạng Việt Nam với những bước phát triển vượt bậc. Đó là những nỗ lực không mệt mỏi và quả cảm, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú, trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc.

Ngày 03/5/1931, sau khi phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai của Đảng cho Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hải Phòng trở về Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã bị địch bắt. Dù bị địch dùng hết mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, phỉnh phờ đến tra tấn, nhưng bằng ý chí sắt đá và tinh thần yêu nước nồng nàn của một trí thức giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng không hề bị lung lay tinh thần. Hoảng sợ trước khí thế của phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh, thực dân Pháp đã hèn hạ bí mật thủ tiêu đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đồng chí đã hi sinh ngày 25/5/1931 sau nhiều ngày bị quân địch tra tấn.

Xô Viết Nghệ - Tĩnh – đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930­ - 1931, là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là mốc son chói lọi, huy hoàng đầu tiên trong lịch sử vẻ vang của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Nhân dân ta đánh giá, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc là linh hồn của cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh. Sự cống hiến lớn lao của đông chí cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng nước ta được nhân dân Nghệ - Tĩnh, nhân dân Trung Kỳ và cả dân tộc trân trọng, ghi nhận.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Phong Sắc luôn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022), là dịp để chúng ta thể hiện lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao, đóng góp to lớn của đồng chí và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Học tập và noi gương đồng chí và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện chung sức, đồng lòng vượt lên khó khăn, thách thức do đại dịch Covid 19 gây ra, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hanh phúc./.

VM (tổng hợp)

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối