Đất và người Long An

Đồng chí Phan Đăng Lưu - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

02/05/2022 08:30:59AM
Màu chữ Cỡ chữ

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Thuở nhỏ, vốn thông minh, ham học, Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán, sau học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.

Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước quê hương cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước. Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, vào làm việc ở Sở Canh nông Bắc Kỳ rồi chuyển sang Sở Canh nông Trung Kỳ và và gia nhập Hội Phục Việt - tổ chức sau đó có các tên gọi khác là Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt Cách mạng Đảng. Nghi ngờ Phan Đăng Lưu có liên quan đến các hoạt động chính trị chống Pháp, tháng 6/1927, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi. Trở về quê hương,   Phan Đăng Lưu tiếp tục hoạt động cách mạng, được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại Yên Thành, Nghệ An.

Tháng 5/1928, Phan Đăng Lưu được điều động vào Huế tham gia Ban Biên tập Quan Hải Tùng Thư và được bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ. Tháng 7/1928, tại Đại hội Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng, được bầu làm Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn. Cuối tháng 9/1928, được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tháng 9/1929, đồng chí được cử sang Quảng Châu lần thứ hai, nhưng khi ở Hải Phòng, do có kẻ phản bội, đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt đưa về giam tại Nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam triều ở Nghệ An kết án ba năm tù khổ sai, đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản và tham gia Ban lãnh đạo nhà tù. Giữa năm 1936, đồng chí được thả và bị đưa về quê nhà quản thúc, nhưng chỉ một thời gian ngắn đồng chí đã vào thành phố Huế tìm bắt liên lạc với tổ chức.

Đầu năm 1937, đồng chí tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ, được cử vào ban lãnh đạo Xứ ủy và tham gia chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ ở Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo cuộc tuyển cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 9/1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục tham gia lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 9/1939, đồng chí được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Từ ngày 6 đến 8/11/1939, đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu bàn về chuyển hướng chiến lược của Đảng, tiến tới giai đoạn dân tộc giải phóng.

Tháng 7/1940, dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đề nghị tạm hoãn cuộc khởi nghĩa và bí mật ra Bắc chuẩn bị cho việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 11/1940, đồng chí ra Hà Nội họp với Xứ ủy Bắc Kỳ thống nhất tổ chức Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương. Từ ngày 6 đến 9/11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy của Đảng diễn ra tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương mới và được giao nhiệm vụ trở vào Nam truyền đạt ý kiến của Trung ương về hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngày 22/11/1940, khi vừa về tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì đồng chí bị mật thám Pháp bắt.

Ngày 3/3/1941, đồng chí bị Tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình. Ngày 26/8/1941, đồng chí bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

Báo Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo (Ảnh tư liệu)

Cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi. Ở Đồng chí luôn có niềm tin tuyệt đối với Đảng, niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Phẩm chất đạo đức đó đã nuôi dưỡng chí khí chiến đấu, thôi thúc đồng chí Phan Đăng Lưu luôn đứng trên thế tiến công cách mạng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, từ khi còn là một thanh niên yêu nước đến khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản trong lao tù đế quốc và đến tận những giây phút cuối cùng hy sinh anh dũng trên pháp trường dưới làn đạn của kẻ thù.

Bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của Đảng là mệnh lệnh mà đồng chí Phan Đăng Lưu luôn nghiêm chỉnh chấp hành, dù phải hy sinh lợi ích cá nhân. Hành động tiêu biểu cho đức hy sinh ấy là việc Đồng chí góp phần tiến cử đồng chí Trường Chinh vào chức vụ cao nhất trong Đảng mặc dù khi đó đồng chí Trường Chinh mới chỉ là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Đó là minh chứng rõ nét cho tấm gương đạo đức cao cả hết lòng vì Đảng, vì dân, chí công vô tư của đồng chí Phan Đăng Lưu.

Ở đồng chí Phan Đăng Lưu, lòng yêu nước và tình thương yêu Nhân dân thống nhất với nhau. Lòng yêu nước xuất phát từ lòng thương yêu những con người nghèo khổ, cơ hàn và tâm niệm cứu Nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Khi được giác ngộ cách mạng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải gần gũi Nhân dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để từ đó mở mang trí óc cho Nhân dân, hướng dẫn họ đi theo con đường cách mạng. Khi còn ở Vinh, Đồng chí luôn tìm dịp để gần gũi, giác ngộ con đường cách mạng cho những người nông dân, công nhân, thanh niên, trí thức. Ở Nhà tù Buôn Ma Thuột, Đồng chí tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền trong các bạn tù, cảm hóa lính gác ngục người Êđê. Ở Huế, Đồng chí thường xuyên tiếp xúc, thâm nhập, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của Nhân dân lao động.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hoạt động bí mật, công khai hay trong nhà lao đế quốc, Đồng chí luôn đặt công tác đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cho Đảng lên hàng đầu. Việc đào tạo cán bộ của Đồng chí rất linh hoạt, toàn diện: dạy chữ quốc ngữ, khoa học, văn học, báo chí đến lý luận Mác - Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng và phương pháp hoạt động cách mạng… tùy trình độ của mỗi lớp, mỗi người mà có chương trình, cách thức phù hợp. Trong đó, nhiều đồng chí đã trưởng thành và trở thành những cán bộ có uy tín của Đảng, như Phan Đăng Tài, Nguyễn Oanh, Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Tố Hữu, Thôi Hữu, Hồng Chương…

Đồng chí Phan Đăng Lưu cũng thường xuyên gặp gỡ các tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh, công chức, các nhân sĩ, các nhà khoa bảng, tu hành để thuyết phục họ đi theo con đường cách mạng của Đảng. Với học vấn sâu rộng, đức tính khiêm tốn, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống giản dị, Phan Đăng Lưu có uy tín lớn và nhận được sự quý trọng của các bậc trí thức, nhân sĩ dân chủ khi đó, như    Ngô Đạm (Quảng Nam), Đậu Văn Bính (Hà Tĩnh), Nguyễn Đan Quế (Thanh Hóa), Phan Triệu Khanh (Quảng Trị)… Họ thường trao đổi, tham khảo ý kiến của  Phan Đăng Lưu mặc dù biết đồng chí là một người cộng sản đã từng thụ án ở  Buôn Ma Thuột. Nhiều nhà tư sản dân tộc, như Võ Đình Thụy, Võ Đình Dung (Quảng Ngãi)… cũng tìm đến Phan Đăng Lưu trao đổi ý kiến về thời cuộc, coi Đồng chí như “nhà cố vấn” chính trị của mình. Những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu cho Đảng, cho cách mạng là kết quả tất yếu của việc cần kiệm tích lũy vốn hiểu biết sâu rộng trên cơ sở miệt mài học tập, lao động và hoạt động cách mạng.

Ở đồng chí Phan Đăng Lưu, tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư luôn thống nhất và là sự biểu hiện toàn diện, cụ thể của tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân. Những ngày cuối đời trong xà lim án chém, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn linh hoạt, sáng tạo, tổ chức trao đổi, đúc rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với các đồng chí trong tù; vẫn hết lòng chăm sóc, thương yêu những đồng chí bị kẻ thù tra tấn dã man, tàn bạo; vẫn truyền và khơi dậy ý chí bất khuất, kiên cường với niềm lạc quan tin tưởng vào ngày toàn thắng của cách mạng cho những đồng chí còn ở lại.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc rất quan trọng và to lớn. Nhắc đến Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 - 05/5/2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các cán bộ tiền bối tiêu biểu để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu, chúng ta nguyện noi gương Đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./. 

Cổng TTĐT Tỉnh ủy

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối