Đất và người Long An

Trận giải phóng Thủ Thừa tháng 4/1975

07/04/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tình hình trên chiến trường miền Nam có những chuyển biến tích cực, có lợi cho ta. Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 21 (7/1973) xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam; tháng 10/1974, Bộ Chính trị đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và sau đó đề ra kế hoạch thời cơ, giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Thực hiện quyết tâm và kế hoạch trên, ở Nam bộ, ta bắt đầu tấn công địch từ mùa khô 1974-1975 trên các khu vực trọng điểm như đường 11 - Phước Long, giải phóng hoàn tỉnh tỉnh Phước Long; khu vực Bắc Tây Ninh, khu vực trọng điểm Vĩnh Long - Trà Vinh - Bến Tre. Sự kiện giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long như một đòn trinh sát chiến lược của quân, dân ta, mở ra một khả năng tổ chức chiến dịch lớn, quy mô hơn, giải phóng những vùng rộng lớn hơn trên chiến trường miền Nam.

Trước động lực đó, Tỉnh ủy Long An chủ trương tranh thủ thời cơ và tận dụng tình thế khi địch bị căng kéo trên khắp các chiến trường, động viên quân và dân Long An ra sức tấn công mở rộng vùng giải phóng, đồng thời khai thông được hành lang nối liền 2 vùng Nam - Bắc của tỉnh.

Tháng 01/1975, chiến dịch Nam Tây Nguyên (Buôn Mê Thuột) giành thắng lợi to lớn, mở đầu cho cuộc tổng tiến công chiến lược của ta và sự sụp đổ dây chuyền, sụp đổ về mặt chiến lược của chế độ Sài Gòn. Nắm bắt được thời cơ đó, ta nhanh chóng mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, đập tan Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 của địch, mở ra thời cơ đánh chiếm TP.Sài Gòn, thành lũy cuối cùng của địch. Trên cơ sở tình hình diễn biến nhanh và thuận lợi, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa khô 1975.

Đứng trước nhiệm vụ của chiến dịch. Nhiệm vụ của Long An lúc này là vừa phục vụ cho các lực lượng lực chiến đấu, vừa cùng với lực lượng trực tiếp công vào Sài Gòn từ hướng Nam và giải phóng tỉnh. Khẩu hiệu hành động của trên đề ra là: "Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh".

Sư 5 chủ lực Miền nằm trong binh đoàn 232 đang chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng tỉnh Kiến Tường được lệnh bôn tập về chiến trường Thủ Thừa - Tân An.

Trong nhiệm vụ của tỉnh giao quân và dân của Thủ Thừa có 4 nhiệm vụ chính:

Một là, đẩy mạnh hoạt động quân sự, chính trị bệnh vận mở và giữ hành lang, tạo đường tiến quân và địa bàn tấn công cho Sư đoàn 5 chủ lực Miền.

Hai là, cùng với lực lượng Sư 5 chủ lực Miền giải phóng Thủ Thừa và thị xã Tân An.

Ba là, phối hợp với Sư 5 chủ lực Miền cắt lộ 4, hình thành mũi chia cắt chiến lược (khu vực bắc Cầu Voi đến thị xã Tân An).

Bốn là, đảm bảo hậu cần và giải quyết các mặt phục vụ cho các lực lượng chiến đấu trên địa bàn của huyện.

Mặc dù tình hình trên chiến trường chung toàn miền hết sức thuận lợi, quân địch đang ở thể bị động và tan rã. Nhưng trên chiến trường quanh Sài Gòn như Long An thì lại có những khó khăn mới. Ngay tại Thủ Thừa sau chiến dịch Nguyễn Huê địch đã tập trung lực lượng đóng đồn bót đầy dầy đặc, quân địch lại đông hơn ba, bốn lần. Ngoài 3 tiểu đoàn (Bảo An) địa phương quân, 22 trung đội (dân vệ) nghĩa quân, địch còn tăng thêm Sư đoàn 22 ngụy từ miền Trung chạy vào đóng trên khu vực Cầu Voi, sư đoàn 7, sư đoàn 9 ngụy tập trung phòng thủ và đánh phá trên đất Thủ Thừa, vùng bắc Long An. Ở Bến Lức giáp ranh Thủ Thừa, thủy quân lục chiến và lực lượng tổng trù bị của ngụy tăng cường hành quân đánh phá.

Vùng giải phóng Thủ Thừa tuy rộng, nhưng dân trở về còn ít, phần lớn chỉ làm ăn ban ngày tối lại về vùng ven, vùng địch kiểm soát, cơ sở Đảng, cơ sở chính trị cách mạng trong quần chúng đã được củng cố và phát triển nhưng chưa đều, các xã đã có trung đội du kích, bộ đội huyện, đội biệt động thị trấn, nhưng quân số còn thiếu mới có khung cán bộ là 1/3 số chiến sĩ. Đứng trước tình hình và nhiệm vụ trên, Huyện ủy Thủ Thừa lúc này có 11 đồng chí, được phân công xuống bám địa bàn, bám cơ sở để quán triệt nhiệm vụ cho các cấp, trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo với tinh thần khẩn trương và quyết giành thắng lợi.

Trước khí thế chung, phong trào cách mạng trong huyện lúc này sôi động hẳn lên. Bộ đội huyện và du kích các xã đã đẩy mạnh hoạt động bao vây bức rút, bước hàng một số đồn bót, tạo điều kiện cho hang ngàn quần chúng trở về ruộng vườn cũ làm ăn, lực lượng binh vận tổ chức cho gia đình binh sĩ đi thăm nom chồng con, anh em gây tác động trong hàng ngũ địch, móc nối cơ sở làm tan rã phần lớn lực lượng nhân dân tự vệ, lấy súng và lực lượng bổ sung cho du kích, chỉ trong một thời gian rất ngắn toàn huyện đã phát động được trên 200 thanh niên bổ sung cho các lực lượng, huy động được hàng ngàn dân công, hàng trăm xuồng ghe, phà phục vụ chiến đấu, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm đảm bảo một phần công tác hậu cần cho các lực lượng.

Ngày 7/4/1975, lực lượng Trung đoàn 3 Sư 5 chủ lực Miền cùng lực lượng vũ trang Thủ Thừa nổ súng tiến công, chiến sự nổ ra trên các vùng bắc Thủ Thừa rất quyết liệt. Nhưng mũi tiến quân của ta bị chặn đứng vì quân địch tập trung rất đông cả về quân số và mật độ bom đạn. Trong khi đó phương tiện và vũ khí nặng của ta còn ở phía sau chưa tham gia chiến đấu được.

Ngày 8/4 địch phản kích mạnh. Các mũi thọc sâu tại ấp Rạch Đào, Thị trấn Thủ Thừa, cán bộ, chiến sĩ ta phải chiến đấu dũng cảm kiên cường đến viên đạn cuối cùng, còn lại một số đồng chí đã được sự đùm bọc nuôi dưỡng, che chở của nhân dân và lãnh đạo Đảng bộ thị trấn mới đưa ra khỏi vòng vây của địch.

 Những ngày sau ta tiếp tục tấn công ở vòng ngoài và pháo kích mạnh vào chi khu gây cho địch nhiều thiệt hai. Tên quận trưởng bị tử thương, hàng trăm tên phải đền tội. Trong vòng 14 ngày (từ ngày 9 đến 20/4) lực lượng Trung đoàn 1 và 2, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 cùng quân dân Thủ Thừa đã đẩy mạng tấn công công tiêu diệt bức rút 37 đôn, bót, phân chi khu địch, giải phóng hoàn toàn 3 xã với 1 vạn dân. Địch phải co về thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An.

Điều kiện mới đặt ra cho việc giải phóng Thủ Thừa là phải tập trung binh lực mạnh. Nhưng phải bảo vệ được dân, do đó lãnh đạo huyện và Tư lệnh Sư đoàn 5 quyết định chuyển sang đánh sư 22 ngụy ở Cầu Voi, tạo điều kiện để ra đánh chiếm quốc lộ 4.

Ngày 26/4 ta nhận được lệnh đẩy mạnh tiến công địch đưa lực lượng xuống chiếm quốc lộ 4 hình thành mũi chia cắt chiến lược của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để hoàn thành nhiệm vụ chia cắt chiến lược trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ cấp bách số một đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn và lãnh đạo chỉ huy của huyện lúc này là làm sao đưa xe tăng trọng pháo xuống trực tiếp chiến đấu.

Với khí thế tiến công táo bạo, quyết đoán, thông minh, sáng tạo. Đặc biệt là sự trực tiếp tham gia nhiệt tình của hàng vạn nhân dân, các chiến sĩ Trung đoàn 28 pháo binh, Tiểu đoàn 23 Thiết giáp đã đưa pháo Tên ghe, xe tăng xuống phà vượt sông, tiến vào vị trí tập kết. Trong đêm giữa bom đạn và pháo súng địch, hàng ngàn đồng bào Thủ Thừa đốn cây, chuyển cây lót đường cho tăng, pháo ta vào trận chiến đấu.

Đêm 27 rạng 28/4, lực lượng ta đã tiến công tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn 22 ngụy đóng ở Cầu Voi đưa lực lượng lên chiếm lộ 4.

Trong 4 ngày Sư đoàn 5 chủ lực Miền cùng quân và dân Thủ Thừa đã đẩy mạnh tiến công đánh chiến các mục tiêu của chiến dịch. Sáng ngày 30/4/1975 lực lượng vũ trang và hàng ngàn quần chúng nổi dậy làm chủ chi khu Thủ Thừa, giải phóng các đồn bót địch còn lại, tiến quân xuống chiếm thị xã Tân An và chiếm lộ 4, giải phóng huyện, giải phóng tỉnh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tại thị trấn Thủ Thừa cờ tổ quốc, cờ giải phóng tung bay trước dinh quận trưởng, cờ bay trên các đường phố, chợ, trên các ghe xuồng và ngay trên đồn bót địch.

Hơn 4.000 ngụy quân và ngụy quyền tan rã và đầu hàng tại chỗ. Vũ khí, đạn dược, xe pháo, quân trang, quân dụng của địch vứt bỏ bừa bãi trong đồn bót, công sở, trên các trục lộ, ngã ba đường. Lực lượng ta vừa lo ổn định tình hình, tiếp nhận giáo dục bọn đầu hàng, vừa thu hồi chiến lợi phẩm, đồng thời tiến hành tố chức lực lượng truy lùng bọn ác ôn lẩn trốn chưa chịu ra đầu hàng trình diện.

Trong lúc thị trấn và vùng ven đang được ổn định, đêm 30/4, một đoàn tàu gồm 30 chiếc từ Mộc Hóa - Tuyện Nhơn rút chạy theo sông Vàm Cỏ Tây xuống vùng bắc Thủ Thừa chạm súng với du kích và quyết tâm tháo chạy, lực lượng ta phải sử dụng chiếc tăng thiết giáp mắc lầy còn ở phía sau quay nòng súng chiến đấu, địch mới chịu đầu hàng.

Sau khi giải phóng Thủ Thừa ta tổ chức ngay Ban quan quản để tiến hành vận động và tổ chức nhân dân ổn định tình hình các mặt trong huyện. Chỉ trong một thời gian ngắn với tinh thần cách mạng cao cả, phát huy những chiến thắng vừa giành được, Đảng bộ, quân và dân Thủ Thừa đã giải quyết được mọi khó khăn ổn định được các mặt, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở địa phương để cùng cả tỉnh, cả nước, bước sang một thời kỳ cách mạng mới.

Giải phóng Thủ Thừa là bước phát triển cao của chiến tranh nhân dân địa phương kết hợp với binh đoàn chủ lực trên chiến trường Long An trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là kết quả của cả một quá trình chiến đấu liên tục, đầy hy sinh thử thách của Đảng bộ quân và dân Thủ Thừa góp phần vào thắng lợi chung.

Giải phóng Thủ Thừa là kết quả của việc vận dụng phương châm: 2 chân, 3 mũi, 3 lực lượng trên chiến trường đồng bằng Trung Nam bộ, tạo điều kiện giải phóng Long An và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đây cũng là quá trình vận dụng và phát huy truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc chống ngoại xâm của tổ tiên ta trong thực hiện chiến tranh nhân dân, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử địa phương và dân tộc. (2.064)

V.M (tổng hợp)

Các tin khác

  • Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố (23/02/2024)
  • 10 kết quả nổi bật của huyện Châu Thành năm 2023 (28/12/2023)
  • TOÀN VĂN: PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa (23/11/1963 - 23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Long An: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (23/11/2023)
  • Lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa và Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/2023)
  • Chiến thắng Hiệp Hòa mở ra cao trào phá “Ấp chiến lược” ở Long An (22/11/2023)
  • Dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề (26/10/2023)
  • Long An: “Tiệc chay” miễn phí 3 ngày tại Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (26/10/2023)
  • Lễ dâng hương kỷ niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (25/10/2023)
  • Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Bộ (17/08/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối