Thông tin tổng hợp

Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Long An

06/01/2023 11:04:59AM
Màu chữ Cỡ chữ

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Long An góp phần đạt được các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, đời sống cơ bản có chất lượng tiến gần đô thị. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng, phù hợp với từng địa phương, gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Long An.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Chuyển đổi nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tích hợp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn,..., gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, kết nối bền vững với các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng giảm diện tích trồng lúa; hạn chế sản xuất lúa 3 vụ, tăng nhanh các ngành hàng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp; từng bước hình thành các vùng sản xuất theo quy trình GAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa. Nâng cao thu nhập và đời sống dân cư, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao vị thế của người dân nông thôn, củng cố và phát triển cộng đồng. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn xanh sạch đẹp, đảm bảo an ninh với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ tiệm cận với khu vực đô thị.

Định hướng phát triển

(1) Đối với lĩnh vực trồng trọt: Tập trung phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và có nhu cầu lớn, ổn định phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (lúa gạo, rau màu; chanh; thanh long,…). Phát triển các cây trồng mới có triển vọng như cây mít, cây bưởi, cây xoài, cây sầu riêng,...

Đồng thời, quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo - từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực; vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, một cách hiệu quả nhất. Quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhất là tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Thực hiện quản lý, sử dụng đất lúa một cách linh hoạt hơn để phản ứng kịp thời với thay đổi thị trường, duy trì các vùng sản xuất đa canh khi cần có thể quay về sản xuất lúa một cách thuận lợi; kết hợp luân canh, xen canh giữa lúa với các cây nông nghiệp khác và thủy sản, chăn nuôi để tăng thu nhập cho nông dân.

(2) Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Phát triển các ngành hàng có thị trường và có thế mạnh như thịt gia cầm, trứng, sữa; duy trì chăn nuôi heo và bò; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo bền vững môi trường, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao, khuyến khích chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống có cải tiến theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chấm dứt hoạt động chăn nuôi (trừ nuôi động vật cảnh và hoạt động nuôi động vật phòng thí nghiệm) tại khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi theo Quyết định số 54/2020/QĐ-UBND, ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh Long An về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Long An. Khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở giết mổ công nghiệp, công nghệ hiện đại, hình thành chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế - chế biến - phân phối đảm bảo vệ sinh thú ý, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và hướng tới xuất khẩu.

(3) Đối với lĩnh vực thủy sản: Phát triển thủy sản của tỉnh phải gắn với việc tổ chức lại sản xuất dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, nhằm tăng năng suất, chất lượng và thân thiện với môi trường. Áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến, tiêu chuẩn kỹ thuật mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Ưu tiên nuôi những đối tượng có giá trị xuất khẩu và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường như cá tra, tôm,...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt các huyện vùng Đồng Tháp Mười theo hướng tập trung thâm canh, bán thâm canh (cả cá thương phẩm và sản xuất cá giống) trên các diện tích ao, đầm, vùng ruộng trũng, vùng đất ven sông; với các đối tượng nuôi chủ lực như: Cá da trơn, cá lóc, cá rô đầu vuông,... và tôm các loại. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ ở các huyện vùng hạ theo hướng bền vững với các đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh đó đa dạng hóa các loài nuôi trong ao ở các khu vực có điều kiện theo nhu cầu thị trường như cua, cá mú, cá chẽm, cá kèo. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống trại giống nước ngọt quy mô trại giống cấp tỉnh, nhằm xã hội hóa chủ động đáp ứng số lượng và đảm bảo chất lượng con giống cho nuôi thương phẩm của các địa phương trong tỉnh.

Đồng thời, phát triển khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi, nghiêm cấm những nghề gây hủy hoại nguồn lợi, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác nhằm nâng cao hiệu quả và bảo vệ tốt nguồn lợi. Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm tại một số vùng nước nội đồng và khu vực cửa sông trên địa bàn tỉnh.

(4) Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Phát triển lâm nghiệp gắn với các Chương trình phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh, đặc biệt là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn chặt với thị trường, mở rộng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo vệ rừng, kinh doanh rừng, bao tiêu sản phẩm, tạo nguồn thu thông qua các dịch vụ môi trường rừng. Chú trọng đến chất lượng rừng bằng cách tăng đầu tư khoa học kỹ thuật để đảm bảo trữ lượng, sản lượng, năng suất lâm sản và tác dụng phòng hộ, cảnh quan ngày một cao hơn. Phát triển lâm nghiệp gắn với chủ trương xã hội hóa việc bảo vệ phát triển rừng, giải quyết hài hòa các mối liên hệ giữa phát triển và bảo vệ sinh thái, môi trường, giữa lợi ích kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Song song đó, nâng cao chất lượng rừng trồng, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Đối với rừng sản xuất, đầu tư xây dựng và phát triển có chiều sâu, có định hướng theo vùng gắn với công nghiệp chế biến. Đầu tư, phát triển sản xuất và chế biến lâm sản ngoài gỗ. Tiếp thu và chuyển giao khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả trong kinh doanh phát triển rừng.

Nguyễn Tùng

Các tin khác

  • Chính phủ: Quy định về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (30/06/2023)
  • Phát triển xã hội số tại tỉnh Long An (05/04/2023)
  • Bến Lức tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa huyện (25/03/2023)
  • Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (02/03/2023)
  • Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn tỉnh Long An (02/03/2023)
  • Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh (28/02/2023)
  • Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An (27/02/2023)
  • Tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Long An (27/02/2023)
  • “Xây dựng xã hội học tập” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An (26/02/2023)
  • Long An: Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp năm 2023 khoảng trên 45.000 vị trí việc làm (26/02/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối