Thông tin tổng hợp

Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

31/01/2023 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 30/01/2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy kí ban hành Chương trình số 30-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Thời gian qua, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về đảm bảo an toàn thực phẩm được quan tâm thực hiện thường xuyên, nhất là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các ngày lễ, tết,… Từ đó, từng bước phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc phát động phong trào toàn dân thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, năng lực quản lý nhà nước, nguồn lực đầu tư công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm được tăng cường, nhất là công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hạn chế được các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề an toàn thực phẩm có lúc, có nơi chưa sâu sát. Quản lý an toàn thực phẩm ở một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ và đầy đủ các nội dung yêu cầu; chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; hiệu quả công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm chưa cao. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đôi lúc chưa chặt chẽ, kịp thời. Nguồn lực ở cấp huyện, cấp xã còn hạn chế nên việc triển khai công tác an toàn thực phẩm đôi lúc còn chậm. Vấn đề ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ chưa đảm bảo điều kiện (còn bố trí mặt bằng sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh chung với khu vực sinh hoạt gia đình; chưa thực hiện kiểm soát nguồn nước sản xuất định kỳ theo quy định; chưa thực hiện tốt việc ghi chép truy xuất nguồn gốc....).

Về quan điểm, mục tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định:

* Quan điểm

- An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc.

- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới đối với sức khoẻ nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, để người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm; đồng thời, thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, lồng ghép nội dung thực hiện, triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW với kết quả cụ thể, khả thi, tạo chuyển biến thực sự trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

* Mục tiêu

- Tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TW và Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tới 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, để người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm; đồng thời, thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

- Chủ động triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW và Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong công tác đảm an ninh, an toàn thực phẩm

Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách.

Đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Chương trình phối hợp của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững.

2. Nâng cao chất lượng quản lý; hoàn thiện chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm

Tập trung cụ thể hóa, rà soát sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, chính sách hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương về đảm bảo an toàn thực phẩm. Rà soát các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; có chính sách hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

Tập trung thanh tra, kiểm tra hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để phát huy phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Kịp thời khen thưởng và có biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.

Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

4. Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng

Tập trung công tác xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, ưu tiên phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào, trong tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên cung cấp tín dụng cho các hộ sản xuất thực phẩm an toàn, nhất là các hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.

5. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất, đảm bảo chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và theo đúng quy định của pháp luật hiên hành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ làm công tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

6. Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân. Tăng cường phổ biến quyền lợi người tiêu dùng, nghĩa vụ người sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Tiếp tục phát động phong trào toàn dân thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Huy động toàn xã hội, nhất là phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững.

Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, các đài phát thanh cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã, các trang, cổng thông tin điện tử các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền sâu rộng, tăng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài về vấn đề an ninh, an toàn thực phẩn. Thực hiện tốt việc giới thiệu, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt việc thực hiện an ninh, an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:

1. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW và  Chương trình này đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm ở địa phương, đơn vị.

2. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo việc rà soát cơ chế, chính sách và ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của pháp luật có liên quan; xây dựng kế hoạch giám sát định kỳ, đột xuất việc thực hiện các nhiệm vụ về đảm bảo anh ninh, an toàn thực phẩm.

3. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình với lộ trình và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn việc tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 17-CT/TW và Chương trình này; chủ trì, phối hợp Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Tổng hợp - VPTU 

 

Các tin khác

  • Chính phủ: Quy định về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (30/06/2023)
  • Phát triển xã hội số tại tỉnh Long An (05/04/2023)
  • Bến Lức tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa huyện (25/03/2023)
  • Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (02/03/2023)
  • Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn tỉnh Long An (02/03/2023)
  • Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh (28/02/2023)
  • Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An (27/02/2023)
  • Tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Long An (27/02/2023)
  • “Xây dựng xã hội học tập” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An (26/02/2023)
  • Long An: Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp năm 2023 khoảng trên 45.000 vị trí việc làm (26/02/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối